Bắc Mỹ Thuận – Mênh mang miền nhớ!

Giờ đây, trên chuyến xe hối hả ngược xuôi, hành khách mải mê ngắm những cây cầu khang trang, hiện đại, vắt mình ngang dòng sông rộng, có mấy ai còn nhớ về những chuyến phà lộng gió ngày xưa. Xuôi theo dòng ký ức, cùng hoài niệm về một bến bắc Mỹ Thuận xưa vẫn còn mênh mang trong miền nhớ…

Cầu Mỹ Thuận

Cùng với sự phát triển không ngừng của đất nước, tại Đồng bằng sông Cửu Long, nhiều năm qua, hàng loạt nhịp cầu kết nối “đôi bờ vui” đã được hình thành, góp phần giúp đường về Miền Tây thêm gần hơn, vơi bớt những trắc trở, cách xa.

Thế nhưng, giờ đây, trên chuyến xe hối hả ngược xuôi, hành khách mải mê ngắm những cây cầu khang trang, hiện đại, vắt mình ngang dòng sông rộng, có mấy ai còn nhớ về những chuyến phà lộng gió ngày xưa - Một thời từng nhộn nhịp sáng đêm, là biểu tượng cho sự tấp nập giao thương giữa đôi bờ sông rộng, đưa đón hàng ngàn lượt khách và phương tiện qua lại mỗi ngày. Xuôi theo dòng ký ức, cùng hoài niệm về một bến bắc Mỹ Thuận xưa vẫn còn mênh mang trong ền nhớ…

“Ai mía gim, cóc ổi”, “Ai nem, bánh tráng bánh phồng”, “Ai bánh bao”, “Ai trà đá, thuốc hút”….

Những tiếng rao hàng, tiếng người cười nói lao xao, tiếng xe cộ, tiếng bước chân xuống phà rầm rập hòa trong tiếng máy phà xình xịch là những âm thanh đặc trưng trên những chuyến phà mà mỗi khi nhớ đến đều khiến những người con ền Tây không khỏi bổi hổi, bồi hồi. Bởi đây là những chuyến phà ăm ắp kỷ niệm khó phai trong ký ức người dân đồng bằng sông nước Cửu Long…

Còn nhớ, ngày 21/5/2000, người dân ền Tây vỡ òa niềm vui khi khánh thành cầu Mỹ Thuận. Đây là cây cầu dây văng đầu tiên ở Việt Nam, bắc qua sông Tiền, nối liền hai tỉnh Tiền Giang và Vĩnh Long. Cầu nằm cách TP Hồ Chí Minh 125 km về hướng tây nam, trên Quốc lộ 1A - trục giao thông chính của Đồng bằng sông Cửu Long.

Cầu Mỹ Thuận được khởi công tháng 7/1997. Cầu có chiều dài hơn 1,5km, rộng gần 24m cho 4 làn xe cơ giới lưu thông. Có cầu, đồng nghĩa bến bắc Mỹ Thuận ngưng hoạt động và phà được lai dắt đến những nơi còn cần đến. Biết thế, nhưng những chuyến phà ăm ắp kỷ niệm vẫn luôn là hình ảnh khó phai trong ký ức người ền Tây khi muốn vượt sông Tiền từ Vĩnh Long qua Tiền Giang.

Chú Lê văn Bé, quê ở An Giang, năm nay đã ngoài 70 tuổi, trước đây, vì làm ăn mua bán nên hàng tuần chú thường đi từ An Giang lên TP.HCM để lấy hàng. Vì vậy, bến bắc Mỹ Thuận đã in sâu vào ký ức mà khi nhớ lại chú vẫn còn nhớ như in những chuyến phà kỷ niệm. Những năm cuối thập niên 1990, những chiếc phà lớn 200 tấn với máy mới lướt nhanh và êm rì rì được đầu tư nâng cấp bến bắc Mỹ Thuận nhưng vẫn không thể thay đổi hoàn toàn tình trạng kẹt phà trầm trọng nơi đây.

Nhớ lại những lần trầy trật qua phà, chú Bé kể: "Kẹt xe cao điểm là từ 4,5 giờ tới 7 giờ chiều. Kẹt nhiều lắm. Đợi nhiều khi cũng mấy tiếng chứ không ít. Nhiều khi kẹt cả đêm luôn, tới 10 giờ nữa. Kẹt phải chờ đợi không có chỗ nơi nghỉ ngơi. Mình phải ra mình giữ xe, đứng trên xe chờ hoài, hoặc ra mấy quán nước ngồi. Mà mấy quán nước mình cũng nguồi chút xíu là đi chứ không lẽ uống ly nước mà ngồi hoài cũng kỳ".

Phà thiếu, máy móc hỏng, dầu không cấp về kịp, kể cả việc kiểm soát buôn lậu... là đủ thứ lý do làm cho bến bắc Mỹ Thuận thường xuyên bị kẹt trầm trọng.

Cảnh kẹt xe ở bến phà Mỹ Thuận đầu thập niên 1960 - Ảnh tư liệu

Cô Lê Thị Sương, quê ở Cần Thơ – người thường xuyên bắt những chuyến xe đò đi TP.HCM để làm ăn buôn bán từng chứng kiến không ít những câu chuyện dở khóc dở cười của hành khách trong những lần qua phà mà cô khó thể nào quên được:

"Cũng như mình đi xuống phà, ấn tượng nhất là kẹt xe, kẹt xe thì phải ngồi chờ. Chờ rồi lại lỡ phà, có khi xe qua trước mà khách còn ngồi bên đây. Có khi thì khách qua trước, xe còn nằm bên kia, khách lại phải ngồi chờ, chừng nào xe qua mới đi tiếp được. Rồi cũng nhiều trường hợp hành khách lên lộn xe, không để ý thì đi lộn, phải đợi xuống xe. Có trường hợp tới bến trả khách luôn mới biết lộn xe".

Vì có đặc trưng thường xuyên đông đúc nên bắc Mỹ Thuận cũng là nơi có tình hình an ninh phức tạp trên mỗi chuyến phà ngang. Nghe kể lại, chuyện như đùa mà thật là đêm hè nóng nực, xe cộ hồi đó thì chưa có máy lạnh nên khách phải xuống bến tìm chỗ vạ vật.

Nóng nực quá, cánh đàn ông cởi quần áo, chỉ mặc quần đùi ngủ. Trớ trêu thay bị trộm lấy mất sạch la làng ơi ới. Thế nhưng, với những ai đã quen thuộc với những chuyến phà đêm tắt nghẽn sẽ cảm nhận đó là một xã hội thu nhỏ - nơi diễn ra những hỉ, nộ, ái, ố trong một khoảnh khắc thoáng qua rồi bật cười.

Nhắc lại chuyện trên phà, chú Lê Văn Bé kể thêm: "Những ấn tượng nhất khi qua phà là nó cũng chen chúc đông người thành ra cũng phức tạp lắm. Nhiều khi người qua lại cũng cọ quẹt nhau, rồi lời qua tiếng lại, cũng kém văn hóa. Hồi đó, vấn đề rọc túi, móc túi cũng nhiều lắm, không an ninh như bây giờ, rọc túi tinh vi lắm, có thể là mình không hay nữa. Trộm rọc túi cũng phải lựa mấy người không cảnh giác, mấy người ở nông thôn, nhìn mặt không được lanh lẹ, nó nhìn mấy người đó nó dễ làm ăn".

Trước thời điểm phà dừng hoạt động, bến này có khoảng 8 phà nhỏ 100 tấn, 5 phà lớn 200 tấn. Lượng xe qua lại phà hằng ngày khoảng 5.000 xe lớn và hàng chục ngàn người đi xe máy, đi bộ. Và lượng khách mỗi năm tăng khoảng 10%...

Bến phà Mỹ Thuận năm 1965 vẫn còn rất lụp xụp, tạm bợ - Ảnh tư liệu

Hơn 22 năm đã trôi qua với nhiều đổi thay, nhưng anh Nguyễn Thành Nam, một người con Kiên Giang, vẫn nhớ như in kỷ niệm trên chuyến phà năm ấy đọng lại trong ký ức tuổi thơ của anh không thể xóa nhòa: "Hồi xưa có ông dượng bà dì ở trên Sài Gòn, hay lên trên đó chơi. Hè ông bà dẫn đi Đầm Sen, Suối Tiên chơi. Kỷ niệm nhớ nhất cũng hơi sợ là hồi đó lên phà, mà còn con nít nên hiếu kỳ lắm, mình chạy xuống khỏi xe khách ra phà coi, rồi sau đó không biết xe nào để lên, leo lên 1 xe thì thấy người lạ hoắc thế là đi xuống tìm dòng dòng, mẹ đi kiếm gặp la quá trời. Lạc tại vì hồi đó dưới quê mình cũng ở vùng sâu, lâu lâu mới đi, xe đâu có biết biển số này nọ để mình có nhớ đâu".

Đối với những đứa trẻ từng đi qua bến bắc Mỹ Thuận, hình ảnh một khu chợ thu nhỏ trên những chuyến phà xuôi ngược thuở nào với những món ăn bình dị, dân dã nhưng ngon khó cưỡng khó phai mờ trong tâm trí.

Anh Nguyễn Thành Nam vẫn còn tấm tắc khi nhớ về những món ngon ngày ấy: "Ấn tượng là trên phà người ta bán nhiều đồ ăn: Bắp, trứng cút, nem… Mà công nhận bắp ở Mỹ Thuận là bắp cồn nên ngon lắm, trái bự thiệt bự mà hột nó đều lắm. Tại con nít nên lâu lâu đi khoái ăn cái này cái kia người ta bán".

Những chuyến phà Mỹ Thuận cuối cùng trước khi cầu được thông xe năm 2000. Ảnh: Tuổi trẻ

Có cầu, bắc Mỹ Thuận ngưng hoạt động và chuyển về nơi mới đang cần hơn. Những tiếng máy xình xịch, cũ kỹ và chậm chạp giờ đây còn đâu nữa? Còn đâu những lần lặng lẽ ngắm dòng sông mênh mông nước chở theo từng đám lục bình tím bông lững lờ trôi một cách vô định trong mênh mông của sông Tiền, sông Hậu?

Bao lần được trải nghiệm cảm giác lâng lâng bay bổng trên những chuyến phà, chị Bùi Thị Kim Thu, quê ở An Giang, cũng thoáng chút chạnh lòng, tiếc nuối khi nhớ về chuyến bắc năm nao:…."Phà Mỹ Thuận thì không biết mọi người nghĩ sao chứ Thu thấy khung cảnh thơ mộng lắm. Nhìn dòng sông Tiền nước lặng lẽ trôi từ từ, đến giữa sông cảm thấy gió mơn man trong lòng, rồi lục bình hoa tím nở, thấy rất yên ả, thơ mộng lắm".

Bến bắc Mỹ Thuận đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình và chỉ còn trong ký ức, để lại niềm nhớ cho những ai hay hoài cảm bâng quơ. Trong phút chốc, chợt nhớ những câu thơ trong “Riêng gửi Cửu Long" của nhà thơ Huỳnh Thúy Kiều:

"Thức một đêm dày có trọn vẹn với Cửu Long?

Câu vọng cổ bềnh bồng…

Ơi châu thổ!

Tiếng thời gian cựa mình

Sông Hậu sông Tiền mênh mang ền nhớ”.