Bộ hành qua bến xe, bước chậm lại, bạn có thể thu vào tầm mắt hình ảnh và cả hương vị rất đặc trưng của những ổ bánh mì ấy. Người ta gọi đó là bánh mì bến xe.
Bến xe Giáp Bát, một ngày như mọi ngày, tấp nập người ra kẻ vào. Xen lẫn giữa những tiếng còi xe, tiếng động cơ, tiếng mời chào của các nhà xe, là tiếng rao của người bán bánh mì dạo.
Từ vỉa hè đường Giải Phóng nhìn vào những hàng ghế đợi bên trong bến, bạn có thể bắt gặp những hành khách trung tuổi, tay xách nách mang túi bánh mì thật to, độ khoảng chục ổ, căng phồng.
Mùi thơm của bánh mới ra lò lan tỏa trong không gian, như làm dịu đi cái gấp gáp, lo lắng và căng thẳng của những ai đang vội tìm một tấm vé cho kịp chuyến đi.
Chị Bảy bán bánh mì ở bến xe Giáp Bát đã mấy năm nay. Các bác tài, hàng nước, nhân viên nhà xe đều “nhẵn mặ”. Chị bảo, bán ở bến xe, lúc nắng rát mặt, lúc mưa xối xả, hít toàn khói bụi, rồi cũng thành quen:
"Mấy năm rồi, bán nắng mưa này vất vả, ngày cũng kiếm được mấy đồng thôi. Con cái học hành. Nói chung đi bán hàng này cũng vất vả. 6h bắt đầu đi, hôm nào bán đắt hàng thì 5h về không thì tận 7h mới được về.
Tối đấy, đi cả ngày mà cũng vất vả. Ngày được mấy chục cái thôi, không bán được nhiều. Giờ nắng mưa như này, bây giờ đâu cũng có bánh mì, mình ở quê không có việc gì, cấy mấy sào ruộng thì rảnh rỗi đi kiếm thêm thôi".
Các bến xe khách Hà Nội thường rất đông, đặc biệt là những bến xe lớn như Giáp Bát, Mỹ Đình. Người vội vã lên cho kịp chuyến, người hối hả rời bến để mau mau về nhà giữa giờ tan tầm của Thủ đô. Dòng người qua lại đông đúc, đôi khi những tiếng rao bánh mì lọt thỏm giữa ầm ào náo nhiệt.
Nhưng họ vẫn bươn trải khắp các bến, tay đẩy xe hoặc tay xách những túi bánh mì, mời chào bà con qua lại:
"Ngày xưa là ở quê không có lò, bây giờ là ở đâu cũng có lò. Tiện đâu người ta mua thì ăn ở bến xe. Ai gọi vẫn lên xe, bán dưới đất, trên xe. Cứ ngồi đầu hè này, ai ăn thì bán".
Ở Hà Nội, bánh mì tìm đâu cũng có, đủ loại, vô vàn lựa chọn cho thực khách. Nhưng bánh mì bến xe luôn có đặc biệt riêng. Không kẹp thịt, chả, trứng, pate, cũng chẳng rau dưa bơ sữa. Bánh mì bến xe đơn giản chỉ có bột mì thôi, nhưng bình dân, vừa vặn với túi tiền, với thời gian, và với cả tâm trạng của số đông hành khách:
"Ngày xưa thì nhiều, bây giờ thì hạn chế ít thôi có vài người. Dân người ta ăn đi đường cho đỡ đói. Nói chung là rất là ngon và tốt cho người đi đường, các cụ già ăn lót dạ tốt, bảo đảm sức khỏe, từ bột mì nấu ra nói chung là ăn cũng tốt cho các cụ bình dân".
"Bánh mì này người ta bán để phục vụ những người lên xe chống nôn, chống say, chống đói. Chất lượng bánh mì tốt, họ bán 5-7 nghìn".
"Cái giá trị mang lại cũng nhiều vì nhiều người với các mức tiền như thế thì người ta sử dụng bánh mì không có nhân".
5 nghìn một ổ bánh mì nóng giòn, thơm phức, ấm lòng cô cậu sinh viên vội lên xe mà chưa kịp ăn gì. Vài chục nghìn một túi to, đủ mang lại niềm vui cho con trẻ hoặc người quê, gọi là có chút quà của các ông các bà, từ Hà Nội.
Có người mua bánh mì chỉ để ngửi lấy mùi. Lại có người, chẳng đói, chẳng say xe mà vẫn mua, chỉ vì thèm được ấp iu trong tay một món gì nóng hổi, để mà liên tưởng tới căn bếp, tới bữa cơm chiều đoàn tụ sum vầy.
Bến xe, nơi diễn ra những cuộc gặp gỡ và chia ly, nơi những người từ muôn phương lướt qua nhau, ở điểm đầu hoặc kết thúc của hành trình, nơi những mảnh đời và hoàn cảnh khác nhau khắc họa trên từng dáng hình, từng gương mặt.
Với người bán bánh mì bến xe, tất cả loang loáng như một thước phim. Có những khách đi nhiều đến mức quen thân, có những người chỉ gặp một lần duy nhất.
Trong hàng ngàn khách qua bến mỗi này, mấy ai nhớ được người bán dạo. Nhưng hương vị từ chiếc bánh mì nóng hổi giòn tan nơi bến xe, hẳn là một xao xuyến trong lòng người đến, kẻ đi.