Bác sĩ Nguyễn Văn Út - Người truyền cảm hứng sáng tạo trong ngành y

Là “tay ngang” trong lĩnh vực kỹ thuật nhưng bằng đam mê, sáng tạo và lòng yêu nghề, bác sĩ Nguyễn Văn Út đã mày mò, nghiên cứu để cho ra đời nhiều sản phẩm, thiết bị hữu ích trong ngành y và truyền cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng.

 Chúng ta thường nghe “Người thầy thuốc giỏi đồng thời phải là như người mẹ hiền”, nhưng tại Hậu Giang có một thầy thuốc ngoài giỏi chuyên môn còn có nhiều sản phẩm hữu ích giúp công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 vừa qua, đặc biệt là phục vụ đắc lực cho công tác khám, chữa bệnh hiệu quả hơn.

Đó là bác sĩ Nguyễn Văn Út, Giám đốc Bệnh viện Sản nhi tỉnh Hậu Giang. Hơn ai hết, ông luôn trăn trở làm sao bảo vệ sức khỏe cho nhân dân và lực lượng tuyến đầu được tốt nhất.        

Bác sĩ Nguyễn Văn Út (bìa trái), Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Hậu Giang, là “cha đẻ” của nhiều sản phẩm phục vụ phòng, chống dịch bệnh Covid-19 - Ảnh baohaugiang

PV: Khi nhắc đến ngành y, người ta nghĩ đến sự bận rộn và áp lực. Vượt qua những trở ngại đó thì bác sĩ và cộng sự của mình đã cho ra đời nhiều sản phẩm hữu ích trong công tác khám, chữa bệnh. Điều gì thôi thúc bác sĩ làm điều này?

Bác sĩ Nguyễn Văn Út: Đầu tiên là từ cái hoàn cảnh, trong điều kiện khó khăn như vậy, mình không thể chờ mà mình phải tìm cách khắc phục khó khăn, làm sao để phục vụ được cộng đồng, phục vụ được cho người dân. Yếu tố thứ 2 nữa là mình muốn làm tốt hơn cho cho người dân, cho cộng đồng. Với khả năng của mình, cái gì mình làm được thì mình cứ làm. Nếu ai cũng chờ hết thì làm gì có cái mới, buộc phải suy nghĩ để làm.

Đương nhiên là mỗi người có 1 cái nhiệm vụ riêng. Kỹ sư thì làm ra thiết bị, bác sĩ thì khám chữa bệnh. Tuy nhiên, khám chữa bệnh cũng cần thiết bị. Nếu mà bác sĩ nắm cái nguyên lý của thiết bị được thì sử dụng sẽ hiệu quả, tốt hơn, chứ người ta sản xuất ra, người ta hướng dẫn mình xài, nhiều khi mình sử dụng không hết chức năng của nó nữa, thì nó sẽ không hay.

Mình sử dụng mà mình không biết cơ chế hoạt động như thế nào thì nó càng không chắc cho nên mình phải nắm. Làm ra được cái nào, mình phải nghiên cứu sâu về nó, biết được cơ chế về nó thì sẽ an toàn hơn. 

PV: Trong các sản phẩm của mình thì bác sĩ Út tâm đắc nhất là thiết bị hay máy móc nào?

Bác sĩ Nguyễn Văn Út: Trong công tác khám chữa bệnh, bác Út có thiết bị tháo lồng ruột bằng hơi. Cái này thì nhiều đơn vị sử dụng bệnh viện Sản Nhi Cà Mau. Bác Út đã tặng cho bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ để người ta triển khai. Tặng cho bệnh viện Ngã Bảy một cái, bệnh viện Long Mỹ cũng đang làm. Bây giờ người ta cũng đặt hàng thêm, bác Út chưa có tính bán.

Mình hỏng phải làm kinh tế trên cái này. Mình làm cái gì có ích cho xã hội, thôi kệ, mình bỏ ít công, bán cũng không đủ vô đâu thì thôi cứ tặng người ta để người ta làm. Sản phẩm này là bác tâm đắc nhất.

PV: Khi bắt đầu làm sáng chế thì có những lời ra tiếng vào gì không bác?

Bác sĩ Nguyễn Văn Út: Có chứ. Thí dụ lúc bác Út làm máy tháo lồng ruột bằng hơi này, người ta nói đừng làm, cái đó ghê lắm, làm cái đó không dám đâu. Bác Út nói, vấn đề dám hay không dám làm là mình biết cái cơ chế, nguyên lý hoạt động của nó rồi từ từ những bác sĩ đó cũng thuyết phục và bây giờ người ta đặt hàng bác Út làm luôn.

PV: Vạn sự khởi đầy nan, bác sĩ vượt qua những khó khăn đó như thế nào?

Bác sĩ Nguyễn Văn Út: Tinh thần là quan trọng. Cái kiên trì nó giải quyết cho cái tinh thần của mình và làm không phải làm được liền đâu. Làm cũng phải mày mò. Nhiều khi 1, 2 giờ đêm dậy, lận qua lận lại coi nó ra làm sao rồi mới thành công được chứ không phải lúc đầu ra cái là nó thành công, nghĩ ra cái gì làm được cái đó liền, cũng qua một cái quá trình.

PV: Cám ơn bác sĩ Nguyễn Văn Út rất nhiều với những chis sẻ vừa rồi.    

Bác sĩ Nguyễn Văn Út cùng “thiết bị tháo lồng ruột bằng hơi do chính mình sáng chế

Là “tay ngang” trong lĩnh vực kỹ thuật nhưng bằng đam mê, sáng tạo và lòng yêu nghề, bác sĩ Nguyễn Văn Út đã mày mò, nghiên cứu để cho ra đời nhiều sản phẩm, thiết bị hữu ích trong ngành y và truyền cảm hứng sáng tạo cho cộng đồng.

Trong suốt chặng đường làm nghề, Bác sĩ Út cùng các cộng sự được biết đến là “cha đẻ” của nhiều sản phẩm phục vụ đắc lực cho công tác phòng chống dịch trong và ngoài như: Máy rửa tay có hệ thống cảm biến tự động, Tủ khử khuẩn tiền bằng tia cực tím và Ozone, buồng xét nghiệm SARS-CoV-2 hay gần nhất là nhà vệ sinh di động thông nh, thiết bị tháo lồng ruột bằng hơi có giá thấp hơn 10 lần giá thị trường. Tuy vậy, với vị bác sĩ này, chẳng tính toán đến chuyện bán buôn mà trên hết là chất lượng và làm sau sản phẩm đến tay được nhiều đơn vị sử dụng, đó là niềm vui.

"Máy đơn giản, tại vì em biết một số máy trước đây phức tạp lắm, có nhưng mà phức tạp khi mình nhìn mình cũng không hiểu, cơ cấu, kết cấu của nó luôn nhưng máy của bác Út thì làm rất đơn giản, nhưng mà hiệu quả. Giới thiệu qua là mình biết cơ cấu máy là mình vận hanh nó dễ".

"Công việc của anh Út bận lắm, chỉ có ở bệnh viện với công việc của ảnh thôi. Còn về gia đình mình cô làm là đã chu toàn rồi, cô để taonf bộ thời gian cho anh Út ảnh cống hiến cho bệnh viện thôi".         

Để hiểu hơn về những sản phẩm này, phải khó khăn lắm chúng tôi mới hẹn được Bác sĩ Nguyễn Văn Út, Giám đốc Bệnh viện Sản Nhi tỉnh. Bởi ông không chỉ làm công tác điều hành chung, công tác chuyên môn, khám, chữa bệnh mà những giờ rảnh là ông lại bắt tay vào công việc sáng chế. Dẫn chúng tôi vào căn phòng nhỏ, cạnh phòng làm việc của vị giám đốc là phòng “sáng chế”, từ đây những sản phẩm lần lượt ra đời.

Điều chúng tôi ngạc nhiên là trong phòng cũng chẳng có gì quý giá, ngoài các linh kiện điện tử, các vật dụng dùng rẻ tiền để “chế”, thành các thiết bị hữu ích, vừa rẻ vừa hiệu quả. Bởi hơn ai hết, là người trong ngành nên ông Út hiểu, cái gì cần và phải làm như thế nào. Nói với chúng tôi, ông Út cho biết có những sản phẩm cũng phải làm tới làm lui, làm đến đâu sửa đến đó, có khi từ ý tưởng đến ra hình hài phải mất mấy tháng trời và phải kiên trì, đeo bám đến cùng thì mới thành công.

Chỉ tay vào thiết bị tháo lồng ruột bằng hơi, ông Út say sưa kể: thiết bị này trên thị trường có giá khoảng 200 triệu đồng. Còn máy này khoảng 20 triệu đồng thôi, rẻ gấp 10 lần, ngoài ra còn có hệ thống đo và điều chỉnh lưu lượng hơi theo ý muốn, điều trị cho bệnh nhi hiệu quả.         

Nói về cơ duyên đến với công việc sáng tạo khi mà công tác chuyên môn gần như ngốn hết thời gian, bác sĩ Nguyễn Văn Út cho biết, trong điều kiện khó khăn, không thể thụ động chờ giải pháp mà phải tìm cách khắc phục. Bởi với ông, được làm  phục vụ cho cộng đồng, người bệnh tốt hơn bằng chính khả năng của mình là niềm vui. Nếu ai cũng chờ thì sẽ không có cái mới, cái hay để ứng dụng vào công tác khám chữa bệnh.         

Sau bao ệt mài, những mầm xanh đầu tiên đã bắt đầu thu trái ngọt. Nhớ lại những năm trước,  máy sát khuẩn tay tự động được hoàn thành từ sự ệt mài của ông cùng những cộng sự tâm huyết. Sản phẩm được nhiều đơn vị, cơ quan trên địa bàn tỉnh đặt hàng, ông và cộng sự phải làm ngày làm đêm để kịp tiến độ, góp phần cùng quê hương phòng, chống dịch Covid-19.

Thành công từ máy sát khuẩn tay tự động của những bác sĩ tâm huyết đã gợi mở ý tưởng để nhiều đơn vị, cá nhân phát triển sản phẩm. Đơn cử như Bệnh viện Thống Nhất TP.HCM phát triển nên thiết bị tương tự, trên máy có dòng chữ: “Mô phỏng theo thiết bị của Trung tâm y tế Thành phố Vị Thanh” (Tiền thân của Bệnh viện Sản Nhi tỉnh).

Còn thiết bị tháo lồng ruột bằng hơi cũng đã được nhiều đơn vị trong và ngoài tỉnh ứng dụng thành công như: Bệnh viện Đa khoa thành phố Ngã Bảy, Bệnh viện Sản Nhi Cà Mau, Bệnh viện Nhi đồng Cần Thơ,...Tất cả đều được Bệnh viện Sản Nhi tỉnh gửi tặng với mong muốn trong quá trình sử dụng, mọi người sẽ cùng đóng góp, cải tiến để sản phẩm ngày càng đáp ứng tốt hơn nhu cầu khám, chữa bệnh cho bệnh nhi. Bác sĩ Nguyễn Văn Út, chia sẻ: "Nói về cái ấp ủ thì bao giờ chúng tôi cũng suy nghĩ và đã suy nghĩ lâu về việc thành lập 1 bệnh viện thông nh, an toàn, đó là cái hoài bão của chúng tôi trong thời gian sắp tới".

Sáng tạo là đam mê, nhưng đam mê phải đi liền với trách nhiệm thì mới dẫn lối thành công. Bác sĩ Út luôn nặng lòng với công tác chuyên môn và công việc quản lý của mình, vị bác sĩ quan niệm: Khi chuyên môn vững, làm tốt công tác khám chữa bệnh và quản lý thì quá trình sáng tạo mới bền lâu. Dù có nhiều sản phẩm hữu ích, nhưng ông chưa bao giờ nghĩ tới chuyện kinh doanh sản phẩm hay đăng ký bản quyền. Tất cả vì người bệnh và hỗ trợ cho đồng nghiệp của mình.

Khó có thể kể hết câu chuyện về bác sĩ Út, vị bác sĩ giàu sáng tạo và say mê nghề trên mảnh đất nghĩa tình Hậu Giang. Dù dịch bệnh đã qua, nhưng ông vẫn đang ngày đêm nghiên cứu để cho ra đời những sản phẩm, những công trình, sáng kiến để giúp ích cho công việc và cộng đồng, một công việc thầm lặng mà thanh cao.