Ao làng giữa phố

Đối lập với không gian hiện đại của một Thủ đô ngày càng phát triển là những nét xưa cũ của một Hà Nội nghìn năm. Trên bước bộ hành, có khi nào bạn ngạc nhiên, tò mò trước những chiếc ao nhỏ còn sót lại giữa lòng thành phố?

Một góc thân thương bên ao làng Triều Khúc, nơi người dân thường hóng mát và câu cá mỗi chiều

"Có những cái ao như thế này thì rất tốt, không khí rất mát mẻ. Các bạn trẻ thường ra đây hóng gió, nói chung cải thiện rất nhiều trong cuộc sống. Những cái ao đó thì tồn tại gần trăm năm rồi".

"Là chỗ để dân làng chiều tối ra hóng mát. Ở Hà Nội bây giờ nếu mà để ở gần trung tâm Hà Nội, thành phố thì rất là ít. Ở trong này là làng thì nó vẫn tồn tại nhiều cái nó không đổi mới như thành phố".

"Chiều chiều mọi người mới ra còn ban ngày thì nắng không ai ra mà chỉ để ô tô thôi. Các lễ hội là có này, hát dưới thuyền, thỉnh thoảng có đoàn múa rối nước về. Phải có người bảo trì, vớt rác, vớt bùn, bơm nước sạch vào".

Giữa phố xá tấp nập của Hà Nội, thỉnh thoảng, bộ hành bắt gặp những ao làng còn sót lại, như ao làng Triều Khúc, ao sen làng Đại Từ, ao làng Nhân Hòa… Ao có thể trước cổng đình chùa, cũng có thể được bao bọc bởi một khu dân cư cùng những tòa nhà cao tầng lấp lánh.

Không gian thanh bình bên ao làng Triều Khúc

Từ đường lớn, náo nhiệt người qua kẻ lại, chỉ rẽ vào một chút, là có thể chạm tới một góc bình yên, dung dị của làng quanh những khoảng mặt nước nhỏ xinh. Không vội vã như người đi xe máy ô tô, không bị hối thúc bởi tiếng còi, bước chân thong dong cho phép bộ hành dễ dàng thu vào tầm mắt không gian đặc biệt này.

Gặp những khoảng ao chuôm trong thành phố, bạn thấy lòng như dịu lại, như mềm đi. Những sục sôi, áp lực, những dồn đẩy và thúc ép ngoài kia, bỗng chốc chùng xuống, chỉ còn lăn tăn như sóng nước mặt ao, trong một ngày hiu hiu gió.

Bà Nguyễn Ngọc Dung lớn lên và gần như gắn bỏ cả đời, với nhiều thế hệ cháu con bên ao làng Triều Khúc, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Với bà, ao làng là đời sống, là một phần tâm hồn người dân, là nơi lưu giữ những đổi thay của làng từ xưa cho đến khi làng lên phố:

"Rằm tháng 8 mới là hội thả vịt xuống đây, bưởi này, để dân tình đứng xung quanh người ta cũng nhảy xuống bắt vịt. Lâu đời lắm, nếu mà tính ra phải hai trăm năm rồi. Bên này là bờ ao, có mấy cái ao liền này, hồ ở đây rồi ao là ở xung quanh đây, bây giờ đổ đất làm nhà hết đấy. Năm ngoái vét ao lên, tạt ao rồi vét bùn, thả cá cảnh".

Ao sen ngày xưa của làng Đại Từ nay đã được kè bờ và thả bè thủy sinh cho xanh lại

Nhiều chiếc ao đã mất đi trong cơn san lấp vội vã để làm nhà làm cửa. Những ao còn sót lại được người dân nâng niu, trân trọng. Người ta kè bờ, nạo vét, thả bè thủy sinh cho ao xanh lại, như ở làng Đại Từ. Có nơi, ao được cải tạo, kết hợp làm nơi hóng mát cho bà con, nơi tập bơi cho trẻ em, như ở Nhân Hòa, Tả Thanh Oai, hay ở Dương Liễu, Hoài Đức.

Dù dung mạo khác đi, có khi hơi na ná giống hồ, nhưng tình cảm của người dân với ao làng thì gần như nguyên vẹn.

"Phải bảo vệ chứ không ai được xâm phạm khu vực này. Trước hết là chùa, đình, quang cảnh là có cái đình làng đây, nên không ai được xâm phạm. Ai ra thì chiều đến xung quanh đây ngồi chơi, hóng mát, sinh hoạt bình thường".

Ao làng giờ đã có đường bê tông bao quanh nhưng nhịp sống vẫn như chậm lại nơi này

Với thành phố, ao làng là những chiếc “điều hòa” thật quý giá cho một môi trường đô thị đang ngày càng nóng bức và nhiễm ô. Còn với mỗi người con của làng, ao làng là một phần hồn cốt. Nó còn  như một bộ lọc, để gạn hết bụi bặm của lối sống phồn hoa, giữ lại phần nguyên sơ, trong trẻo.

Với bộ hành, ao làng là một điểm níu chân, khiến bạn buộc phải chậm lại khi ngang qua. Những chiếc ao nhắc về một thời êm đềm xa xưa của mái đình, cây đa, bờ ao và giếng nước.

Ao làng dù không còn dáng vẻ như xưa nhưng vẫn là điểm hẹn của dân làng

Những chiếc ao nhắc rằng mọi thứ đã thay đổi quá mau, nếu không tự tin với giá trị của chính mình, có thể ta sẽ bỏ đi chính những điều rất quý, tìm lại thì đã muộn màng.

Những ao làng giữa phố, như nét chấm phá, làm nên vẻ độc đáo riêng có của bức tranh Hà Nội. Và dù còn ít ỏi thôi, nhưng bạn sẽ thấy thật tự hào, khi nhận ra, chừng nào người ta còn quý cái ao, là họ yêu làng, yêu quê, và sẽ giữ gìn nó như giữ gìn cuộc sống.