Bảo tồn cải lương Nam Bộ qua lớp dạy đờn ca tài tử 0 đồng

Tối thứ sáu hằng tuần, ở Bến Ninh Kiều, lớp truyền nghề Đờn ca tài tử tại cộng đồng do Trung tâm Văn hóa TP. Cần Thơ tổ chức lại rộn vang tiếng đờn ca. Giảng viên chính cũng là người khởi xướng lớp học cộng đồng này là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Kiều Nga - Phó Giám đốc Trung tâm.

Một loại hình nghệ thuật truyền thống có sức sống lâu dài một phần nhờ vào công tác bảo tồn và phát triển. Bảo tồn đúng hồn cốt, bản sắc, truyền tải đến người thưởng thức đúng nghĩa cũng là một thách thức hiện nay.

Hiểu được điều đó nên TP. Cần Thơ đã có cách làm mới mẻ là đưa lớp học Đờn ca tài tử ra không gian mở của bến Ninh Kiều để những ai thích bộ môn nghệ thuật này có thể học và tìm hiểu tốt hơn. Tối thứ sáu hằng tuần, ở Bến Ninh Kiều, lớp truyền nghề Đờn ca tài tử tại cộng đồng do Trung tâm Văn hóa TP. Cần Thơ tổ chức lại rộn vang tiếng đờn ca.

Giảng viên chính cũng là người khởi xướng lớp học cộng đồng này là Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Kiều Nga - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Cần Thơ.

Lớp học Đờn ca tài tử cộng đồng diễn ra mỗi thứ Sáu hằng tuần tại bến Ninh Kiều, TP. Cần Thơ

PV: Thưa bà, xuất phát từ những yêu cầu nào mà chúng ta khởi xướng lớp học Đờn ca tài tử ngoài cộng đồng tại bến Ninh Kiều?

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Kiều Nga: Hằng năm, đơn vị chúng tôi đều tổ chức các lớp tập huấn Đờn ca tài tử nhằm thực hiện theo Đề án Bảo tồn Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia Đờn ca tài tử. Trung tâm văn hóa chúng tôi đề xuất lớp Đờn ca tài tử cộng đồng, tổ chức ngoài trời để khán giả cùng xem và cùng tham gia. Từ đó, chúng tôi chọn bến Ninh Kiều, nơi đó có đông khán giả, du khách, họ có thể thưởng thức và giao lưu cùng lớp học. Học viên cũng có thể tương tác và hào hứng hơn.

PV: Về thành phần giảng viên, chúng ta huy động từ đâu, dạy những kiến thức cơ bản nào của Đờn ca tài tử, thưa Bà?

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Kiều Nga: Tôi phụ trách là giảng viên giảng dạy chính và có thêm 2 Nghệ nhân theo để hỗ trợ, thị phạm thêm cho học viên, giao lưu với học viên và khán giả để khán giả thích hơn.

Buổi đầu tiên giảng sơ qua kiến thức, như: nguồn gốc hình thành, các loại nhạc cụ. Sau đó mới vào bài, những bài nhỏ, học viên làm quen với ngũ cung, như: Hò, xự, hò, xang, xừ, xang, xê, cống, xê, líu, cồng, líu. Từ từ hát đến những bản lớn, điệu lý. Chủ yếu vừa học vừa tạo được không khí vui vẻ.

PV: Lớp học này có bao nhiêu buổi và sau khi kết thúc thì Trung tâm có giới thiệu những môi trường mới cho học viên được tham gia để thỏa đam mê không?

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Kiều Nga: Một lớp sẽ có 10 buổi, diễn ra thứ Sáu hằng tuần. Học viên đều là những người yêu thích Đờn ca tài tử, những học viên này khi có khả năng hát thì mình sẽ nhờ họ làm công tác viên tham gia các chương trình cho Trung tâm Văn hóa TP. Cần Thơ tổ chức biểu diễn.

Mình giảng dạy bài bản cho người đam mê loại hình này, rồi mình cũng quảng bá được loại hình Đờn ca tài tử, mình được phục vụ cho niềm đam mê của khán giả nên lớp học này nhận được hưởng ứng của đông đào bà con.

PV: Vâng, xin được cảm ơn Bà đã chia sẻ những tâm huyết của mình cũng như đội ngũ nghệ sĩ của Trung tâm Văn hóa thành phố. Chúc lớp học thành công và ngày càng được nhân rộng để phục vụ đam mê yêu lời ca tiếng nhạc của người mộ điệu.

Giảng viên, trợ giảng và học viên Lớp truyền nghề Đờn ca tài tử tại cộng đồng năm 2024

“Hò, xự, hò/xang, xừ, xang/Xê, cống, xê/líu, cồng, líu”, lòng bản bài “Long hổ hội” vang lên trên Bến Ninh Kiều. Tiếng Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Kiều Nga bắt nhịp, sau đó là sự hòa giọng của đông đảo học viên. Học viên nhỏ tuổi có, lớn tuổi có, người chuyên nghiệp có, chưa biết gì về đờn ca tài tử cũng có, và còn có cả… khách nước ngoài. Qua sự hướng dẫn của hướng dẫn viên du lịch, nhiều du khách nước ngoài cầm tờ giấy in lòng bản bài ca, họ bập bẹ “hò”, “xự”… nghe rất dễ thương.

Với du khách trong nước đến với Cần Thơ, nhiều người ngẫu nhiên tham gia lớp học, tạm hoãn hành trình tham quan mấy mươi phút, chăm chú ngồi nghe ca và tập ca.

"Những mô hình này tạo nền tảng cho thế hệ trẻ hiểu biết thêm về bộ môn này. Đờn ca tài tử đang sống lại mạnh mẽ trong giới trẻ".

"Thành phố trực thuộc TW làm những chương trình như thế này rất ý nghĩa. Nên nhân rộng cho người dân biết thêm".

"Giữa sân chơi chung tại bến Ninh Kiều mà có mô hình Đờn ca tài tử như thế này rất là hay".

Ðiều lớn nhất lớp học làm được là lan truyền vẻ đẹp và tình yêu Đờn ca tài tử đến với người dân và du khách.

Sau lớp học, khi đã biết cách hát một bài cơ bản, học viên trẻ tuổi đều muốn được thực hành ngay. Đối với các khán giả lớn tuổi yêu thích bộ môn truyền thống thì cũng có những phần trình diễn giao lưu cuối buổi học. Họ mong muốn gửi gắm tâm tình qua lời ca với những người bạn có chung niềm đam mê Đờn ca tài tử.

Anh Đỗ Công Khoa – hướng dẫn viên du lịch hồ hỡi cho biết: “Nhờ lớp học này mà mình biết thêm nhiều kiến thức về loại hình Đờn ca tài tử. Từ đó mình tập hát và biết hát để phục vụ du khách trên hành trình dẫn tour”.

Những năm qua, phong trào Đờn ca tài tử ở TP. Cần Thơ phát triển rộng khắp từ thành phố đến tận xã, phường, thị trấn, thông qua các buổi sinh hoạt của các câu lạc bộ; các lớp truyền dạy, lớp tập huấn; các cuộc liên hoan, hội thi. Nhờ đó, Đờn ca tài tử đã đi vào cuộc sống, gắn kết với hoạt động của gia đình, trường học, cộng đồng dân cư và dịch vụ du lịch.

Lớp truyền nghề Đờn ca tài tử tại cộng đồng là nỗ lực của ngành Văn hóa thành phố, nhằm tiếp tục duy trì hoạt động phong trào Đờn ca tài tử, thực hiện có hiệu quả Ðề án “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể TP Cần Thơ, giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”.

Vẻ đẹp di sản được vươn cao, vang xa qua những buổi cùng ngồi bên nhau ngân nga làn điệu ngũ cung…

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Kiều Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố, giảng viên chính của lớp cho biết, lớp truyền nghề Đờn ca tài tử được tổ chức thành 2 lớp. Tham gia lớp là thành viên các Câu lạc bộ Ðờn ca tài tử trên địa bàn thành phố, người mộ điệu Đờn ca tài tử và du khách đến tham quan, du lịch tại Cần Thơ. Chính sự hưởng ứng của người mộ điệu và học viên là niềm động viên lớn để đội ngũ nghệ sĩ có thêm tinh thần để truyền dạy “tận tâm” đối với bộ môn nghệ thuật này:

“Học viên học rất hào hứng, nhất là khi được học tại bến Ninh Kiều, có khách đến xem và giao lưu. Mùa này thì thường có mưa, mà khán giả vẫn bắt ghế ngồi ngoài mưa lâm râm xem hát. Mưa lớn thì nhóm lại trong một không gian nhỏ để học và hát”.

Với không gian mở, cùng cách truyền nghề mới lạ này đã làm nên sức hút cho lớp học vào mỗi thứ sáu ở Bến Ninh Kiều. Dĩ nhiên, để có thể vững vàng nhịp nhàng, bài bản, có thể ca hay diễn giỏi, học viên cần thêm thời gian đầu tư cho những lớp học chuyên sâu. Ðiều lớn nhất lớp học làm được là lan truyền vẻ đẹp và tình yêu Đờn ca tài tử đến với người dân và du khách. Vẻ đẹp di sản được vươn cao, vang xa qua những buổi cùng ngồi bên nhau ngân nga làn điệu ngũ cung…