Biển hiệu trên phố

Ngày xưa, phố cổ không nhiều nhà cao tầng và xây dựng lộn xộn như bây giờ, nên những tên cửa hiệu đặt trên nóc nhà ấy rất dễ nhận biết từ xa để khách có nhu cầu mà tìm đến.

Hà Nội lúc nào cũng tấp nập kẻ bán người mua, cửa hàng mọc lên san sát từ ngoài mặt đường vào đến trong ngõ nhỏ. Bây giờ các phố Hàng cũng hầu như chẳng mấy chỗ buôn bán đúng mặt hàng như tên gọi của nó, nên nếu có ai từ xa đến cứ căn cứ tên phố mà tìm đến mua hàng thì chỉ có mà rước bực vào người.

Ví dụ như Hàng Dầu, nằm ngay sát Hồ Gươm, mấy chục năm nay toàn bán giày dép giả, nhái thương hiệu nổi tiếng, tiệt chả có nhà nào bán dầu, như cái tên gọi của nó.

Hay như phố Tố Tịch giờ nửa phố bán chè, hoa quả dầm, chứ cũng làm gì có ai bán chiếu? Phố Hàng Đào thì giờ toàn bán quần áo gia công, chứ cũng không còn cái nghề nhuộm vải điều hay bán lụa là vóc nhiễu nữa, muốn mua lụa dệt tơ tằm thì phải chạy ngược ra Hàng Gai…

Anh nào mà mò ra Hàng Chĩnh tìm mua chum vại thì chỉ có mà hố to, muốn mua mấy thứ dân dã ấy thì phải chạy ra đầu phố Hàng Mắm.

Mỗi thời một khác, khi nhu cầu cũ mất đi và những đòi hỏi mới xuất hiện thì người ta phải thay đổi theo thị trường. Cửa hàng, biển hiệu trên phố cũng phải thay đổi. Trước kia, những cửa hàng trên phố cổ hầu như chỉ có một tấm bảng kẻ tay nhỏ, đơn giản treo ngay trước cửa. Tên cửa hàng thường lấy luôn tên người chủ, bên dưới ghi thêm vài dòng mặt hàng mà họ kinh doanh.

Hiệu nào sang thì cho đắp nổi hẳn chữ tên cửa hàng trên nóc nhà. Đến giờ đi trong phố cổ vẫn còn nhiều nhà giữ lại những chữ tên hiệu ấy. Đi dọc phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Đường… sẽ thấy còn rất nhiều những cái tên hiệu đơn giản, như: Phúc Long, Đức Long, Đức Lợi, Đức Thịnh…

Những biển hiệu xưa thường được đặt trên mái nhà cao, đắp chữ nổi đơn giản

Ngày xưa, phố cổ không nhiều nhà cao tầng và xây dựng lộn xộn như bây giờ, nên những tên cửa hiệu đặt trên nóc nhà ấy rất dễ nhận biết từ xa để khách có nhu cầu mà tìm đến.

Bây giờ, cửa hàng mọc lên san sát, có những cửa hàng chỉ rộng vài mét vuông nhưng cũng có biển hiệu in ấn cầu kỳ, đèn đóm sáng choang. Nhưng khác xưa ở chỗ, tên cửa hiệu bây giờ phải chọn tên kêu sang sảng, nổ đôm đốp, chua thêm tí tiếng tây nữa càng hay.

Mà cũng lạ, không biết từ bao giờ, xu thế ghép tên nước ngoài hoặc đặt hẳn tên nước ngoài, dù những thứ bán trong cửa hàng chẳng có tí gì liên quan và có yếu tố nước ngoài cả, nhưng người ta vẫn đặt như vậy. Có thể theo quan niệm nhiều người là cho sang. Hoặc theo một trào lưu nào đó, mà đến giờ cũng khó giải thích hay tìm hiểu rõ ngọn nguồn.

Còn nhớ những năm 80, 90 thế kỷ trước, nhà đài hay phát phim truyền hình có mấy anh Việt kiều về nước hay có tên Tây ghép với tên cúng cơm. Thời đó, người dân còn lạ lẫm và thấy buồn cười. Nhưng bây giờ thì rất đỗi bình thường. Có lẽ, việc đặt tên cửa hàng nửa tây, nửa ta như giờ là bắt nguồn từ đó chăng?

Lắm khi, lạc vào một con phố nào đó, cứ tưởng đang ở nước ngoài. Mấy anh dốt tiếng tây nhìn vào biển hiệu mà chẳng rõ họ bán gì bên trong.

BIển hiệu trên phố ngày nay

Gần đây, người ta hay dùng đặc điểm ngoại hình của chính ông bà chủ quán để đặt luôn tên cho cửa hàng của mình. Nếu tôi nhớ không nhầm thì người Hà Nội trước đây không có thói quen này. Nhưng cũng ấn tượng và dễ nhớ. Như phở Tư Lùn vì anh chủ lùn tịt; Phở Khôi Hói, đồ rằng anh chủ ít tóc; Rồi thịt chó Chiến béo, vì anh chủ thân thể có chút đậm đà; bia hơi Hải Xồm, tôi chưa gặp ông chủ bao giờ nhưng nghe cái tên thì chắc ông chủ có hàm râu quai nón? Vân vân…

Cũng có quán tên rất bình thường như Cà phê Lâm, nhưng khách quen chả ai gọi vậy, cứ một điều Lâm toét, hai điều Lâm toét. Chả là ông chủ tên Lâm có chút tật ở mắt. Ban đầu ông Lâm cũng tỏ ra không vui, nhưng rồi lâu thành quen và thấy cũng chẳng hại gì nên mặc kệ…

Có thời gian, người ta đã kỳ công thí điểm tuyến phố kiểu mẫu, các bảng hiệu đều tăm tắp một kích cỡ, chữ trên biển cũng cùng một loại, một màu… Lâu rồi không thấy ai nhắc lại chuyện này.

Chuyện vui vui về biển hiệu trên phố xưa nay vậy thôi, chứ vào phố chơi mà cứ thấy nhà cửa, biển hiệu đều tăm tắp thì đâu còn là Hà Nội? Đâu còn là phố cổ nữa?...