Bãi giữa sông Hồng

Những người ở dưới bãi, hầu hết là dân nơi khác trôi dạt về đây, xuống bãi cũng là bất đắc dĩ, nhưng rồi bãi giữa lại dang tay đón họ.

Có dạo tôi hay mò xuống bãi giữa chơi. Bãi giữa ở đây, với người Hà Nội, luôn được hiểu là bãi giữa sông Hồng và là đoạn bắt đầu dưới chân cầu Long Biên xuôi một chút về gầm cầu Chương Dương và ngược lên mạn Tứ Liên, Nhật Tân.

Tất nhiên, bãi sông Hồng thì kéo dài xa tít tắp, nhưng đoạn này gắn liền với dân nội thành Hà Nội hơn và có nhiều chuyện để kể. Nói vậy, nhưng không phải ai sống ở Hà Nội cũng biết cuộc sống ở dưới đáy sông này.

Dạo những năm đầu 2000 trở về trước, dưới chân cầu Long Biên gần như chẳng có mấy người xuống đây ở. Bãi cũng hẹp hơn, chỉ là mấy doi đất nổi lên khi nước cạn. Nước sông Hồng mùa mưa lúc nào cũng mấp mé gầm cầu. Cái bãi giữa lúc ấy chỉ là một doi đất nhỏ, phía xa xa người ta cho cắm cọc để cảnh báo thuyền bè không đi quá gần vào bãi sẽ bị sa lầy.

Nhớ có lần xuống bãi gặp 2 vợ chồng tầm tuổi trung niên sống trên một chiếc thuyền nhỏ neo khuất trong bãi lau sậy ngút đầu cách gầm cầu khoảng vài trăm mét. Ông chồng tên Hùng, làm nghề đạp xích lô trên phố, bà vợ thì làm bốc vác thuê ở chợ Đồng Xuân.

Cả hai là dân Thái Bình trôi dạt lên Hà Nội kiếm sống, do không có tiền thuê trọ trên bờ đành liều xuống bãi này ở. Sáng sáng lại chia nhau lên bờ mưu sinh. Ông Hùng kể, ở dưới này chẳng ma nào mò xuống, cùng lắm có vài anh nghiện trốn ra nằm vạ vật cả đêm, rồi sáng sau lại mất hút.

Thỉnh thoảng ông lại vớt được một xác người trôi dạt trên sông, chả biết nhân thân lý lịch thế nào. Vớt được ông báo chính quyền, có người thì mang đi nhưng cũng có người chôn luôn trên bãi…

Túp lều nổi trên sông của vợ chồng ông Thành

Những người ở dưới bãi, hầu hết là dân nơi khác trôi dạt về đây, xuống bãi cũng là bất đắc dĩ, nhưng rồi bãi giữa lại dang tay đón họ. Như trường hợp của vợ chồng ông Thành, đôi vợ chồng già sống ngay dưới gầm cầu Long Biên:

- Thế này là mãn nguyện lắm rồi vì làm được cái bè như này che mưa che nắng. Xã hội bây giờ ông bà khổ thật, nhưng nhìn ra cũng còn nhiều người khổ hơn. Ông bà, nhà cửa không có, manh quần tấm áo không… Nên mình cứ vô tư mà sống…

Dạo đó, bãi giữa tự nhiên có mấy người cả thanh niên, trung niên, ông già mò xuống đây tắm sông. Toàn tắm tiên. Ban đầu có người bảo là giáo phái tà đạo nào đó sinh hoạt. Nhưng kỳ thực là mấy anh giai phố cổ chán cảnh phố mò xuống đây tìm niềm vui với thiên nhiên.

Bãi vắng chả có người nên cứ thế tồng ngồng mà xuống sông bơi. Giờ thì người ra rủ nhau xuống bãi giữa sông Hồng bơi đông như trảy hội, vẫn có bãi riêng của mấy anh thích tắm tiên, nhưng kín đáo và không mấy người biết tới. Bãi gần thì có cả đàn bà, con trẻ. Thậm chí có cả câu lạc bộ bơi, tập thể dục. Tất nhiên, bơi ở sông thì ai cũng phải tự trang bị cho mình những dụng cụ an toàn:

- Mọi người khi tắm phải có phao. Chỉ sợ bọn trẻ con chục tuổi trở xuống đi chơi mấy đứa với nhau không có người lớn, chẳng may rơi xuống vũng xoáy nước cuốn…

- Bắt buộc phải có phao, không có phao sợ lắm, nước cuốn ra ngoài lúc nào không biết. Có phao bơi sẽ yên tâm hơn…

Thoắt cái mà đã gần 3 chục năm. Nước sông Hồng nhiều năm gần đây không còn dâng cao. Phù sa bồi đắp mỗi ngày nên Bãi giữa giờ thành một dải đất rộng trù phú.

Đoạn sông Hồng chảy qua dưới chân cầu Long Biên ngày một hẹp lại. Người ta kéo xuống đây ở, trồng trọt đông đúc hơn nhiều. Dưới bãi, giờ cũng có đường bê tông cho dân đi lại.

Giờ vợ chồng ông Hùng tôi vẫn thấy ở dưới bãi, nhưng đã dựng được một túp lều trốn nắng mưa. Từ những người ở độ tuổi trung niên, họ đã trở thành những ông bà lão, tóc bạc da mồi… Ông bà không đủ sức đi làm thuê nữa mà dựng cái bàn bán nước chè cho dân phố xuống bãi chơi.

Gần đây thành phố công bố quy hoạch xây dựng phân khu sông Hồng. Tức là biến bãi giữa thành công viên cây xanh, khu vui chơi giải trí…

Người ở Hà Nội ngày một đông, đất đai thì có hạn.

Chắc rồi mai kia những người xuống bãi tìm chút yên tĩnh với thiên nhiên giữa lòng thành phố này sẽ chẳng còn nơi mà chơi, mà ở.