84 căn nhà bị sập một phần hoặc tốc mái là những gì mà trận mưa to kèm dông, lốc quét qua địa bàn huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre vào rạng sáng ngày 27/7 vừa qua để lại. Trong đó, xã Sơn Định là một trong những địa phương chịu thiệt hại nặng nề nhất khi có đến 50 căn nhà bị tốc mái và hư hại.
Ngoài ra, lốc xoáy còn làm 1ha sầu riêng cây từ từ 5-6 năm tuổi bị bật gốc không thể phục hồi được. 3ha cây trồng khác bị bật gốc, gãy cành…, thiệt hại khoảng 50%. Giông lốc cũng làm đổ sập khoảng 15.000m2 nhà lưới, hư hỏng lưới điện, biển quảng cáo và một số thiệt hại khác.
Thất thần nhìn căn nhà tang hoang chỉ sau một đêm, ông Nguyễn Văn Chính, ngụ xã Sơn Định, huyện Chợ Lách không khỏi bàng hoàng. Bởi theo ông, trước giờ, chưa từng chứng kiến trận lốc xoáy nào khủng khiếp đến vậy. Tài sản tích góp nhiều năm bị tổn thất nặng nè. Ông Chính chia sẻ:
"Hồi đó tới giờ trong cuộc đời của tôi năm nay 55 tuổi mà chưa từng thấy, tôi rất hoảng sợ khi chứng kiến trận lốc xoáy như ngày hôm nay. Và bà con xung quanh ở đây nguyên 1 dãi từ đầu vàm vố tới cầu Chợ Lách mới, 1 dãy rất lớn, tất cả các nhà ở đây đều tốc mái hết toàn bộ."
Cùng ngày, tại tỉnh Tiền Giang, mưa lớn kèm theo lốc xoáy quét qua địa bàn huyện Cái Bè, làm thiệt hại 33 căn nhà của người dân, gây đổ ngã hơn 260 cây ăn trái như sầu riêng, nhãn, xoài và làm một người bị thương phải đến bệnh viện điều trị.
Trước đó một ngày, tại Hậu Giang, mưa lớn, gió giật mạnh, lốc xoáy đi ngang qua địa bàn huyện Vị Thủy đã gây nhiều thiệt hại nhà cửa, vườn tược của của người dân 2 xã Vĩnh Trung và Vĩnh Tường. Ước tổng thiệt hại gần 1,1 tỷ đồng. Sau khi nhận được thông tin về thiệt hại do dông lốc gây ra, địa phương đã khẩn trương triển khai lực lượng dân quân tự vệ, công an và các đoàn thể cùng với người dân dọn dẹp nhà cửa, khắc phục hậu quả và hỗ trợ bước đầu cho các hộ bị thiệt hại.
Thống kê của ngành chức năng, từ đầu năm đến nay, tổng thiệt hại do thiên tai dông lốc, sạt lở bờ sông trên địa bàn tỉnh Hậu Giang là hơn 4,2 tỷ đồng. Trong đó, dông lốc làm tốc mái 31 căn nhà, sập 5 căn; ước thiệt hại gần 1,2 tỷ đồng; 22 điểm sạt lở bờ sông với tổng chiều dài sạt lở 610m; diện tích mất đất gần 3.000m2, thiệt hại hơn 3 tỷ đồng...
Với tinh thần chủ động, giảm bớt thiệt hại cho người dân, các địa phương ở ĐBSCL tiếp tục thực hiện phương châm “4 tại chỗ”, đó là chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ. Trong đó xác định phương án cụ thể đối với từng vùng trọng điểm, đề cao tinh thần cẩn trọng, tích cực, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản do thiên tai gây ra.
Theo ông Phạm Đức Đoàn, Giám đốc Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Hậu Giang, thiên tai ngày càng khó lường, vì vậy, ngành chức năng các địa phương cần thường xuyên tuyên truyền để người dân chủ động đề phòng. Ông Phạm Đức Đoàn chia sẻ:
"Mình nên chằng chống lại cẩn thận. Bên cạnh đó, mưa giông kèm sấm sét nên người dân khi tham gia trên đường cần bình tĩnh, tìm nơi trú ẩn an toàn. Đối với người dân làm đồng nên chọn địa hình thấp trú ẩn."
Nhằm đảm bảo thực hiện tốt công tác ứng phó thiên tai, Hậu Giang thực hiện theo phương châm “4 tại chỗ”, toàn tỉnh đã thành lập 75 đội xung kích cấp xã tại 75/75 xã, phường, thị trấn của tỉnh. Ngoài ra, để nâng cao công tác dự báo và ứng dụng công nghệ số vào phòng, chống thiên tai, hiện trên địa bàn tỉnh đã đưa vào vận hành hàng chục trạm đo mưa, triều cường tự động…
Ông Ngô Minh Long, Giám đốc Sở NN& PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết thêm: "Cũng mong bà con tập trung xem dự báo thời tiết, để cập nhật sớm. Ngoài ra, tính toán thời điểm mùa vụ cho phù hợp với điều kiện thực tế. Đối với hệ thống thủy lợi, chúng tôi cũng chủ động rà soát lại hệ thống cống bọng, đê bao để có tuyên truyền cũng như gia cố kịp thời, cũng như giúp cho các thông tin tuyên truyền làm sao người dân kịp thời nhất để người dân ổn định sản xuất trong thời gian tiếp theo."
Nam Bộ đang trong giai đoạn mưa nhiều, thời gian mưa nhiều tập trung từ chiều đến đêm đi kèm giông lốc. Các chuyên gia cảnh báo, khi có các thông tin cảnh báo mưa giông, người dân cần trú ở những nơi an toàn tại các công trình xây dựng kiên cố để đảm bảo an toàn. Chú trọng chằng chống nhà cửa. Trong sản xuất, người nuôi trồng thủy sản cần gia cố bờ bao; người dân trồng lúa cần chủ động phương tiện để bơm tát nước chống ngập úng khi cần thiết.