Bà Nụ

Ở cái phố Lương Văn Can này, chả mấy người biết bà Nụ, dù bà đã sống ở đây ngót nghét 60 năm rồi. Nói là sống, chứ thực tình nhìn bà bây giờ giống như đang tồn tại, để chờ đến điểm cuối cùng của hành trình cuộc đời.

 

Nhà bà Nụ ở sâu tít trong một con ngõ nhỏ, tối om, trên phố Lương Văn Can. Từ ngoài đường bước vào, phải đứng im một lúc cho mắt quen với bóng tối, rồi mới lần mò theo vách tường để đi vào bên trong. Mãi mới thấy cuối đường có vệt sáng lờ mờ lọt xuống ở cái khoảnh sân chung.

Nói là nhà, nhưng thực chất bà Nụ ở trong một căn phòng cơi nới dưới gầm cầu thang của căn biệt thự cũ. Giống như bao cái biệt thự Pháp cổ ngày xưa, bị chia năm xẻ bảy, mỗi gia đình được phân một góc.

Rồi cùng với thời gian và nhu cầu cuộc sống, họ cơi nới, ngăn vách, chia phòng, biến cái biệt thự tiện nghi khi xưa giờ thành giống như cái ổ chuột, tối tăm, ẩm thấp. Nhà của bà, chỉ cách Bờ Hồ mấy bước chân…

Căn phòng của bà Nụ rộng chừng 5-6 mét vuông, bên trong kê một cái giường đơn, một cái tủ gỗ tung hết cả cánh cửa. Mà bà cũng chẳng quan tâm, bởi làm gì có đồ đạc gì quý giá, mà cất giữ, mà cần cánh tủ để khoá? Có lẽ món đồ quý giá nhất trong nhà, là cái bếp dầu dành cho việc nấu nướng hằng ngày.

Gần như cả ngày, bà chỉ loanh quanh trong căn phòng tối om om đó. Không mấy khi bà ra ngoài. Chỉ cần nhìn nước da của bà cũng biết. Mai mái, bợt bạt.

Bà Nụ quê gốc ở Nam Định, từ bé đã được theo cha mẹ lên Hà Nội. Vốn là thợ may, nên khi lên thành phố, bố mẹ bà cũng dễ dàng kiếm được việc làm ở hợp tác xã. Rồi sau ra ngoài mở hiệu giặt là riêng trên phố Lương Văn Can. Tiếp sau bà là 4 đứa em lần lượt ra đời. Khi bố mẹ mất, căn nhà được chia cho 5 đứa con. Riêng bà chẳng chồng con gì nên các em “ưu tiên” cho ở trong căn phòng dưới gầm cầu thang.

Ngày trẻ, bà cũng theo chân bố mẹ vào làm công nhân ở nhà máy dệt may trên phố Minh Khai. Sau vì sức khoẻ yếu nên bà xin nghỉ, rồi về làm nhì nhằng cho một hợp tác xã may găng tay lao động dưới chân cầu Long Biên. Được một thời gian thì hợp tác xã giải tán, nên bà thất nghiệp. Giờ, bà sống dựa vào phần lợi nhuận của cái cửa hàng giặt là bố mẹ bà để lại cho mấy chị em… Cũng chẳng nhiều nhặn gì!

Mặc dù ở gần nhau, nhưng các em, các cháu chả đứa nào chăm nom, nên quanh năm suốt tháng bà Nụ cứ lụi cụi một mình trong căn phòng không cửa sổ, không bếp, không nhà tắm, không nhà vệ sinh… Mỗi lần nấu gì đó ăn, bà lại phải bê cái bếp dầu ra ngoài cửa, trong cái ngõ sâu hun hút, tối tăm ấy mà nấu.

Bởi để bếp trong nhà thì mùi dầu hoả xông lên không thở nổi.

Chỉ vào cái vòi nước được lắp ngay dưới góc chân cầu thang, bà bảo, nước ở đây chán, thỉnh thoảng lại không có. Hôm nào mất nước lại phải chạy ra bể nước chung lấy về đun nấu.

Thỉnh thoảng có người đi qua, chả ai liếc mắt nhìn bà Nụ một cái, giống như bà là người vô hình trong mắt họ vậy. Sống mãi một mình trong căn hầm tối om cô độc ấy, nên bà Nụ khát tiếng người, khát được nói chuyện với ai đó.

Thế nên, gặp tôi, bà cứ nói mãi, nói không dứt chuyện. Từ chuyện bố mẹ bà ra Hà Nội, đến quãng thời gian bà làm cho nhà máy dệt may, rồi bỏ, rồi phải đi tập trung đi đào sông Tô Lịch mãi mạn Thanh Trì… Rồi chuyện mấy cô em dâu cứ nhăm nhe lấy nốt cái chỗ nương thân này của bà bao nhiêu năm qua…

Vuốt mái tóc loà xoà chỉ còn vài sợi trên đầu, đôi mắt đục mờ như tờ giấy pô-luya nhìn vào cái bếp dầu, bà Nụ nói, như thể nói với ngọn lửa leo lét đang phấp phỏng đấu tranh giữa việc cháy bùng lên hoặc tắt ngóm: Chắc giờ, họ chỉ chờ tôi chết.

Cơn mưa rào giữa trưa bất chợt ầm ầm đổ xuống. Bà Nụ hốt hoảng đứng dậy loay hoay cầm cái chậu và cái nồi đang định bắc bếp nấu gói mì cho bữa trưa dò dẫm đi vào phòng.

Bà lẩm bẩm, chẳng biết nói với tôi hay với chính bà: Cứ mưa là nước lại ngấm dột, như nhà mái gianh…