Cầu vượt Mai Dịch mới ngập rác, trách nhiệm thuộc về ai?

Sau hơn nửa năm thông xe, rác thải đã xuất hiện tại cầu thép mới nút giao Mai Dịch trong thời gian dài mà không được thu dọn.Hãy cùng VOV Giao thông trò chuyện với người tham gia giao thông về tình trạng này để tìm hiểu những băn khoăn của họ.

Xin chào anh! Mời anh giới thiệu một chút về mình.

Tôi là Nguyễn Xuân Đạt, tôi đang sống tại phố Phạm Tuấn Tài, Cầu Giấy, Hà Nội.

Đi qua cầu vượt Mai Dịch mới, anh thấy tình trạng rác thải tồn tại thế nào?

Rác thải hai bên rất nhiều, lâu ngày không được dọn dẹp. Tôi đi qua thì thấy rất bẩn, mất mỹ quan đô thị, từ những túi bóng, chai lọ, cốc nước mà các bạn vứt ra đường, đất cát các kiểu nữa.

Ngoài mất mỹ quan thì anh thấy có những ảnh hưởng nào khác?

Đi qua chai lọ thì mình phải né tránh nó, không hẳn hoi đi lên nó là mình trượt bánh ngã đấy. Như thế mưa to nó trôi vào cống chắc chắn là sẽ tắc và gây ngập.

Vậy anh có mong muốn gì để giải quyết tình trạng này?

Cấp trên phải nâng cao trách nhiệm. Tôi mong muốn là trên cầu có người chăm quét dọn. Mọi người không vứt rác để đảm bảo vệ sinh và an toàn.

Xin cảm ơn anh!

Sau hơn nửa năm thông xe, rác thải đã xuất hiện tại cầu thép mới nút giao Mai Dịch trong thời gian dài mà không được thu dọn. (Ảnh - Minh Hiếu)

Tình trạng rác thải tràn ngập trên cầu vượt Mai Dịch mới không phải là cá biệt. Hồi tháng 5/2024, VOV Giao thông đã từng phản ánh đường Vành đai 2 trên cao không được dọn rác sau nhiều năm vận hành. Với cầu vượt Mai Dịch mới, theo ghi nhận của phóng viên, đủ loại rác thải gần như chạy dọc hai bên lan can cầu theo cả hai chiều đi.

Đất cát che kín ệng lỗ thoát nước, tồn tại lâu ngày đến mức mọc cả cỏ dại. Một số người dân bày tỏ, dù không biết trách nhiệm thuộc về ai nhưng mong các bên liên quan sớm thống nhất, phân công nhiệm vụ để cử lực lượng dọn vệ sinh, đảm bảo an toàn giao thông và mỹ quan đô thị:

Tôi tên là Sao, ở Phúc Diễn, Nam Từ Liêm. Ngày nào tôi cũng đi vài lần, tôi thấy rác thải trên cầu vượt Mai Dịch quá nhiều. Chai lọ, túi nilon, quần áo, mũ bảo hiểm, đất cát,… người tham gia giao thông vứt xuống mà dọn dẹp hầu như không có. Quá bẩn, gần bến xe, tòa nhà cao tầng, dân ngoại tỉnh hoặc các đoàn đến thì mất mỹ quan của thành phố.

Vâng, các công trình giao thông sau khi hoàn thành, được bàn giao cho địa phương hoặc một cơ quan nào đó quản lý thì mới có đơn vị dọn dẹp, đảm bảo vệ sinh. Còn nếu công trình chưa được bàn giao thì các quận huyện và đơn vị quản lý cầu đường sẽ gặp khó khăn, vướng mắc trong việc vệ sinh môi trường. Anh nghĩ sao về câu chuyện này?

Cái này trách nhiệm đùn đẩy nhau, người nọ nhường người kia thì cũng khó. Nhưng cũng mong cơ quan chức năng quận huyện rồi phường vào cuộc, cơ quan nào đấy có trách nhiệm, để việc đi lại và mỹ quan đô thị nó tốt hơn, cho đường sá nó sạch, mưa gió nó không bị ảnh hưởng, tắc cống.

Mong mọi người có ý thức chung. Sạch sẽ thì mọi người đi sẽ cảm thấy tốt hơn, chứ tình trạng này để quá lâu rồi.

Cảm ơn anh với những chia sẻ cùng VOV Giao thông!

Đủ loại rác thải gần như chạy dọc hai bên lan can cầu theo cả hai chiều đi. Đất cát che kín ệng lỗ thoát nước, tồn tại lâu ngày đến mức mọc cả cỏ dại. (Ảnh - Minh Hiếu)

Sau phản ánh của VOV Giao thông, rác thải tại đường vành đai 2 trên cao đã được thu dọn. Và người dân, người tham gia giao thông mong muốn những chuyển biến tích cực tương tự cũng sẽ đến với cầu vượt Mai Dịch mới trong thời gian tới.