Biến khoai lang thành các sản phẩm chế biến sâu

Xuất phát điểm là một giảng viên, anh Nguyễn Thanh Việt đã bén duyên với những củ khoai lang Vĩnh Long để rồi cho ra đời nhiều sản phẩm được chế biến sâu, giá trị từ đó được nâng cao lên rất nhiều.

Chính sự sáng tạo, dám nghĩ dám làm đã giúp các sản phẩm của anh như: bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang và nhiều sản phẩm khác từ khoai lang được thị trường đó nhận.

Câu chuyện truyền cảm hứng về sự sáng tạo, lan tỏa tinh thần khởi nghiệp, dám thử sức ở lĩnh vực mới của anh Nguyễn Thanh Việt, người sáng lập Công ty TNHH MTV bánh Nhật Ngọc, ở tỉnh Vĩnh Long sẽ có trong Cảm hứng Mekong hôm nay.

Anh Việt với sản phẩm bánh làm từ khoai lang (Ảnh: Tuổi Trẻ)

PV: Từ đâu mình có suy nghĩ làm ra bánh phồng tôm khoai lang rồi sợi khoai lang vậy anh?

Năm 2018, bản thân tôi là một giảng viên, tham gia giảng dạy tại khu vực Bình Tân. Và tôi cũng đã ngồi với một chú nông dân. Và chú nói một câu mình cảm giác nhói lòng đối với các nhà khoa học và những người chế biến là năm nay chú bỏ đồng trống. Vì giá khoai lang sẽ thấp hơn so với việc mà chúng ta thu hoạch khoai lang để xuất bán. Khoai lang chỉ còn có 1 ngàn đồng/kg. Công thu hoạch có thể 2 ngàn đến 3 ngàn đồng. Nó sẽ không bù đắp được chi phí.

Chú cũng đã nói một câu là nếu bạn là một thạc sĩ, bạn là một nhà khoa học, bạn là người chế biến thì hãy làm sao biến sản phẩm này nó sẽ có giá trị hơn nữa, không phải đơn đơn thuần là chúng ta tiêu thụ tiểu ngạch sang con đường Trung Quốc mà chúng ta phải làm sao nâng tầm giá trị tại quê hương chúng ta.

Từ câu chuyện của chú nông dân đó, tôi thấy một điều là hãy tạo ra được những sản phẩm từ những củ khoai lang. Và tôi cũng đang cố gắng tạo cho mọi người một hiệu ứng là không phải làm bánh là nhất thiết chúng ta phải sử dụng bột mì, bột gạo, bột năng hay bột nếp mà hãy sử dụng bột khoai lang. Lúc đó, khoai lang sẽ được tiêu thụ trên chính mảnh đất quê hương của chúng ta.

PV: Có phải là từ câu chuyện muốn giải cứu nông sản, đưa nông sản của Vĩnh Long vươn xa hơn mà từ đó làm ra các sản phẩm chế biến sâu từ khoai lang không anh?

Câu chuyện tạo ra những sản phẩm khoai lang này không phải xuất phát từ câu chuyện đó. Mỗi một sản phẩm hiện tại bây giờ khi bán tới tay của người tiêu dùng nó sẽ không có sự khác biệt từ sản phẩm nữa mà chúng ta phải tìm sự khác biệt ngoài yếu tố sản phẩm, đó là sự khác biệt về chiến lược kinh doanh, về thị trường, về cách tiếp cận của doanh nghiệp đối với khách hàng và những trải nghiệm của khách hàng về những sản phẩm.

Từ những sự khác biệt đó thì tôi cũng muốn khi trải nghiệm tại Vĩnh Long, mang từ Vĩnh Long đến đây thì cũng sẽ tìm được sự khác biệt từ yếu tố khách hàng. Lúc đó, mỗi sản phẩm OCOP sẽ được điều chỉnh, hoặc điều vị để cho nó phù hợp hơn đối với văn hóa vùng ền.

PV: Được biết ở đây mình có rất nhiều sản phẩm, đối với doanh nghiệp mình thì có bao nhiêu sản phẩm OCOP?

Hiện tại, công ty bánh Nhật Ngọc có khoảng 6 sản phẩm OCOP. Trong đó bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang, bánh nướng từ ngũ cốc, vỏ bưởi sấy. Và hiện tại, có những cái sản phẩm như là bánh tét cũng là những sản phẩm OCOP.

Những sản phẩm OCOP này sẽ hỗ trợ cho người dân trong việc là được mùa, mất giá, được giá mất mùa. Câu chuyện giải cứu của chúng ta sẽ giảm bớt dần đi.

Một giáo sư từng nói câu là “bước xuống ruộng, phải thấy được thị trường”. Đó là câu nói mà tôi rất là tâm đắc. Tôi hy vọng là tất cả những sản vật của địa phương khi mà bước ra thị trường hoặc là khi chúng ta trồng cây gì, nuôi con gì thì phải thấy được thị trường.

PV: Hiện nay, sản phẩm được tiêu thụ ở những thị trường nào?

Thị trường tiêu thụ các sản phẩm này cơ bản là các thị trường trong nước. Đặc biệt là chúng tôi cũng tham gia rất nhiều các chương trình xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu hoặc là những chương trình, tham gia những phiên chợ xanh tử tế, những chuỗi cửa hàng thì chúng ta thấy rằng sản phẩm chúng ta luôn luôn có những cái khách hàng và nếu trường hợp chúng ta đi và chọn lựa được những khách hàng thì thiết nghĩ khách hàng chúng ta vẫn có.

Sản phẩm bánh phồng khoai lang Nhật Ngọc

Nhiều lần đi công tác về vùng đất Bình Tân, nơi được mệnh danh là "vương quốc khoai lang" của tỉnh Vĩnh Long, anh Nguyễn Thanh Việt cứ trăn trở với hình ảnh bà con nông dân một nắng hai sương nhưng giá nông sản lại trồi sụt thất thường, có khi giá khoai tụt dốc thê thảm khiến chủ ruộng lao đao.

Vậy là anh Việt bắt tay vào nghiên cứu thêm các sản phẩm chế biến từ khoai lang. Từ những củ khoai quá to, quá nhỏ không thể bán được ra thị trường, anh chế biến thành những món ăn mới lạ như bánh phồng khoai lang, bánh quy khoai lang…đã được phân phối ra nhiều đại lý trong cả nước.

"Tôi thấy các sản phẩm của anh Việt được trưng bày rất đa dạng, từ khoai lang mà làm được nhiều sản phẩm như vậy là quá tốt cho người nông dân. Vừa giải quyết đầu ra cho nông sản của nông dân mình vừa mang lại nhiều sản phẩm, đa dạng để người tiêu dùng lựa chọn".

"Khoai lang nào giờ ăn cũ không hà, luộc thôi chứ đâu có ăn bánh phòng tôm này, thấy người ta để bánh phồng tôm khoai lan, bún khoai lan cái mua thử về ăn được, thấy cũng ngon".

Khoai lang là một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh Vĩnh Long và được trồng tập trung nhiều tại huyện Bình Tân với nhiều giống khoai nổi tiếng như khoai bí đỏ, khoai trắng sữa, khoai dương ngọc, khoai lang tím Nhật... Diện tích xuống giống khoai lang của nông dân trên địa bàn đạt hơn 10.000 ha/năm, sản lượng trung bình trên 300.000 tấn/năm, nên nơi đây còn được mệnh danh là “Vương quốc khoai lang”. Tuy nhiên, đứng trước câu chuyện nâng tầm giá trị cho đặc sản quê nhà anh Việt đã mài mò nghiên cứu để biến ý tưởng thành hiện thực là cả một quá trình cố gắng không ngừng nghĩ.

Anh Việt tâm sự, chỉ có đa dạng hóa, chế biến ra nhiều sản phẩm hơn từ nguyên liệu khoai lang thì mới có thể góp phần giảm bớt được tình trạng được mùa mất giá. Đi vào thực tế mới biết khởi nghiệp là phải đối diện với muôn vàn khó khăn. Không phải cứ bán ra được một sản phẩm là lời được ngay mà phải gồng mình chịu lỗ 5 - 7 năm là bình thường. Đặc biệt, thời gian đầu không chỉ bỏ vốn ra mà là toàn bộ thời gian, sức khỏe bởi thực tế luôn có sai sót. Khởi nghiệp có thể nói rằng chỉ dành cho người dám chấp nhận thất bại.

Anh Nguyễn Thanh Việt, Công ty TNHH MTV bánh Nhật Ngọc, cho biết: "Tất cả những sản phẩm khi mà các doanh nghiệp khởi nghiệp giống tôi và các bạn khởi nghiệp khác thì lúc nào cũng muốn đồng hành, đưa sản phẩm ra thị trường bằng nhiều con đường khác nhau. Có thể là trực tiếp, gián tiếp, có thể là xuất khẩu hoặc có thể là chúng ta bán trực tiếp cho những người dân tại địa phương thì những sản phẩm chúng ta sẽ đến tay người tiêu dùng nhanh hơn".

“Lửa thử vàng, gian nan thử sức”, với anh Việt càng trong gian khó, càng tôi luyện ý chí, bản lĩnh, khát vọng vươn lên. Chế biến sâu chính là chìa khóa mở ra cánh cửa mới cho nông sản Việt và cũng là lời giải cho bài toán “trúng mùa mất giá”. Từ củ khoai lang nặng trịch, anh Nguyễn Thanh Việt đã cho ra đời nhiều sản phẩm từ khoai lang đã đạt được OCOP để người tiêu dùng thưởng thức đặc sản quê nhà và khách du lịch có thể dễ dàng mua về làm quà biếu.

Anh Việt, nói thêm: "Khi các sản phẩm được công nhận là OCOP thì tất cả sản phẩm phải đảm bảo được nguồn gốc. Đồng thời, sản phẩm của mình phải đảm bảo chất lượng khi đến tay người tiêu dùng. Và khi đến với mỗi địa phương. Nếu trường hợp bạn thấy được những sản phẩm OCOP thì chắc chắn những sản phẩm đó là những sản phẩm có địa chỉ đáng tin cậy và các bạn có thể mua để làm quà".

Thông qua những sản phẩm của mình, anh Việt mong muốn truyền đi một thông điệp đến người tiêu dùng rằng: Mua khoai lang không nhất thiết đem về nhà luộc ăn, khoai lang có thể mua về làm bánh, làm quà cho người thân vẫn được, điều quan trọng là giải quyết được gốc rễ của vấn đề đầu ra cho sản phẩm.