Bách hoa bộ hành, cổ phục xuống phố
Thực hiện kế hoạch công tác năm 2025 và đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân tổ chức chương trình hoạt động văn hóa Mừng Đảng - Mừng Xuân chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2025” với nhiều hoạt động đa dạng.
Trong chuỗi sự kiện, Bách hoa bộ hành - Tết 2025 là một trong những hoạt động cộng hưởng trong kỳ "Tết Việt - Tết Phố 2025", đưa cổ phục Việt đến gần hơn với công chúng ngay giữa lòng Hà Nội. Theo lộ trình dự kiến, hơn 400 người sẽ mặc cổ phục đi qua 16 tuyến phố. Xuất phát từ Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ Hà Nội (50 Đào Duy Từ) và kết thúc sau khi làm lễ tại Đình Kim Ngân (42 Hàng Bạc), Đoàn người tham gia dâng lễ trong trang phục áo dài truyền thống đủ mầu sắc thu hút ánh mắt, sự chú ý của người dân. Trong đoàn, có các hoạt động như: Múa nghê, múa sênh tiền, múa bồng, hát xoan... Từ xa xưa, nghệ thuật múa dân gian đã tồn tại như một thực thể rực rỡ sắc màu trong bức tranh văn hóa nghệ thuật của người Việt. Múa trống bồng được cho là một trong 20 điệu múa cổ của đất Thăng Long xưa còn tồn tại đến nay. Đúng như tên gọi, “Bách hoa bộ hành” được ví như một rừng hoa rực rỡ với hàng trăm bộ trang phục từ các triều đại như Lý, Trần, Lê, Nguyễn được trình diễn qua các tuyến phố, tạo nên bức tranh đầy sắc màu của văn hóa Việt. Không chỉ là một sự kiện văn hóa, “Bách hoa bộ hành” còn mang trong mình hy vọng bảo tồn và phát huy giá trị của cổ phục Việt – một biểu tượng của sự tinh tế, sáng tạo và tài hoa trong nghệ thuật thủ công của dân tộc. Thực hiện kế hoạch công tác năm 2025 và đón Tết Nguyên đán Ất Tỵ, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và phố cổ Hà Nội phối hợp cùng các đơn vị, cá nhân tổ chức chương trình hoạt động văn hóa Mừng Đảng - Mừng Xuân chủ đề “Tết Việt - Tết Phố 2025” với nhiều hoạt động đa dạng. Đây là hoạt động có tính thường niên của quận Hoàn Kiếm mỗi khi Tết đến, xuân về. Các hoạt động đón Tết, từ gói bánh chưng, dựng cây nêu đến bày mâm ngũ quả, đều mang đậm giá trị văn hóa lâu đời. Các nghi lễ, chương trình nghệ thuật dân tộc trong dịp này không chỉ giúp người dân ôn lại các giá trị truyền thống mà còn tạo không gian để gắn kết cộng đồng, tạo cơ hội để người Việt khắp đất nước cũng như kiều bào ở xa Tổ quốc cùng hướng về cội nguồn. Đoàn người tham gia dâng lễ trong trang phục áo dài truyền thống đủ mầu sắc di chuyển qua phố Hàng Ngang - phố Hàng Đào - Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục - phố Đinh Tiên Hoàng (Tượng đài vua Lý) - Hàng Khay - phố Lê Thái Tổ (Tượng đài vua Lê) - Quảng trường Đông Kinh Nghĩa Thục,.... Lễ vật là những vật phẩm truyền thống ở Hà Nội như: Mứt tết, trà sen, bánh chưng, bánh cốm, hoa đào, lợn quay… Đoàn thực hiện các nghi thức quan trọng như Lễ Cáo yết Thành hoàng, cúng Tổ nghề, dựng cây nêu tại đình. Trong ngôn ngữ biểu tượng, nghê là thiên sư, là linh sư, là sư tử thiêng. Nghê là vật linh, vừa khỏe mạnh vừa nhanh nhẹn. Hình ảnh nghê trong đời sống văn hóa thể hiện tài hoa của cha ông khi sáng tạo một hình tượng mang đậm bản sắc văn hóa Việt. Múa nghê trong đoàn lễ rước lần này là một điểm nhấn. Con nghê đã từ di tích bước ra và hòa vào đời sống văn hóa của người dân. Khác với múa sư tử, múa nghê kết hợp với âm nhạc truyền thống mang theo những triết lý của nhà phật, thể hiện sự hoan hỉ, giác ngộ. Đồng thời cũng gửi gắm mong ước mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu. Với tất cả người dân Việt Nam thì Tết Cổ Truyền là dịp chuyển giao giữa năm cũ và năm mới, giữa trời đất, thần linh với con người. Là thời điểm khởi động vận hành theo 4 mùa trong năm Xuân - Hạ - Thu - Đông. Tết, khởi đầu của một năm, một tháng, một mùa, một chu kỳ sản xuất nông nghiệp mới. Tết cũng là lễ hội lớn nhất, quan trọng nhất của người Việt trong năm và ai cũng dành những điều tốt đẹp nhất cho Tết. Trong sử sách, ở mỗi thời, các nhà nghiên cứu đều phân tích và cho thấy những yếu tố gì dẫn đến việc hình thành nên cái Tết như ngày nay. Nhắc đến Tết, nhiều người thường nghĩ tới Hà Nội, với không khí nhộn nhịp nhưng vẫn còn đó nét truyền thống của những ngày xưa cũ. Đó là các phiên chợ chỉ họp một năm một lần vào dịp Tết như chợ hoa Hàng Lược, chợ đồ cổ ở ngã 5 phố cổ... mở từ 23 đến 30 tháng Chạp. Đó còn là những phong tục, tập quán được gìn giữ lâu đời, những ngôi chùa cổ đông đúc du khách khói hương mỗi dịp đầu năm... Từ ngày 10/1 đến 16/2/2025 (tức từ 11 tháng Chạp đến 19 tháng Giêng), nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật sẽ diễn ra tại các di tích và không gian văn hóa trong khu phố cổ. Nổi bật là triển lãm "Sắc Xuân Ất Tỵ 2025" tại Trung tâm Thông tin Văn hóa Hồ Gươm và không gian trưng bày sản phẩm làng nghề truyền thống tại phố bích họa Phùng Hưng. Các địa điểm di tích như Đình Kim Ngân, Ngôi nhà Di sản 87 Mã Mây, và Trung tâm Giao lưu Văn hóa Phố cổ được trang trí, sắp đặt không gian Tết truyền thống. Đặc biệt, chương trình còn có hoạt động giới thiệu nghệ thuật gọt tỉa hoa thủy tiên và gói bánh chưng truyền thống. Đoàn người tham gia dâng lễ dừng lại ở Đình Kim Ngân, số 42-44 Hàng Bạc. Thực hiện các nghi thức quan trọng như Lễ Cáo yết Thành Hoàng, cúng Tổ nghề, dựng cây Nêu tại đình. Các nghệ nhân sẽ trình diễn thư pháp và các tiết mục âm nhạc dân gian. Trong ảnh là 4 chữ Hán Nôm được viết tấm vải đỏ mang ý nghĩa "Kỷ Nguyên Vươn Mình". Chương trình Tết Việt - Tết phố Ất Tỵ 2025 được tổ chức với sự kết hợp giữa truyền thống dân tộc và tinh thần đổi mới, phù hợp với bối cảnh đất nước đang bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên phát triển mạnh mẽ và vươn mình ra thế giới. Tết Việt-Tết phố cũng là hoạt động truyền thống của quận Hoàn Kiếm, Hà Nội mỗi khi Tết đến, xuân về. Đây cũng là sự kiện thu hút đông đảo khách du lịch trong nước và quốc tế. Ban Tổ chức mong muốn cộng đồng chung tay vào các hoạt động bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống./.