Bảng tên phố: Món quà nhỏ cho trái tim

Mỗi khi qua ngã 4, đôi mắt chúng ta sẽ dừng lại lâu hơn trên những biển tên đường phố có nền xanh, chữ trắng dường như rất dễ nhận diện và lặp lại trong tầm nhìn quá nhiều khiến chúng ta dễ lướt qua nó mà hầu như không đọng lại gì trong tâm trí ngoài một cái tên gọi.

Nếu là người bộ hành, hoặc đang phải dừng chờ đèn đỏ, chỉ ít giây, ít phút ngắn ngủi đó thôi, bạn bất ngờ khám phá ra một điều gì đó thú vị từ bảng tên con đường bạn vẫn qua mỗi ngày thì thế nào nhỉ?

Bộ hành qua phố có một món quà nhỏ dành cho trái tim chúng ta từ ít giây bước chậm lại, ngắm nhìn một biển tên phố như thế.

Theo thói quen, với bảng tên phố ở mỗi đầu và cuối đường, hầu hết mọi người sẽ chỉ chú ý nhiều hơn khi tới ngã tư, để xác định hướng đi cho chính xác hơn. Những biển tên phố phường của Hà Nội vốn rất đơn giản, dễ nhận diện, ít thay đổi, và cũng ít được người tham gia giao thông chú ý.

Vậy nên, khi có một dự án thí điểm về những biển tên phố kèm nội dung chú thích nhân dịp Hà Nội kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, những người thực hiện dự án tuy vất vả với nhiều việc chưa từng có tiền lệ nhưng rất vui.

Chị Nguyễn Ngọc Anh, một trong những thành viên của dự án này chia sẻ: "Vì đây là một cái dự án rất là mới đối với Hà Nội, tại thời điểm đấy thì bọn chị phải mất hơn một năm mới có thể hoàn thành được và cái lúc mà bọn chị hoàn thành thì cảm giác đầu tiên là mình thấy rất là vui  và vừa rất mệt nhưng mà tựu trung lại thì rất là hài lòng tại thời điểm đấy. Thời điểm hiện tại thì Hà Nội cũng đã ổn định được cái tên đường, tên phố.

Ví dụ như là thống nhất giữa tên Ngô Thì Nhậm ở Hà Đông khác với cả Ngô Thì Nhậm ở Hoàn Kiếm hay là còn liên quan tới các tên đường, tên phố ở thị xã Sơn Tây, tức là bây giờ là thời điểm rất là tốt mà chúng ta có thể khởi động lại dự án này cũng như là tiếp tục cái giai đoạn hai và triển khai đồng bộ, rộng rãi ở cả Hà Nội cũng như là khu vực Hà Tây cũ hay là thị xã Sơn Tây".

Những biển tên phố phường của Hà Nội vốn rất đơn giản, dễ nhận diện, ít thay đổi, và cũng ít được người tham gia giao thông chú ý (Ảnh: Vũ Loan)

Là một người cũng yêu thích lịch sử, khi bất chợt để ý và nhận thấy biển tên một số đường phố các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm có chú thích mà các đường phố khác không có, tôi cũng cảm thấy rất tò mò. Đó đều là những con phố đẹp, đông người qua lại của Hà Nội.

Tên những vị anh hùng dân tộc, những người có công với đất nước được đặt cho các con phố này cũng như đẹp hơn, trang trọng hơn trong mắt người bộ hành.  Khi có nhiều thời gian hơn để ngắm nhìn bảng tên phố, dù chỉ là vài chục giây dừng chờ đèn đỏ, bất kỳ ai cũng có thể nhìn và đọc được nội dung chú thích trên bảng tên phố.

Khi ấy, món quà dành cho chúng ta không chỉ có một cái tên, mà có sự hiện diện của một nhân vật lịch sử với sự nghiệp đáng trân trọng mà họ đã dành cho đất nước, cho thủ đô.

Dù chưa có điều kiện đi thêm các tuyến phố khác để tìm hiểu, nhưng chắc chắn hiện nay còn 2 phố Lý Quốc Sư và Nguyễn Thái Học vẫn tồn tại 2 biển tên đặc biệt này. Biển tên có chú thích trên phố Hai Bà Trưng và Bà Triệu gần đây cũng mới tháo đi.

Trò chuyện với người dân sinh sống quanh phố, nhiều người vẫn nhớ thời gian xuất hiện bảng tên phố là vào khoảng năm 2010-2011, dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long nên diện mạo đường phố có rất nhiều đổi khác.

Không ít người bày tỏ sự ngạc nhiên vì những bảng tên phố nơi mình sinh sống đã tồn tại lâu đến như vậy. Những bảng tên phố có chú thích như Lý Quốc Sư, đoạn đối diện Nhà thờ lớn, Quang Trung, đoạn giao ngã tư với Nguyễn Du, hay Lê Hồng Phong, đoạn giữa Ông Ích Khiêm và Hùng Vương dù hiện nay không còn nhưng ít nhiều cũng được một số người dân trên phố nhớ đến.

Anh Lê Đình Lộc – cựu cán bộ FPT, người đưa ra ý tưởng và chau chuốt từng chữ nội dung trên 30 bảng tên phố cách đây gần 15 năm vui vẻ kể lại câu chuyện hình thành ý tưởng này khi anh có dịp dạo bước trên những đường phố các nước Châu Âu trước đó:

"Cũng lâu lắm rồi mới có người nhắc lại. Anh cũng không phải là ý tưởng mới, mà là anh sống ở bên các nước Châu Âu một thời gian thì anh thấy ở các nước người ta đã có, thỉnh thoảng đi đường thấy có những cái biển tên đường phố người ta xong người ta có một cái dòng chú giải rất là ngắn gọn, thì anh mới có ý tưởng là ở Hà Nội mình cũng làm như vậy là để góp phần vào cho người dân Thủ đô, hoặc là những du khách, mà vô tình dừng đèn xanh, đèn đỏ hay đi bộ qua đường, nhìn thấy cái biển tên thì nhiều người cũng không biết là người được đặt tên đường phố có tiểu sử hoặc là thành tích hoặc là có những cái công trạng gì với cả đất nước, với cả thủ đô, thì tự nhiên cũng thấy có một cái khám phá hơi bất ngờ, thú vị một chút khi dừng lại, thế thôi".

Những biển tên phố vẫn luôn ở đó. Mỗi ngày qua phố là mỗi ngày trái tim của chúng ta được chạm vào cảm xúc thân yêu của dòng chữ màu trắng, trên nền bảng màu xanh như một món quà nho nhỏ, một tình yêu nho nhỏ, len lỏi và đọng lại trong một vài giây vội vã của những người tham gia giao thông trên phố.