Bốt hàng Đậu mở cửa

Bốt hàng Đậu nằm tại ngã sáu của khu phố cổ, đã có tuổi đời hơn một trăm năm, lặng lẽ chứng kiến bao đổi thay, thăng trầm của Hà Nội.

Lần đầu tiên tháp nước này được cải tạo thành không gian nghệ thuật, mở cửa đón du khách trong chuỗi dự án của Lễ hội thiết kế sáng tạo với chủ đề “Dòng chảy” - đánh thức, để di sản được tiếp nối, tái sinh.

  

Bà Đào Thị Minh nhà ở phố Hòe Nhai, cách bốt hàng Đậu có vài trăm mét. Dù đã ngang qua tháp nước không biết bao nhiêu lần, nhưng trong suốt 85 năm cuộc đời, bà Minh cũng chưa từng được thấy bên trong bốt trông như thế nào.

Cơ hội ấy cũng tới trong một ngày Hà Nội đầu mùa đông. Bà mặc chiếc áo dài đẹp nhất mình có, đứng trong dòng người xếp hàng dài mang theo sự tò mò để bước vào bên trong bốt hàng Đậu, bước vào không gian nghệ thuật sắp đặt được nhiều người mong ngóng từ lâu:

"Già như này đi được tốt quá. Ngày nào cũng đi qua đây, đi làm đi chợ đi đâu cũng đi qua đây. Hôm nay thấy bốt hàng Đậu đẹp, sạch sẽ. Nước chảy mỗi một lần chảy xuống có tiếng nhạc khác nhau. Giờ giỏi thật, văn nh thật".

Bốt hàng Đậu nằm tại ngã sáu của khu phố cổ, đã có tuổi đời hơn một trăm năm

Không gian nghệ thuật lấy cảm hứng từ lục thủy theo quan niệm Á Đông, men theo một mô đun bằng gỗ tái chế, dạng con đường ôm vừa đường kính của bốt Hàng Đậu, để thấy sự lơ lửng của những chiếc đĩa tái chế đầy màu sắc.

Trong không gian là âm thanh chữa lành của lục thuỷ, tượng trưng cho 6 nguồn nước trong tự nhiên là nước sông ,nước suối, nước mưa, nước trong khe, nước ngầm và nước biển. Chứng kiến sáng tạo này, các bạn trẻ đều vui mừng khi được tương tác với di sản nổi tiếng:

"Đến bốt hàng đậu xem cấu trúc bên trong có gì. Vào em choáng ngợp bên trong sắp đặt nghệ thuật từ sản phẩm tái chế. Em nghĩ đây là sự kiện ý nghĩa cho người dân tham quan sau 100 năm nó tồn tại. Mỗi qua đi qua đây bố mẹ em đều giới thiệu ngày xưa nó để cung cấp nước sinh hoạt cho người dân khu vực phố cổ".

"Có buổi triển lãm để được vào trong tham quan mình quyết định đăng ký vé online đến tham dự. Tháp nước lặng lẽ ở đây hơn 100 năm rồi đúng là nó đi liền với lịch sử của Hà Nội hôm nay có một cơ hội vào đây tham quan".

Mọi người từ già đến trẻ xếp thành hàng đi vào trong Bốt hàng Đậu

Với những cái tên mang đầy thiện cảm của quá khứ mà người dân thủ đô đã đặt như: Két nước Hàng Đậu, Tháp nước tròn Hàng Đậu, Nhà máy nước tròn, Đài nước Quán Thánh, Nhà tròn Quán Thánh, bốt Hàng Đậu may mắn vẫn ở đây, giữa sự chờ mong của người dân về một sự thay đổi. Không chỉ là sự thay đổi của cảnh quan bên ngoài, tháp nước chỉn chu, sạch sẽ hơn ngày thường.

Những hàng người nối nhau từ 8h sáng để được trải nghiệm lần đầu tháp mở cửa sau gần 130 năm, đủ để thấy hơn cả sự tò mò, người ta mong mỏi được thưởng thức một “món văn hóa” đặc sắc. Và không phụ kỳ vọng, khi đi đủ một vòng tròn quanh tháp nước, bữa tiệc âm thanh, ánh sáng và sắc màu đã mang tới sự tròn đầy của cảm xúc.  

Ngược lại, bốt hàng Đậu như tràn đầy sức sống mới khi có ai đó chạm tay lên những vòm cửa hình vòng cung, những tường đá xi măng nằm im lìm chừng ấy năm. Có lẽ sau đây, cách ứng xử với di sản này của người dân sẽ thay đổi.

Những chiếc đĩa tái chế đầy màu sắc trong triển lãm

Trải qua bao năm thăng trầm của lịch sử, bao cuộc chiến tranh đi qua và bị đe dọa phá dỡ để phục vụ mục đích kinh doanh. Cho đến nay, bốt Hàng Đậu vẫn giữ nguyên được kiến trúc cổ kính đặc trưng của thời kỳ xưa và được xem như một chứng tích cho đất Hà thành cũ.

Việc gìn giữ và đánh thức di sản bốt Hàng Đậu như một chỉ dấu. Chừng nào những di sản vẫn còn được nâng niu, người ta có thể kỳ vọng về những giá trị sống cao hơn khi văn hóa được quan tâm, được thúc đẩy sáng tạo.

Bộ hành qua phố hôm nay để thấy có những dòng người kiên nhẫn xếp hàng, háo hức ngóng trông được tương tác với di sản. Đó là cách mỗi người học từ quá khứ, sống ngày hôm nay và hướng tới ngày mai tốt đẹp hơn.