Bùi Văn Thức - Nâng tầm giá trị từ trái cây tạo hình

Những năm gần đây, trái cây tạo hình đã trở nên quen thuộc và được nhiều người mua để trưng trong những ngày Tết hay làm quà tặng nhau, với mong muốn một năm mới thịnh vượng và đủ đầy. Hiểu tâm lý này, các nhà vườn mỗi năm lại nghĩ ra những mẫu mã mới để đa dạng lựa chọn cho người tiêu dùng.

Câu chuyện thổi hồn cho những trái cây thiên nhiên luôn thú vị và nhận được nhiều sự quan tâm. Cảm hứng Mekong hôm nay, mời quý thính giả cùng gặp gỡ anh Bùi Văn Thức ở huyện Châu Thành tỉnh Hậu Giang để hiểu thêm về tâm huyết tạo hình cho trái cây ền Tây của người nông dân này. 

Nông dân Bùi Văn Thức linh hoạt cho ra thị trường combo “ngũ quả” phục vụ nhu cầu chưng tết. Ảnh: Báo Hậu Giang

PV: Chào anh Thức, được biết anh là một trong những người đầu tiên sáng tạo mâm ngũ quả tạo hình trong dịp Tết. Năm nay, khi nào mình thu hoạch và từ đâu anh có suy nghĩ làm trái cây tạo hình?

Tầm 22-28,29 tết, lúc đó nhà nào cũng hái. Tự anh nghĩ ra anh làm thôi, nói chung trước anh thấy bưởi hồ lô bán có giá rồi anh thấy nhà vườn của mình cũng phụ thuộc vào thương lái hoài nên anh làm xoài thư pháp bán được giá hơn rồi mình ráng làm mấy năm nay.

Bây giờ anh đang lên bộ combo như cầu, sung, dừa, đủ, xoài. Cầu thì anh bao cầu vàng, xoài, đu đủ, dừa mấy cái đó thư pháp hết.

PV: Bưởi tạo hình em cũng thường thấy nhưng dừa, đu đủ hay xoài thư pháp thì mới có trong những năm gần đây. Để tạo hình cho những nông sản này có khó gì không anh?

Trái dừa cũng dễ em ơi, đắp lên, chủ yếu mình phối sơn cho bóng bẩy, anh cũng đang làm đu đủ vì bên kia nghỉ làm nên anh làm đu đủ luôn lên bộ combo của anh. Đu đủ phải tạo màu da với lựa đu đủ xanh tốt mới được, dạng đu đủ bị si là nó không hiệu quả.

Anh làm đâu thời gian gần đây nói chung ra cũng đam mê mong gửi quý khách hàng gần xa có sản phẩm độc lạ trưng ngày Tết. Ngày nay, mình chưa có khách nhiều thì mong rằng nhiều người biết đến để mình bán được nhiều sản phẩm hơn.

PV: Để tạo ra trái cây tạo hình với hình dáng đẹp, ưng ý, việc trải qua những lần thất bại là điều không tránh khỏi. Có khi nào anh muốn bỏ cuộc không?

Làm vì kinh tế mà mình thấy được, mình kêu người làm thêm chứ làm mình làm đâu nỗi. Tạo hình trên trái khoảng 1.500 trái, còn bộ combo nữa mỗi cái chút, 7ha. Người ta thấy mình làm nhiều khi người ta làm không được, ban đầu anh làm sự thành công rất là thấp, gia đình nghĩ làm vậy bán thua hàng chợ nữa rồi này kia nhưng anh quyết tâm làm rồi sau này sự nét chữ và thành công và mình bán được giá mình thấy quyết tâm và làm tốt hơn.

Năm đầu, mình làm chưa có khách hàng, mình ra chợ bán dạng như kiểu lề đường người ta nghĩ lấy mực viết lên trái mình cũng sót lắm, sau này người ta biết nghề thư pháp mình cũng tự hào lắm. Anh làm khoảng 6-7 năm, anh chuyên về xoài, làm xoài trước.

PV: Vụ trái cây Tết năm nào nông dân cũng khá "phập phồng" về đầu ra và giá cả. Nhưng đối với trái cây tạo hình của mình thì sao? Và anh có muốn chia sẻ gì thêm không anh?

Mình quyết định được giá, nói chung bán trái cây theo mùa, theo ấy thì lệ thuộc thương lái còn cái này anh tự quyết định được giá mà. Anh thì không có học ngành gì nói chung ra làm vườn thấy đam mê nghề bên trái cây tạo hình mình thấy làm trong thời gian gần đây.

Còn dưa hấu làm thành công rất thấp, làm rồi sản phẩm bị úng thúi nhiều lắm, còn mỗi người có mảng riêng, anh không có lấn sang mảng khác.

PV: Xin cảm ơn anh Bùi Văn Thức với những chia sẻ vừa rồi.

Chuẩn bị xoài thư pháp để bán Tết. Ảnh: haugiangtivi

"Nó kích thích người nông dân sản xuất, tại vì tạo hình giá trị nó cao, khi tạo hình nghệ thuật nó làm con người ta hăng hái thêm".

"Năm nào cũng vậy, trái cây tạo hình là sản phẩm biếu tặng ngày Tết được tôi cũng như các đồng nghiệp lựa chọn, bởi mẫu mã của các sản phẩm trái cây tạo hình rất bắt mắt vừa không đụng hàng lại ý nghĩa".

Xoài, dừa, đu đủ, mãng cầu thay vì trồng bán Tết theo cách thông thường, anh Bùi Văn Thức, ở huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang lại chọn ngã rẽ mới là khác lên những loại trái cây này tấm áo độc lạ “không đụng hàng” để trưng trong mấy ngày xuân. Hiện, sản phẩm chủ lực của anh Thức là xoài Đài Loan in chữ thư pháp với hơn 1.000 trái. Thời điểm này, anh đang chăm chút cho những sản phẩm này đạt chất lượng tốt nhất

In chữ lên trái xoài là dùng kỹ thuật bao trái nhằm khắc chữ hay hoa văn theo ý muốn lên trái xoài. Trái xoài tạo hình đạt yêu cầu phải có màu sáng đẹp, phần chữ được in lên trái có màu đậm hơn, khi đem thờ cúng thì bắt mắt. Đặc biệt, những chữ thư pháp được in lên trái xoài vừa đẹp mắt vừa mang nhiều ý nghĩa tâm linh như Tài, Phước, Phúc, Lộc, Thọ, Vạn, Sự, Như, Ý… rất được ưa chuộng.

Để cho ra những trái xoài in chữ thư pháp đạt chuẩn phục vụ đúng vụ tết thì không chỉ anh Thức mà bất cứ nông dân nào chọn theo hướng đi này đều phải chuẩn bị, tuyển chọn trái từ rất sớm. Bắt đầu từ việc xử lý cho cây ra hoa đúng thời điểm tháng 9 âm lịch, khi trái lớn bằng khoảng ngón chân cái thì bắt đầu tuyển chọn và bao trái. Trái xoài có màu vàng bắt mắt thì phải bao trong khoảng 45 ngày, sau đó thì tháo bao trái ra, tuyển chọn lại lần nữa.

Chỉ những trái to đẹp, đầy đặn mới được chọn để tiến hành bao trái tạo hình. Thời gian tạo hình cho trái xoài khoảng 15 ngày. Lúc này trái xoài có độ già vừa đủ và chữ đã lên màu vừa đẹp để thu hoạch. Với anh Thức, việc tạo hình trên trái xoài không quá khó về kỹ thuật cũng như vốn đầu tư, nhưng phải tốn nhiều công lao động, bù lại giá trị kinh tế cao hơn 10 lần so với trái xoài bình thường.

Với kinh nghiệm hơn 5 năm với công việc tạo hình cho trái cây, sản phẩm của anh Thức vì vậy luôn nhận được phản hồi tích cực từ khách hàng, không chỉ mẫu mã đẹp mà còn trưng bày được lâu. Ngoài bán lẻ, anh Thức còn bán trái cây tạo hình theo combo ngũ quả “cầu, sung, dừa, đủ, xoài” với giá từ 700.000-800.000 đồng/combo. Dịp Tết Dương lịch vừa qua, anh đã cho ra mắt combo này và được nhiều khách hàng liên hệ, tìm mua.

Anh Bùi Văn Thức, chia sẻ: "Anh chủ động được cái giá cũng bình thường, giá ở đây anh giao tại vườn từ 150.000-170.000 đồng/trái. Cái này làm trên trái xoài Đài Loan, lên bộ combo anh bán từ 700.000-800.000 đồng/combo là cầu, sung, dừa, đủ, xoài. Mân ngũ quả tạo hình hết".

Theo lời anh Thức, năm nào cũng vậy, trái cây tạo hình luôn là mặt hàng “hot” trên các diễn đàn, mạng xã hội. Mọi người thường ngóng trông năm nay có mẫu mã gì mới, giá cả thế nào?. Do phải thực hiện kỳ công và số lượng có hạn nên để sở hữu những sản phẩm độc đáo này, nhiều người phải đặt hàng từ sớm mới dù giá của nó có thể cao gấp nhiều lần trái cây thông thường. Dẫu vậy, bằng tài hoa và sự sáng tạo không ngừng nghỉ của mình, nông dân Hậu Giang nói riêng và nông dân ĐBSCL nói chung đã làm phong phú thêm sự lựa chọn cho người tiêu dùng, tô điểm gam màu tết thêm màu sắc và hơn hết là nâng cao thu nhập của chính người nông dân.

Anh Bùi Văn Thức, nói thêm:"Những khách biết đến mình thì người ta đến vườn, anh làm sau bác Thành, bác Thành làm trước từ bưởi hồ lô mình biết mình thấy hồ lô cũng hay hay rồi mình thấy nhà vườn mình có xoài rồi làm trên trái xoài, tính làm ít hơn nhưng thấy khách hàng có nhu cầu nên làm cũng như năm rồi chứ không có ít hơn".

Theo ngành nông nghiệp Hậu Giang, năm nay, nhà vườn trên địa bàn tỉnh dự kiến cung ứng khoảng 3.850 sản phẩm trái cây tạo hình để phục vụ chưng tết. Cụ thể, có 250 trái đu đủ và 2.050 trái xoài in chữ, dừa chưng tết có 1.350 trái và 200 trái đào. Ngoài ra, còn có hơn 1,1 triệu chậu hoa các loại sẵn sàng phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong và ngoài tỉnh.

Chính sự sáng tạo của nhà vườn đã tạo nên điểm nhấn, chỗ đứng và nâng tầm giá trị cho những loại trái cây vốn dĩ rất bình thường. Ngoài hình dáng "độc nhất vô nhị", trái cây tạo hình còn mang ý nghĩa tâm linh phù hợp với văn hóa truyền thông của người Việt. Thực tế cho thấy, nếu việc sản xuất gắn với nhu cầu thị trường và tạo hướng đi riêng thì nhà vườn có thể làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.