Việc này không chỉ tiềm ẩn nguy cơ gây tai nạn giao thông mà còn gây phiền phức cho các hộ dân sinh sống tại khu vực các tuyến đường lớn vì tiếng pô xe rất to. PV VOV Giao thông trò chuyện với 2 nhân vật đang sinh sống trên tuyến đường Võ Chí Công (Hà Nội) để hiểu hơn về nỗi khổ của họ khi gặp tình trạng này?
PV: Bác Thành và chị Liên có thể nói cho quý vị thính giả cùng biết việc một số thanh, thiếu niên độ pô xe, rồi vít ga chạy trên tuyến đường lớn gây ảnh hưởng thế nào tới cuộc sống của mình ạ?
Bác Thành: À vâng, cái đó hỏi rất đúng chỗ đúng lúc. Tiếng bô rất là kinh, ầm ĩ. Có hôm tôi đang xem tivi ở tận trên tầng 6 ý nghe thuyết nh mà như vật là không nghe được vì tiếng bô nó kêu, mà cửa kiếc đóng hết rồi đấy, tiếng bô nó vẫn gầm gào, rít lên kinh lắm.
“Rẹt rẹt rẹt….” đấy nó kêu lên như thế, nó to cực kỳ luôn, nghe điếc tai luôn. Già như bọn tôi không thể ngủ là chắc chắn rồi, ông nào đang ngủ cũng phải tỉnh dậy, luôn, còn đang xem vô tuyến mà thuyết.
Chị Liên: Tôi thì thấy quá là phiền phức, nhiều lúc tôi ngồi còn giật hết cả mình luôn, không phải là mình tôi mà người ngồi xung quanh ai cũng giật mình. Nói chung ảnh hưởng cho mọi người xung quanh, người ta nghe tiếng bô “ầm ầm”, “duỳnh duỳnh” là người ta giật mình.
Nói chung là như tôi những người yếu tim thì thật sự tim nó cũng bắn thót hết cả lên. Kể cả có những khi buổi ngày nó cũng đi cũng như thế, nó toàn toàn vê côn thôi nên tiếng nổ to lắm.
PV: Tình trạng này diễn ra trên đường Võ Chí Công có thường xuyên không ạ? Và theo bác Thành và chị Liên việc này gây nên những tác động như thế nào? Mời bác Thành!
Bác Thành: Thực sự tiếng bô cách đây hàng năm rồi, vài năm rồi, bắt đầu có tiếng pô ban đêm. Sớm thì tầm 10 giờ đêm, muộn 2,3 giờ cũng có. Tôi bảo không hiểu sao tình trạng này nó cứ kéo dài, thỉnh thoảng 1 tuần 1 vài lần. Nó đi từ bên đằng Cầu Giấy về Cầu Nhật Tân, hướng đó.
Cứ tầm 10h đêm là bắt đầu có hiện tượng ý. Mà Tốc độ cao đi ngoài đường như vậy thì ai đi sang đường, đi gần thì cũng giật mình mà ngã rồi ý chứ đừng nói chuyện bây giờ va phải là rất nguy hiểm. Mấy chỗ sang đường kia là mấy người bị tai nạn rồi đấy.
Chị Liên: Thì đường nhiên là nó phải đi tốc độ cao rồi, ảnh hưởng những người đi trên đường. Những người đi trên đường người ta đang đi như thế này tự nhiên có tiếng xe kêu to, xe máy người ta giật mình, có người người ta cũng lảo đảo xe cộ của người ta, độ an toàn trên đường của người ta cũng bị ảnh hưởng.
PV: Trước tình trạng này chị Liên và bác Thành có mong muốn gì gửi tới lực lượng chức năng ạ?
Bác Thành: Mong muốn cơ quan chức năng sớm xử cái nạn này thôi, ấy, bằng mọi biện pháp ta nên rình bắt, các kiểu gì đấy chấn bo nó. Chỉ bắt được đứng đầu ý là sẽ dẹp được. Mong chức năng dẹp sớm cho bà con nhờ, triệt được để bà con ăn tết vui vẻ.
Chị Liên: Mong công an giao thông nhắc nhở đi làm sao cho từ tốn để cho không ảnh hưởng đến mọi người, mọi người cũng yên tâm và an toàn trên đường hơn.
PV: Rất cảm ơn bác Thành và chị Liên đã tham gia cuộc trò chuyện của VOV Giao thông, 2 người đã nói lên bức xúc và mong muốn gửi tới ngành chức năng để ngăn chặn tình trạng xe độ pô lưu thông trên đường!
Bác Thành: Cũng cảm ơn VOV Giao thông cho cuộc trò chuyện này để nói được tâm tư của tôi về chuyện nẹt pô này! Cũng mong muốn từ lâu có người để mà đưa lên vấn đề này để cơ quan chức năng giải quyết. Rất cảm ơn!
Chị Liên: Xin cảm ơn cuộc trò chuyện! Cảm ơn các bạn!
Việc tự ý độ pô xe máy để tham gia giao thông là hành vi vi phạm Luật Giao thông đường bộ 2008 và theo khoản 5 Điều 30 Nghị định 100 năm 2019 của Chính phủ - Quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ và đường sắt, hành vi này bị phạt tiền từ 800.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với tổ chức.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới các lực lượng chức năng tiếp tục có các phương án để xử lý nghiêm tình trạng tự ý thay đổi, độ pô xe máy, lưu thông tốc độ cao trên đường gây mất trật tự an toàn giao thông, ảnh hưởng tới cuộc sống người dân!