Cái toilet của thị dân

Nhà vệ sinh công cộng, đối với người sống ở phố cổ Hà Nội bao nhiêu năm nay vẫn là một vấn đề nan giải với cuộc sống của họ. Ở rất nhiều nơi, cư dân vẫn phải dùng chung bể nước, nhà tắm, nhà vệ sinh. Rất khó tưởng tượng đó là cuộc sống của người Hà Nội hiện nay…

Người Việt vẫn luôn ngại khi nói đến chuyện cái nhà vệ sinh. Khách đến nhà cũng ít khi giới thiệu trước với khách nhà vệ sinh ở đâu. Nếu được thì cũng quên tịt, chỉ khi nào khách có nhu cầu, và gặp người bỏ qua sự ngại ngùng mà hỏi thì chủ nhà mới chỉ chỗ cho mà giải quyết.

Cái quan niệm nhà vệ sinh là nơi bẩn thỉu, cần phải giấu kỹ nên trước đây xây nhà không mấy người nghĩ đến chuyện thiết kế một cái nhà vệ sinh cho tiện nghi, đàng hoàng. Thậm chí, nhà vệ sinh phải để thật xa nơi ở.

Nhớ ngày xưa khi còn ở nhà tập thể, cả khu tập thể mấy trăm hộ dân chỉ có một cái nhà vệ sinh 3 gian. Cứ sáng sớm thức dậy là cư dân cả khu đứng xếp hàng lần lượt mà vào sử dụng. Không chịu nổi cũng phải cố mà đứng chờ cho tới lượt.

Cái lạ ở chỗ, hầu như nhà nào cũng khá rộng rãi, có sân, có vườn, nhưng không một nhà nào nghĩ tới việc xây riêng cho gia đình một cái nhà vệ sinh phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày?! Có lẽ suy nghĩ đã ở tập thể là cái gì cũng phải dùng chung, nó thành cái nếp sống thời ấy.

Mãi rồi sau này, vào một ngày đẹp trời, tự dưng tất cả những cư dân tập thể ấy bỗng nhận ra sự bất tiện của nhà vệ sinh công công. Và thêm phần cuộc sống cũng đã khấm khá hơn, suy nghĩ cũng đã thay đổi, vậy là có người tiên phong tự xây cho gia đình một khu vệ sinh riêng.

Trong vườn nhà, vẫn phải cách xa nơi ở. Nhưng dù sao cũng được thoải mái sử dụng riêng. Một người làm, cả khu học tập. Cái nhà vệ sinh công cộng dần dần bị bỏ hoang…

Đó là chuyện ở nhà tập thể. Còn với cư dân phố cổ Hà Nội lại khác. Những cư dân ở sâu trong các con ngõ nhỏ phố cổ, nơi không gian chật chội, đến việc đặt cái giường mà nằm thẳng còn khó, nói gì đến chuyện xây nhà vệ sinh riêng. Cho dù là bây giờ cuộc sống, quan điểm đã khác xưa nhiều lắm. Nhưng dù có muốn cũng lực bất tòng tâm…

Người Hà Nội ở phố cổ bây giờ vẫn phải sử dụng nhà vệ sinh công cộng. Nói mà chẳng mấy người ngoài tin. Nhưng đích thực là vậy. Dù không hề muốn, nhưng với không gian chật chội phố cổ, ở nhiều nơi người ta vẫn phải dùng nhà vệ sinh công cộng. Thậm chí là việc tắm rửa, giặt giũ cũng dùng chung bể nước, nhà tắm.

Tất nhiên, chẳng mấy ai ở thời đại này lại chịu được cái cảnh dùng chung nhà vệ sinh tập thể mãi như thế. Vậy là người ta cũng bắt đầu phải co kéo không gian sống để làm cho gia đình một cái nhà vệ sinh riêng. Nhưng ở phố cổ, việc xây dựng, cải tạo nhà cửa là không đơn giản. Cần phải được phép của chính quyền địa phương, của ban quản lý phố cổ…

Vậy là người ta phải sáng tạo. Những nhà mặt phố, người ta sẽ tận dụng khoảng không gian ngoài ban công để dựng nhà vệ sinh. Chỉ cần có một chút ban công, rộng chừng 1 mét vuông là đủ. Thế là bây giờ, đi trên phố cổ, cứ ngửa mặt lên nhìn trên đầu, phố nào, nhà nào cũng có cái toilet chìa ra mặt phố.

Cuộc sống chật chội nên cái toilet phải chìa ra ngoài cho thiên hạ thấy, chứ chẳng phải người Hà Nội đã học phong cách của người Tây là khách đến chơi nhà trước hết phải giới thiệu nhà vệ sinh cho khách biết.

Có lẽ vậy. Nhưng nhìn mặt phố cổ bây giờ thật kỳ lạ. Nhất là những ngôi nhà kiểu biệt thự cũ. Những cái toilet treo lơ lửng giữa mặt tiền ngôi nhà, nhìn như những nốt mụn khó chịu cứ mọc mãi trên khuôn mặt cô gái mà không chịu rời đi.

Và có lẽ nó cũng chẳng thể biến mất, mà thậm chí sẽ còn mọc thêm ra nữa, với nhiều biến thể khác mà chỉ có người phố cổ mới nghĩ ra được.