Bội thu mùa cá

Mùa nước nổi hằng năm ở ĐBSCL được xem là mùa “ăn nên làm ra” của người dân hành nghề đánh bắt thủy sản. Khoảng nửa tháng nay, mưa lớn kéo dài đã làm mực nước ở vùng đầu nguồn An Giang – Đồng Tháp lên nhanh, mang theo lượng lớn cá –tôm ra các nhánh sông.

 

Từ Rằm tháng 8 âm lịch, tại một số huyện như Thoại Sơn, An Phú, Tịnh Biên... của tỉnh An Giang, và Hồng Ngự, Tân Hồng… của tỉnh Đồng Tháp đã đón con nước vàng đục tràn vào hết các cánh đồng. Cũng từ thời điểm đó, ngày nào gia đình của anh Đỗ Văn Lữ (ngụ xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp) cũng thức dậy và ra đồng từ sáng sớm để đẩy côn.

Trên cánh đồng rộng lớn, cá lóc chúi tạo thành một vùng tim (bong bóng nước), anh Lữ dùng nôm trấn ngay vị trí tim nổi và bắt cá nằm trên mặt bùn. Anh Lữ cho biết, khác với các loại hình đánh bắt lưới, xiệt điện, đặt dớn… đẩy côn chỉ bắt những con cá lớn. Trong khi hình thức này cũng không tốn nhiều chi phí đầu tư nhưng hiệu quả và đem lại nguồn thu nhập đáng kể.

Thời điểm đồng còn cạn, gốc rạ lúa dày, ít nhất cũng bắt được 2kg cá/buổi. Mùa nước tràn đồng, đẩy đòn giỏi, anh bắt số lượng gấp đôi. Giá cá lóc đẩy côn hiện tại được bán với giá 100.000 đồng – 130.000 đồng/kg: “Từ sáng đến giờ tôi chắc ăn mình bắt được 6kg cá lóc, còn cá rô phi một ngày kéo được 20kg. Bình thường 6h sáng mới lên xuồng đi đẩy côn, nhưng mấy ngày nay nước nhiều nên 4h khuya là đi rồi”.

Mùa nước về cũng là lúc nông dân trữ nuôi cá ruộng

Còn anh Phạm Hữu Vọng ngụ tại huyện An Phú - An Giang thì bội thu đủ loại tôm- cá bằng cách đặt lú trên đồng. Anh Vọng cho biết, bên cạnh các đê bao khép kín sản xuất ba vụ thì các cánh đồng xả lũ ở xã Vĩnh Hội Đông, Nhơn Hội, Phú Hội thời điểm này nước đã ngập rất sâu, được coi là rốn lũ, nơi này tập trung rất nhiều cá - tôm tự nhiên từ đồng ruộng theo con nước đổ ra các nhánh sông. Với đặc thù săn bắt được cá đồng, nông dân ở đây phần lớn tập trung cho nghề đặt lú.

Nghề đặt lú bắt cá đồng thường chỉ kéo dài khoảng một tháng. Khi những cánh đồng được xới đất xong thì nghề đặt lú bắt cá đồng không còn hiệu quả nữa. Chính vì thế, ngày lẫn đêm, trên các cánh đồng lúc nào cũng có người đi bắt cá: “Năm nay có nước sống khỏe lắm, ngày đi câu lưới, khuya đi đặt dớn. Mùa nước năm nay cá nhiều đỡ hơn mọi năm. Đặt dớn là bán đủ thứ, từ: cua, cá ốc…thu nhập cũng được 400.000 đồng/ngày”.

Những năm gần đây, nước lũ nhỏ, về trễ nhưng rút nhanh nên cá không có nhiều. Mấy ngày gần đây, mưa nhiều, con nước “nhảy mạnh”, trung bình mỗi ngày nông dân bắt được ít nhất từ từ 5 - 7 kg cá các loại, như: mè dinh, dảnh, chạch. Đặc biệt từ sông Vĩnh Hội Đông xuôi về Châu Đốc và thị xã Tịnh Biên (tỉnh An Giang), nhiều cánh đồng ngoài khu vực đê bao bội thu mùa cá linh.

Anh Lê Minh Châu – ngụ tại TP. Long Xuyên, tỉnh An Giang cho biết: “Mùa nước năm nay cá linh nhiều hơn so với mọi năm. Chúng tôi bán nhỏ lẻ thôi mà cũng được 100 ngàn đồng mỗi kg, mỗi ngày kiếm được 400 ngàn đồng”.

Suốt thời gian này, nông dân hành nghề đánh bắt thủy sản có mặt trên các cánh đồng ngập nước để đặt dớn bắt cá, cua, tép...

Ghi nhận tại chợ đầu mối cá đồng Trường Xuân, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp, hiện nay thương lai đang vào vụ thu mua cá sông, cá đồng. Số lượng giao dịch tại chợ đã cán mức 10 tấn/ngày, gồm: cá linh, lóc, chốt, lăng, chạch, trèn, sặc và cua, lươn đồng. Tùy con nước mà mỗi ngày, vựa cá thu mua từ 100 kg-200 kg.

Hiện nay, các công ty du lịch lữ hành và các hộ du lịch nông dân tại Đồng Tháp - An Giang đang khai thác và phát triển thêm nhiều loại hình dịch vụ đặc biệt mùa nước nổi, như: câu cá, bắt cua, đặt lợp, hái sen, hái súng, bơi xuồng, chụp ảnh. Các sản phẩm du lịch sông nước ngoài trời hướng đến khám phá những cánh đồng nước bằng thuyền, ghe, tận hưởng cảnh quan thiên nhiên tuyệt đẹp, mát lành và khám phá đời sống cư dân địa phương.

Ông Mai Văn Tuấn – PCT UBND xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Du khách sẽ được trực tiếp đổ dớn cá linh, tận tay bắt cá. Chúng tôi hỗ trợ áo phao để đảm bảo an toàn cho du khách”.

Đặt lợp bắt cá rô tại TP. Châu Đốc, An Giang

Dự báo của Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ, mực nước đầu nguồn sông Cửu Long tại trạm Tân Châu và Châu Đốc đang có xu thế tăng mạnh do lũ thượng nguồn đổ về kết hợp triều cường tăng cao.

Nhiều khả năng đỉnh lũ tháng 9 tại Tân Châu đạt mức từ 3,1-3,2m, tại Châu Đốc đạt 2,9-3,0m. Mực nước sông MeKong cũng đang lên nhanh, tại một số trạm chính như sau: Mukdahan (Thái Lan) 11,01m, Pakse (Lào) 10,8m, Stung Treng (Campuchia) 9,06m, Phnom Penh Port (Campuchia) 6,15m, Phnom Penh Bassac (Campuchia) 7,4m.

Do đó trên hệ thống sông này sẽ có lũ. Ngoài để phòng nguy cơ ngập lụt ở các vùng trũng thấp ở An Giang, Đồng Tháp, Long An thì lũ từ thượng nguồn đổ về cũng là “cơ hội” để nông dân tiếp tục bội thu mùa cá năm 2024.