Cây chuối ở Hồ Gươm

Hà Nội đang chập chững giữa mùa thu và đầu đông. Mấy ngày này, có chút gió bấc ào về, nhưng rất nhẹ. Sáng sớm ngủ vùi trong chăn ấm mà chả muốn ra khỏi nhà, nhưng chỉ một thoáng sau là nắng vàng bắt đầu xiên qua các kẽ lá, như muốn rủ rê bước chân khách bộ hành bước ra khỏi nhà…

Hồ Gươm như con mắt xanh biếc của cô gái đương thì, lúng liếng thu hút người ta cứ buộc phải đến. Để đắm chìm trong ánh mắt ấy, trong cái nắng thu se lạnh sớm mai, hoà mình trong màu xanh mướt của hàng trăm loại cây cỏ quanh hồ.

Cây ở Hồ Gươm khá kỳ lạ. Thông thường, trên những con phố khác của thành phố, cây được trồng thành hàng và chỉ có 1 đến 2 loại nhất định. Nhưng ở quanh Hồ Gươm người ta trồng đủ loại cây, có những cây cổ thụ chẳng biết được trồng từ bao giờ.

Thoạt nhìn khá lộn xộn, có cảm giác như người ta thích trồng cây gì thì đem về đây cắm xuống đất, vậy là một thời gian sau, cái cây ấy mọc lên xanh tốt, hoà mình vào với những loại cây khác ven hồ.

Cùng với thời gian, những loài cây ấy bỗng trở thành một thực thể thống nhất, và như thể phân chia nhiệm vụ, để mỗi mùa trong năm lại có một loài cây vươn lên tô điểm cho vẻ đẹp của Hồ Gươm.

Những hàng liễu rủ quanh hồ rất nổi tiếng qua những bài hát và cả triệu bức ảnh của những nhiếp ảnh gia, những khách du lịch từ khắp nơi trên thế giới về đây. Thế nhưng, hoá ra, những cây liễu ấy, dù rất đẹp và mang tính biểu tượng, nhưng lại chỉ chiếm số ít quanh hồ.

Những cây gạo, cây lộc vừng, cây đa, cây bàng đến mùa lại đua nhau khoe sắc rực rỡ, thu hút khách du lịch đến đây ngắm cảnh hồ.

Ra tết âm lịch, những cây sưa gần đền Ngọc Sơn bất chợt trổ bông trắng muốt cả một góc hồ, xen lẫn là những cây hoa ban từ Tây Bắc xa xôi không biết được trồng ở đây từ khi nào?

Hè đến, những cây sấu đến mùa lá rụng nhuộm vàng cả một góc phía Bưu điện Bờ Hồ; Những cây xà cừ cổ thụ chạy dài từ nhà hàng Thuỷ Tạ đến tận đầu phố Bà Triệu mát rượi bước chân khách bộ hành. Có dạo người ta cứ đêm đến mang dao ra tách vỏ cây xà cừ đến trơ lõi.

Ban đầu dân tình kháo nhau là có kẻ phá hoại, nhưng kỳ thực là người ta lấy vỏ đem về đun nước chữa bệnh sài đẹn của trẻ con…

Vòng sang Hàng Khay là hàng cây bằng lăng, cây nhội, cây phượng và ti tỉ thứ cây khác chẳng thể biết tên mọc xen lẫn nhau.

Nhưng kỳ lạ hơn, đột nhiên, đoạn giữa phố Hàng Khay, mép Hồ Gươm, dưới gốc cây phượng to bằng bắp đùi bỗng mọc lên 3 cây chuối, như thể sau một đêm mưa lạnh giá, chúng bất thần xuất hiện. Chẳng mấy ai để ý, nhưng rõ ràng nó là một sự thay đổi, dù rất nhỏ, trong cảnh quan của Hồ Gươm…

Vẫn biết là quanh hồ có cả trăm loài cây, nhưng sao người ta lại trồng chuối ở Bờ Hồ? Người ta trồng cây cây phượng, dưới gốc có dính củ của cây chuối nên nó tự mọc lên, đáng nhẽ người trồng cây phải chặt bỏ, nhưng chúng tôi tiếc nên cứ để đấy cho nó mọc lên thôi…

Vừa tưới nước cho cây xung quanh, và cả mấy cây chuối, chị công nhân phụ trách việc chăm sóc cây quanh hồ tâm sự như vậy… Cây nào với chúng tôi cũng quý, và tự nhủ phải chăm sóc tận tình. Chỉ lơ là một chút là cây thiếu nước héo rũ, xót lắm.

Mình làm nghề này thì phải yêu cây. Hằng ngày nhìn chúng tươi tốt, thấy mọi người đến đây ngắm cảnh, chụp ảnh là thấy vui.

Những loài cây sinh sống tại đây, kể cả như cây chuối kia, dù tự dưng mọc lên nhưng đều có linh hồn và góp phần vào vẻ đẹp tự nhiên của Hồ Gươm. Giống như mọi người ở khắp nơi trên đất nước này, mỗi khi có dịp đến Hà Nội, đều tụ về đây, để ngắm Hồ Gươm. Thế nên, chẳng ai nỡ chặt đi. Cứ để vậy…