Bá đạo

“Bá đạo” là câu cửa miệng mà chúng ta vẫn nói, sử dụng hàng ngày thông qua giao tiếp hay các comment trên mạng xã hội về một sự kiện, hành vi, sự vật nào đó... Nhưng chắc gì bạn đã hiểu hết nguồn gốc, ý nghĩa của nó.

“Con bé đó nó có điệu cười thật bá đạo…”

“Trận hôm qua Quang Hải ghi bàn bá đạo quá !!!”

 

 “Bá đạo” nguyên gốc là một từ Hán – Việt xuất hiện từ thời Xuân Thu Chiến Quốc. Đạo là một danh từ có nghĩa gốc là “đường đi”, từ đó mới phái sinh ra nghĩa bóng mà ta có thể thấy dùng để chỉ kỹ thuật, nghệ thuật, phương thức..., như trong trà đạo, hoa đạo, nhu đạo, y đạo...; chỉ tôn giáo, như trong bần đạo, an bần lạc đạo, truyền đạo, tuẫn đạo…; chỉ đường lối chính trị, học thuyết, như trong Khổng Mạnh chi đạo, vương đạo, bá đạo.

Còn “Bá” là bá chủ, là thành phần thêm nghĩa cho “đạo”. Ý nghĩa thuần chủng mà thời xa xưa ở Trung Quốc sử dụng có nghĩa là: Con đường của kẻ mạnh. Ngụ ý là kẻ thống lĩnh hay chiến thắng thì nói gì mọi người phải nghe, bảo sao thì làm vậy, không được phản kháng hay cãi lại, có ý kiến.

Nôm na thì “bá đạo” là khái niệm nhằm êu tả sự chính trực, mạnh mẽ, quyết đoán của bậc anh hùng, hảo hán, đại tài.

Nhưng bá đạo còn có những nghĩa “đời thường” hơn thậm chí còn trái ngược với nguyên gốc, được một số tự điển của Trung Quốc định nghĩa như “ngang ngược bất chấp phải trái”; “nguy hiểm”; “cực mạnh” được thể hiện trong thành ngữ “hoành hành bá đạo”, có nghĩa là làm bậy, làm càn, bất phân phải trái.  

Ảnh nh họa: Thuật ngữ

Bá đạo thường sử dụng trong phim ảnh, các trò chơi online, tiểu thuyết kiếm hiệp của Trung Quốc và được du nhập vào văn hóa của giới trẻ Việt Nam trong thời gian gần đây.

Đến nay các bạn trẻ thường dùng từ này như một từ tiếng lóng của tiếng Việt được sử dụng trong các giao tiếp trực tuyến trên các trang mạng xã hội, các ứng dụng chat trực tuyến, hay thậm chí trong văn nói hàng ngày giữa các bạn trẻ với nhau.

Bá đạo khi được các bạn trẻ dùng thường có ý nghĩa chỉ sự lạ lùng, khủng, không tưởng tượng được, vô đối, siêu phàm, hay có tính khí ngang ngược…

Có rất nhiều ví dụ cách sử dụng cụm từ bá đạo của các bạn trẻ như:

- Những sự thật bá đạo trên Facebook;

- Bá đạo trên từng hạt gạo

- Clip quảng cáo xe đua của Honda thật là bá đạo...

- Làm ăn gì mà bá đạo vậy trời…

Là một từ lóng nên khi sử dụng chúng ta cần cẩn trọng, chú ý đến bối cảnh, đối tượng được nhắm đến để không gây nên những hiểu lầm không đáng có mà vẫn phát huy được hiệu quả của ngôn ngữ.