Băng, đĩa tuổi thơ

Giữa lòng Hà Nội, có những con phố không mang dáng dấp cổ kính nhưng vẫn gợi lên trong lòng người qua đường một nỗi hoài niệm mơ hồ. Đi ngang qua phố Hàng Bài, bộ hành sẽ dễ dàng bắt gặp vài cửa hàng băng đĩa cũ hiếm hoi, như những mảnh ký ức còn sót lại giữa nhịp sống hiện đại.

 

Những ngày cuối năm, phố phường nhộn nhịp trong không khí sắm sửa Tết. Mọi người rục rịch chọn quần áo mới, đồ trang trí rực rỡ, bánh kẹo đủ vị… nhưng hiếm ai còn nhớ đến việc chọn mua đĩa ca nhạc hay hài kịch để cả gia đình cùng quây quần thưởng thức trong dịp Tết như thuở nào.

Có lẽ vì vậy mà lượng người ghé mua băng đĩa tại các cửa hàng cũng không khác mấy so với ngày thường. Thế nhưng với những người bán băng đĩa trên phố Hàng Bài đã mấy chục năm nay, công việc này vẫn được duy trì như một góc nhỏ lưu giữ những thanh âm hoài niệm.

Những cửa hàng bán băng đĩa tuổi thơ lặng lẽ nép mình bên vỉa hè phố Hàng Bài những ngày cuối năm

"Chú bán tính ra cũng được 30 năm rồi. Có nhiều loại chẳng hạn như là phim ca nhạc các thứ, đầy đủ. Từ lâu rồi nhưng mà bây giờ đĩa thì chả ai mua. Nhiều hàng, bây giờ chỉ còn một hai hàng, chỉ có bán cho người già thôi. Độ 10-15 năm đổ lại đây cái nghề bán đĩa này nó gần như lạc hậu. Có nhiều đứa trẻ trẻ đi qua nó bảo giờ vẫn bán đĩa à nên mình bắt đầu thấy lỗi thời rồi. Già rồi thì cứ ngồi dưỡng già thôi".

Đều đặn vào mỗi sáng, chủ sạp hàng bày trí và dọn dẹp băng đĩa sao cho sạch sẽ và chỉn chu nhất để tiếp đón khách hàng. Đủ các loại đĩa CD từ có thanh đến có hình, từ những loại cũ đến loại mới ra, loại nào cũng có. Nhiều hơn cả vẫn là kho báu những album âm nhạc, cơ man những đĩa nhạc đỏ, nhạc trẻ... được sắp xếp gọn gàng theo thứ tự, với đủ các ca sĩ khác nhau.

Bộ hành ngang qua chắc chắn sẽ nhận ra những hàng bán băng đĩa này bởi mỗi hàng đều treo chiếc biển nhỏ nhưng vẫn đủ nổi bật để thu gọn trong tầm mắt bộ hành.

Đĩa CD âm nhạc chiếm số lượng lớn nhất với đủ các thể loại nhạc và đa dạng các ca sĩ khác nhau, vốn đã rất thân thuộc với nhiều thế hệ

Có một thời, âm nhạc không phải thứ có thể chạm tới chỉ bằng một cú chạm màn hình, mà là một kho báu được nâng niu, cất giữ. Những bài nhạc vang lên từ chiếc đài cũ kỹ hay đầu CD ngày ấy không chỉ là âm thanh, mà còn là những cảm xúc chân thực, những ký ức giản dị nhưng sâu đậm.

Người lớn tuổi tìm đến những sạp băng đĩa như cách lắng nghe tiếng vọng của ký ức, tìm lại những giai điệu từng in dấu một thời thanh xuân. Còn với thế hệ 8x, 9x, đó là hành trình trở về tuổi thơ, nơi những khoảnh khắc hồn nhiên và ngọt ngào sống lại. Họ nhớ cảm giác háo hức và vui sướng khi mượn được một chiếc đĩa CD yêu thích, hay những lần cẩn thận lau đĩa thật nhẹ mỗi khi bị xước để xem “mượt” hơn.

- Chú này bán ở đây lâu rồi đấy, bán từ năm 9 mấy đến giờ đấy, mấy chục năm rồi.

- Là người rất là đam mê âm nhạc, nhưng mà vì các cái trên mạng chỉ dành cho thế hệ như bọn cháu nghe thôi còn lớn tuổi không nghe được cái đấy.

Khách tìm đến mua băng đĩa chủ yếu là người trung niên hoặc người già, bởi họ muốn tìm lại những thanh âm xưa cũ đã gắn bó cả thời thanh xuân

 

Tuy bề ngoài đơn sơ, mộc mạc nhưng thứ âm thanh vang lên từ băng đĩa lại rất chân thực và giàu cảm xúc, níu bước chân bộ hành tìm về món kỷ vật xưa cũ một thời

Một chiếc đĩa nhạc đỏ ông bà từng nghe, một bản nhạc vàng bố mẹ từng yêu thích, hay một album nhạc thiếu nhi mà cả gia đình cùng nhau hát vào ngày Tết….Tất cả đều như sợi chỉ yêu thương vô hình gắn kết những trái tim qua từng năm tháng.

Những chiếc băng đĩa ấy, dù không còn là vật dụng quen thuộc của hiện tại nhưng vẫn lưu giữ trọn vẹn hơi thở của một thời. Âm nhạc không chỉ vang lên từ chiếc đĩa mà còn ngân nga trong trái tim, kết nối dạt dào cảm xúc qua nhiều thế hệ.