Bền bỉ mê bồ

Đan mê bồ là một nghề truyền thống đã có từ lâu đời tại ĐBSCL, giúp bà con tại nhiều địa phương ăn nên làm ra, dần dà, hình thành những làng nghề nổi tiếng. Trải qua bao thăng trầm sức sống của nghề vẫn còn đó, vẫn được nhiều gia đình gìn giữ, bền bỉ với nghiệp cha ông.

Cách trung tâm thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp khoảng 3km, xã Mỹ Trà từ lâu nổi danh với nghề đan mê bồ. Làng nghề đan mê bồ Mỹ Trà hình thành cách đây trên 100 năm.

Trước kia, làng nghề thuộc xã Mỹ Trà, nằm ở vùng nông thôn cách trung tâm khoảng 2 km, nhưng do chia tách về mặt địa lý hành chánh nên nay là một phần diện tích chia tách của phường Mỹ Phú năm 2005 và xã Mỹ Trà thuộc thành phố Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp chủ yếu tập trung ở Rạch Chanh, Rạch Bà Mụ, Mương Khai…

Đan mê bồ là nghề truyền thống của người dân xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ, Hậu Giang

Theo các bậc cao niên, xưa kia, cùng với sự phát triển của nghề trồng lúa, do không có bao chứa, kho chứa nên lúa thường bị chuột cắn phá hoặc bị ẩm mốc làm giảm chất lượng. Tận dụng hệ sinh thái tiềm năng của nơi này, người xưa đã vận dụng những nguyên vật liệu sẵn có để lao động và sản xuất. Và mê bồ ra đời phục vụ nhu cầu làm bồ chứa lúa của bà con.

Ông Võ Văn Thọ, người có hơn 30 năm làm nghề đan mê bồ chia sẻ, thời hưng thịnh của nghề, trời vừa hừng sáng, bà con làng nghề đã bắt tay làm việc, tiếng chẻ tre, trúc hòa vào âm thanh sớm mai từ đầu làng đến cuối xóm. Người trong nhà từ già trẻ, trai gái mỗi người một công đoạn đều chung tay đan mê bồ để kịp giao cho khách. Tiếng cười nói, đùa giỡn của nam nữ làm nhịp sống của vùng quê vô cùng nhộn nhịp.

Ông Võ Văn Thọ chia sẻ: "Lai rai lai rai bán hoài. Công trình hay là lộ hay chỗ nào mé lở, người ta mua đôi ba chục tấm người ta tấn, mình bán xài tiêu thụ vậy đó. Chứ còn lúa bây giờ ít có ai dí vô bồ lắm"

Đan mê bồ không khó nhưng quy trình sản xuất khá công phu do trãi qua nhiều công đoạn. Trúc hoặc tre mua về phải ngâm nước khoảng nửa ngày, rồi chẻ ra từng sợi nan. Đây là khâu khó nhất, nan chẻ từ phần vỏ bên ngoài được dùng đan mê bồ loại một, gọi là mê bồ cật hay là mê bồ da, giá cao hơn nan chẻ từ ruột có độ bền kém nên giá bán rẻ hơn.

Hồi trước, mê bồ được làm quanh năm, đến mùa lúa tháng 10 thì chất xuống ghe để đi bán hoặc đổi lúa về nhà ăn. Nghề đan mê bồ đã giúp nhiều gia đình trở nên khấm khá. Sản phẩm của bà con làm ra đến đâu bán hết đến đó, chủ yếu dùng để làm bồ chứa lúa, làm vách, cửa nhà.

Nhờ nghề đan mê bồ mà cha mẹ truyền lại, bà Lê Thị Phiên, đã chí thú làm ăn nay đã thoát nghèo, con cái học hành tới nơi, tới chốn. Bà Phiên kể: "Cha mẹ tôi mần sống cái nghề này.  Tôi thứ 2. Tôi đương thì mỗi ngày một mê. Có gia đình, cắt lúa hết rồi hết trơn cái về mần bồ này nè. Đi mần mướn cho người ta. Nan nào mình đan cũng được hết trơn"

Đan mê bồ không khó nhưng quy trình sản xuất khá công phu - Ảnh Lao động

Còn tại Hậu Giang, đan mê bồ cũng là nghề truyền thống mang lại thu nhập chính của người dân xã Long Trị A, thị xã Long Mỹ. Chị Đỗ Thị Lẹ, cho hay, từ lúc chị lớn lên đã thấy gia đình và bà con trong xóm theo nghề. Và cứ như vậy, tuổi thơ của chị gắn liền với tiếng chẻ trúc, tiếng đan mê bồ và không khí rộn ràng của làng nghề thời hoàng kim.

Chị Đỗ Thị Lẹ cho biết: "Nếu mà có nan đan thì cỡ 3 tiếng rồi 1 ếng. Một ngày nếu mà đan cỡ 2 ếng. Đương thì nó dễ. Một cây trúc chẻ ra nhiều ếng vậy đó, mỗi 1 ếng vót ra nhiều lớp.1 cây trúc cong thì chẻ ra được 7 ếng, 8 ếng. Bự nữa thì 10 ếng. Nếu mà cái nào mình đan rồi, mình dựng ra nắng"

Chẻ trúc coi vậy chứ không đơn giản. Có người bị cứa đứt tay. Bàn tay những người đàn ông trong xóm mê bồ vì thế cũng chi chít sẹo. Bà Lê Thị Đen, người dân làng nghề chia sẻ: "Cái này cực lắm! Hồi lúc mà chưa biết đứt tay dữ lắm, xuống nước nó rát. Nhưng mà ráng, tại vì cái nghề đó đâu còn cái nghề nào đâu nên ráng làm vậy đó. Đương siết siết, mình làm tối ngày cỡ 10-11 giờ mới ngủ có thể là 1 ngày 2 mê"

Để hoàn thành một sản phẩm mê bồ hoàn chỉnh, phải trải qua nhiều công đoạn, mỗi việc đều có cái khó riêng. Cánh đàn ông thường đảm nhận chẻ trúc, vót nan. Phần đan mê bồ đòi hỏi dự tỉ mỉ, khéo tay sẽ dành cho chị em phụ nữ. Ngày nay, từ việc sản xuất thủ công hoàn toàn, người dân đã bắt đầu sử dụng máy móc chẻ nan. Nhà nào có điều kiện thì đầu tư chiếc máy chẻ nan khoảng chục triệu đồng. Nan chẻ ra đều, đẹp và năng suất gấp 5-7 lần so với chẻ tay. Công việc đan mê bồ theo đó cũng đỡ vất vả hơn, người làm nghề cũng khỏe hơn. 

Mấy năm nay, nhu cầu thị trường dần ít đi, có lúc giá cả thấp, nguồn nguyên liệu khan hiếm, có khi tìm ở tận xa mới có. Trẻ con bây giờ cũng ít mặn mà với công việc truyền thống này. Chị Lẹ bày tỏ: "Hồi nhỏ nhỏ tụi em chẻ nan cong ra mướn tụi nó róc 500-1000 đồng/ bó. Bây giờ dễ gì, kêu nó không làm. Bây giờ nó học không hà, không có phụ mình róc như hồi đó. Buồn, em mới nói mấy thiếm đó đó. Trời, chừng nữa mình già mình nghĩ chắc hết ai mua. Bây giờ mấy đứa nhỏ nó không phụ chứ hồi đó không có đâu"

Theo dòng chảy thời gian, dù không còn được dùng để be bồ chứa lúa như ngày xưa, nhưng mê bồ vẫn có sức sống bền bỉ. Giờ đây, người ta dùng mê bồ để lót sàn xà lan trong chuyên chở lúa, phơi khô, phơi hủ tíu, bánh tráng…

Theo đơn đặt hàng, các sản phẩm mê bồ được các thương lái đến tận nơi thu gom hàng không phải chuyên chở đi các nơi để bán nữa. Giờ đây, mê bồ đã có đời sống khác, vẫn hiện diện, hữu ích cho đời sống người ền Tây. Ngày ngày vẫn có những đôi tay cần mẫn làm nên sức sống bền chặt của nghề đan mê bồ, giữ gìn nét truyền thống của một thời khai hoang mở cõi.