Bà giáo nặng tình với lớp học tình thương

Dẫu biết rằng hành trình vận động những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn đến lớp học còn nhiều trắc trở nhưng cô giáo Ba Liêm tự nhủ mình không được từ bỏ bởi hành trình đến với con chữ của các em vẫn còn nhiều gian nan.

"Con ơi, con cố gắng học nha! Học cho mình biết chữ rồi sau này ra đường mình đọc được chữ, mình giỏi, mình ngoan thì được nhiều người khen.

Con biết nó trả lời sao không?

Cô! Con tối ngày đi bán vé số hoài. Con mà không có đi bà nội đánh con chết luôn".

Giọng của cô giáo Ba Liêm - tên thật là Phạm Thị Liêm, năm nay đã ngoài 70 tuổi, giáo viên lớp học chữ tại phường 1, TP Tân An, Long An -  như nghẹn đi khi nghe đứa học trò ngây ngô nói; giận không đành đoạn mà thương cũng chỉ biết khắc khoải trong lòng. 28 năm - một hành trình không ngơi nghỉ.

Với cô Ba Liêm, trong suốt 28 năm ấy, mỗi lần cô đi vận động những đứa trẻ có hoàn cảnh khó khăn đến lớp học lại là mỗi lần nỗi đau về số phận của những đứa trẻ ấy càng xoáy sâu hơn vào tâm khảm của mình. Dẫu biết rằng hành trình ấy còn nhiều trắc trở nhưng cô giáo Ba Liêm tự nhủ mình không được từ bỏ bởi hành trình đến với con chữ của các em vẫn còn nhiều gian nan.

Gần 30 năm qua, cô Phạm Thị Liêm luôn nỗ lực duy trì lớp học tình thương giữa lòng TP.Tân An. Ảnh: Thế giới gia đình

Lớp học rất đặc biệt - một lớp học mà có rất nhiều em với các độ tuổi khác nhau cùng ngồi ê a con chữ và cùng dõi theo những nét phấn trắng trên bảng đen. Các em đều cùng quây quần về đây, trong lớp học đặc biệt này mà không hề có sự phân biệt nào cả.

Dù trước đó, có em từng là trộm cắp, có em từng bán vé số, cũng có em đã qua tuổi học đánh vần rất lâu vẫn quyết tâm đến lớp học. Phải chăng đó là “sức hút” cô giáo Ba Liêm - người đã ngày ngày cùng các em “rong ruổi” theo từng con chữ.

PV: Thưa cô Ba Liêm, cơ duyên nào mà cô quyết định mở lớp học này?

Hồi đó cô là cán bộ chữ thập đỏ của tỉnh. Lúc đó, cô đi phong trào, làm việc từ thiện. Cô lại phụ trách đội thanh niên xung kích để làm công tác xã hội, có nhiều em tham gia, có khi đi chơi chỗ này chỗ kia. Xuất phát từ chỗ cô thấy các em đi bán vé số, đi bán bánh cam, đi bán nhiều thứ.

Nó không biết viết, không biết đọc, rồi chửi thề, ăn nói rất cộc cằn như vậy; thì tự nhiên cô lại suy nghĩ tại sao mình không dạy dỗ các em như vậy. Xuất phát từ tấm lòng cô yêu trẻ, cô thương trẻ.

PV: Khó khăn lớn nhất trong hành trình gieo chữ ở lớp học đặc biệt này là gì, thưa cô?

Khó, nó rất khó. Để cô nói cái khó trong giảng dạy. Ở đây Phòng Giáo dục có cử cho một thầy hỗ trợ. Thầy dạy lớp Ba, Bốn, Năm còn cô dạy lớp Một, Hai. Thành ra năm cấp lớp học ghép trong một phòng, trước thì có hai phòng. Lớp Một, Hai cũng không đơn giản.

Có đứa nó chưa biết gì, có đứa nó biết rồi. Thành ra ở đây tùy năng lực của em, đang ráp dần, cầm tay chỉ a b c như thế nào. Phải biết từng em nó hiểu chưa, biết chưa mình mới chỉ dạy được. 

PV: Vậy còn khó khăn về cơ sở vật chất, điều kiện lớp học thì sao cô? Cô vượt qua điều đó như thế nào ?

Khi có ý định mở lớp rồi thì cô nghĩ rằng mình phải trình báo với cấp trên, với lãnh đạo. Cô được Hiệu trường trường Tiểu học Võ Thị Sáu cho mượn hai lớp, vạn sự khởi đầu nan. Cô được mạnh thường quân hỗ trợ, cho tiền mua tập viết cho các em.   

PV: Điều mong mỏi lớn nhất của cô lúc này là gì?

Hiện nay lớp của cô đã duy trì thành công rồi thì cô lại muốn tiếp tục duy trì, cũng như giúp đỡ được các hoàn cảnh khó khăn là các em cơ nhỡ, không đủ điều kiện đến trường. 

PV: Xin cảm ơn cô rất nhiều. Chúc cô luôn có nhiều sức khỏe để tiếp tục đồng hành với các học sinh của mình.   

Các cấp, các ngành luôn đồng hành với lớp học tình thương. Đây là một phần động lực để cô Phạm Thị Liêm duy trì lớp học tình thương. Ảnh: Thế giới gia đình

17 giờ 30 phút, dù giờ lên lớp đã trôi qua gần nửa tiếng nhưng lớp học của cô giáo Ba Liêm (đặt tại Trung tâm Văn hóa - Thể thao và Học tập cộng đồng phường 1, TP.Tân An) mới chỉ có mặt 15 em, trong khi sĩ số lớp là 24 em.

Với cô Ba Liêm, đây là chuyện rất đỗi quen thuộc bởi cô giáo biết 24 em là 24 hoàn cảnh khác nhau. Các em giờ đây còn đang bận chạy bàn, trông em hay cố bán nốt từng tờ vé số… mới có thể đến học được. Lớp học đặc biệt này cũng chính vì những số phận ấy mà ra đời, kiên trì bám trụ cho đến tận ngày nay.

Trước những buổi học, cô Ba Liêm đều đến lớp rất sớm để sắp xếp lại bàn ghế, giặt khăn, lau bảng… và không quên chuẩn bị cả những bịch bánh, hộp sữa cho các em lót dạ. Ngồi ngóng trông những đứa trẻ lần lượt vào lớp, cô lại nhớ về những ngày đầu tiên bắt đầu với lớp học chỉ lưa thưa một vài em.

"Cô ở hội chữ thập đỏ công tác được 20 năm, sau đó qua hội phụ nữ 10 năm. Như vậy là cô về hưu. Từ 1995 cô thành lập lớp này và duy trì lớp đến ngày hôm nay. Sau đó cô nói các em thanh niên ra quân vận động các em có lớp này. Những em đi học rồi nghỉ thì cô lại đến nhà để hỏi thăm tại sao?", cô Ba Liêm cho biết.

28 năm gắn bó với lớp học chữ cũng là khoảng thời gian đằng đẵng những trăn trở về hoàn cảnh của các em cứ quanh quẩn trong đầu cô Ba Liêm. Trước khi đến với lớp học, các em vì hoàn cảnh nên vất vả mưu sinh sớm, trong quá trình đó, không tránh khỏi thói ăn cắp vặt, nói tục chửi thề hay bị kẻ xấu dụ dỗ, sa vào tệ nạn xã hội. Có em đến lớp còn cầm trên tay xấp vé số, có em vừa đến nơi thì chạy vào lớp xin cô Liêm cái bánh, chai nước,...

"Quan trọng nhất là để làm sao duy trì được các em. Có nhiều lúc các em đi bán buôn tới tối mới về. 5 giờ chiều học thì 4h30 nó đội mâm bánh cam còn mấy cái nói “Cô ơi, cô mua dùm con con mới học được”. Thôi kệ mình cũng mua luôn", cô Ba Liêm nói.

Với những đặc thù như vậy, việc giảng dạy của cô giáo Ba Liêm cũng gặp không ít trở ngại. Công việc đầu tiên của cô Ba Liêm là giáo viên mầm non nên cô cũng có sẵn nghiệp vụ sư phạm. Thế nhưng để con chữ thật sự “chạm” đến các em, thời gian đầu cô quyết định ngày ngày đi tập huấn cùng với các thầy cô chuyên môn. Bên cạnh bồi dưỡng nghiệp vụ tốt, cô Ba Liêm còn rất vững quan điểm giảng dạy của mình.

Ở lớp học của Ba Liêm, cô luôn quan niệm giúp các em giữ gìn đạo đức, tránh tệ nạn và có thể hỗ trợ giúp các em tìm được công việc phù hợp, tạo thu nhập. Đồng thời, cô Ba Liêm cũng kể cho các em nghe về những dự định của lớp học, giải thích để các em hiểu lợi ích khi biết chữ và đặc biệt là có thêm bạn bè và sân chơi lành mạnh khi đến với lớp học tình thương.

Riêng chương trình học, cô thường xuyên đổi mới bằng hình thức vừa học, vừa chơi, không tạo áp lực về điểm số, chỉ hướng đến mục đích giúp trẻ biết đọc, biết viết. Đối với cô Ba Liêm, để lớp học đạt hiệu quả bản thân cô phải biết xoay sở, cân đối sao cho vừa dạy được cho nhiều em với các cấp trình độ khác nhau, lại vừa tạo hứng thú cho các em trong học tập.

"Năm rồi cô dạy có 20 em nhưng lên lớp được 12 em thôi. 8 em còn lại do dao động về trí não, trình độ nên không lên lớp được, học không hiểu gì. Nhưng mà giúp cho em được tính đến lớp, tiếp xúc với bạn bè", cô Ba Liêm cho biết.

Tấm lòng của người cô cũng được đền đáp phần nào khi thấy các em dẫu còn nhiều khó khăn vẫn kiên trì bám lớp.

"Cha kêu con vô đây học cho con biết chữ".

"Cô, thầy chỉ con nhiều điều: Toán, Chữ, Chính Tả, Đọc Viết… Mạnh thường quân cho con chơi trò chơi hát, đánh cầu, đá banh…"

Cùng với sự nỗ lực của cô giáo Ba Liêm là sự quan tâm, đồng hành của các đoàn thể, cơ quan, ban ngành tại địa phương và mạnh thường quân. Các em được nhận trợ cấp, được cấp dụng cụ học tập, đồ chơi, quà tặng mỗi dịp lễ, Tết…

Qua quá trình học phổ cập, các em biết đọc, biết viết nên việc mưu sinh cũng dễ dàng hơn, tránh được những điều xấu xa, tệ nạn. Có những em mà cả gia đình đều học lớp của cô Ba Liêm, những kỷ niệm, tình nghĩa thầy trò cũng từ lớp học nhỏ này khắc ghi đến tận hôm nay và mai sau nữa. Cô Ba Liêm vẫn nhớ mãi những lần phải tạm biệt các em. Đó là những cảm xúc hỗn độn khó tả bởi cô vừa vui khi các em có thể hoàn thành lớp học nhưng cũng vừa luyến tiếc khi phải nói lời tạm biệt với những đứa trẻ cô đã gắn bó rất lâu.

Đi qua những khó khăn bước đầu, lớp học nay đã ổn định hơn nhưng vẫn còn những điều khiến cô Ba Liêm phải lo lắng. Trước đây, giáo viên tình nguyện đến lớp giảng dạy cũng nhiều nhưng cứ người này đến thì người kia đi, đôi khi là đi hết cả.

Đến nay, may mắn vẫn có thầy Nguyễn Hoàng - giáo viên THCS Võ Thị Sáu, TP Tân An còn đồng hành cùng cô Ba Liêm trong suốt 9 năm qua: "Cô Liêm cũng tâm đắc, quyết tâm vận động để các em để cho ra được lớp này. Mà thầy cũng sắp hưu rồi, còn năm nữa hưu rồi. Thôi thì tới đâu hay tới đó!".

Kết thúc buổi học hôm nay của cô Ba Liêm là câu chuyện về hình ảnh hoa hướng dương. Loài hoa ấy không ở đâu xa mà chính là hình ảnh, tâm hồn của các em cũng như cô Liêm, thầy Hoàng tại lớp học đặc biệt này. Những mảnh đời ấy dẫu khó khăn, nghịch cảnh vẫn kiên trì vươn lên đúng với tên gọi của những bông hoa hướng dương ngược nắng.