Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường: Còn nhiều băn khoăn

Có nên bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi?

Theo các đại biểu, nước giải khát có đường là một trong những nguyên nhân gây ra bệnh thừa cân béo phì, đây là những sản phẩm rất khó để kiểm soát hàm lượng đường. Đại biểu Nguyễn Kim Thúy Đoàn ĐBQH Tp. Đà Nẵng cho rằng cần xem xét nghiên cứu áp thuế đối với nước giải khát có đường:

"Việc lạm dụng đồ uống có đường gây nguy cơ hàng đầu gây bệnh không lây nhiễm như: tim mạch, đái tháo đường... do tăng lượng đường nạp vào cơ thể cao hơn nhiều lần mức cần thiết. Do đó, tổ chức y tế thế giới và các nhóm công tác vệ sức khỏe, khuyến nghị với Chính phủ các quốc gia áp dụng biện pháp đánh thuế vào đồ uống có đường, để định hướng hành vi tiêu dùng. Tôi đề nghị áp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường có hàm lượng đường trên 5g/100ml".

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy - Đoàn ĐBQH tỉnh Bến Tre nhìn nhận Ban soạn thảo dự án Luật cần xem xét nghiên cứu áp thuế đối với nước giải khát có đường. Trên thực tế, nhiều loại nước có hàm lượng đường cao hơn nước giải khát có đường… Ban soạn thảo dự án Luật cần nghiên cứu mở rộng đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt là đồ uống có đường nói chung thay vì nước giải khát có đường:

"Việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt là nước giải khát có đường có thể sẽ không làm người tiêu dùng từ bỏ tiêu thụ nước giải khát có đường mà chỉ làm họ chuyển từ sản phẩm phải nộp thuế sang các đồ uống có đường phố không bị ảnh hưởng. Điều này vừa gây thất thu thuế, vừa đi ngược lại mục tiêu xây dựng luật là mở rộng cơ sở thuế và nâng cao sức khỏe cộng đồng, thậm chí gây hiểu lầm cho người tiêu dùng là chỉ cần không dùng đồ uống có đường thì sẽ không bị béo phì và các bệnh có liên quan".

Ảnh nh họa: TL

Đóng góp ý kiến vào dự án Luật, đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn ĐBQH tỉnh Đồng Tháp đề nghị xem xét việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường theo lộ trình. Việc làm này nên được nghiên cứu trong bối cảnh các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh:

"Nước giải khát có đường có phải nhu cầu tiêu dùng của người dân không? Trong cơ thể của chúng ta và người dân không ai là không thể không có đường được. Cho nên việc tăng thuế này nên xem lại. Đó là một cái tôi nghĩ ban soạn thảo có nghiên cứu. Một mặt khác các doanh nghiệp rất khó khăn thì chúng ta có nên áp thuế TTĐB có nên hay không để làm sao chúng ta thực hiện có lộ trình và doanh nghiệp vui vẻ đóng thuế".

Trước nhiều quan điểm khác nhau về nước uống có đường hay nước giải khát có đường, Đại biểu Trương Trọng Nghĩa - Đoàn ĐBQH TP. Hồ Chí Minh kiến nghị:

"Thức uống có đường tôi đồng ý là chúng ta phải quan tâm tới các loại thức uống có đường, không chỉ nước giải khát. Nhưng để dung hoà hai quan điểm này tôi đề nghị có một danh mục cụ thể liệt kê các loại thức uống nào, loại giải khát nào có đường cần phải có thuế TTĐB. Danh mục này có thể giao cho chính phủ điều chỉnh từng thời kỳ".

Còn đại biểu Cầm Thị Mẫn – Đoàn ĐBQH tỉnh Thanh Hóa quan tâm đến việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam (TCVN) có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 10%.

Đại biểu thống nhất với việc bổ sung sản phẩm này vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để góp phần định hướng tiêu dùng, mở rộng cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp và người tiêu dùng chuyển sang sản phẩm khác không có đường, góp phần hạn chế tình trạng thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm.

Tuy nhiên, báo cáo nghiên cứu đánh giá tác động có nêu, ngành nước giải khát chiếm 38% số lượng doanh nghiệp của ngành đồ uống. Đối với tác động về nguồn thu ngân sách, kết quả tính toán cho thấy, khi áp dụng thu thuế tiêu thụ đặc biệt 10% thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp bị co hẹp. Đồng thời việc áp thuế không chỉ tác động tới ngành nước giải khát, mà còn tác động tới 24 ngành khác trong quan hệ liên ngành. Hệ quả tác động tới toàn nền kinh tế, kéo theo sự sụt giảm về GDP.

Ảnh nh họa: TTXVN

Do đó, theo đại biểu Mẫn, cần phải cân đối mục tiêu định hướng hành vi của người tiêu dùng với việc sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng này. Chính phủ cần giải trình rõ hơn về mục tiêu đạt được chính sách này. Thực chất là bảo vệ sức khỏe người dân hay chỉ là tăng thu ngân sách:

"Tôi đề nghị quy định lộ trình thực hiện mức thuế suất tại dự thảo luật như sau: từ ngày luật có hiệu lực và kéo dài trong vòng 1 năm thì mức thuế suất là 5%, sau ngày luật có hiệu lực 1 năm thì mức thuế suất là 7,5%, sau ngày luật có hiệu lực 2 năm mức thuế suất là 10% - đây là mức thuế suất mà Chính phủ đề nghị áp dụng ngay tại thời điểm luật có hiệu lực.

Việc quy định lộ trình và thuế suất như vậy đảm bảo quá trình triển khai không có tác động quá lớn tới người tiêu dùng và doanh nghiệp, đồng thời các doanh nghiệp cũng có chiến lược điều chỉnh sản phẩm, chuyển sang sản phẩm tốt hơn cho sức khoẻ người tiêu dùng".

Sau phiên thảo luận ở nghị trường, nhiều ý kiến đồng tình với việc áp thuế TTĐB với nước giải khát có đường, tuy nhiên cần làm rõ khái niệm để tránh thiếu, cũng như cần có lộ trình tăng hợp lý. Nhưng cũng có không ít ý kiến cho rằng nên cân nhắc việc bổ sung nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam, có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt./.