Anh ấy 10 điểm không có nhưng...

“Anh ấy 10 điểm không có nhưng”, “cô ấy 10 điểm không có nhưng” là những cụm từ thường xuyên xuất hiện trên mạng xã hội thời gian qua.

Đây là trend bắt nguồn từ mạng xã hội quốc tế, là biến thể của "He's/she’s a 10 but...", đánh giá mức độ hấp dẫn của ai đó trên thang điểm từ 0 - 10, và "nhưng" sẽ là yếu tố khiến người đó bị "trừ điểm".  

Chẳng hạn: anh ấy 10 điểm nhưng 5 ngày mới trả lời tin nhắn.

 

Cụm từ này xuất hiện lần đầu tiên trên mạng xã hội Tiktok vào tháng 6/2022, từ một filter do nền tảng hoặc người dùng mạng xã hội này thêm vào. Sau đó, trend này nhanh chóng bùng nổ và lan rộng ra các nước khác, rồi dần trở nên phổ biến với giới trẻ Việt Nam.

Cái hay của giới trẻ Việt là đã biến thể từ “anh ấy 10 điểm nhưng” thành “10 điểm không có nhưng”. Khi tìm kiếm trên google cụm từ này cho ra 359 triệu kết quả trong 0,28 giây. Điều đó cũng chứng tỏ mức độ phổ cập của cụm từ này. Và ngay cả các tờ báo mạng, hay status của các KOL cũng rất hay thấy cụm từ “10 điểm không có nhưng” xuất hiện ngay từ tiêu đề.

Ảnh nh họa: Mực Tím/Tuổi trẻ

Để có thể hiểu thêm về cách các bạn trẻ sử dụng cụm từ “10 điểm không có nhưng”, hãy đến cuộc trò chuyện với 1 diễn viên trẻ đang làm công việc sáng tạo nội dung, được biết đến với biệt danh “Bông Cúc Welax” hay Nghĩa Bùi. 

PV: Với cá nhân tôi thì Bông Cúc Welax đúng là 10 điểm không có nhưng đấy ạ. Vừa khéo chăm chồng lại khéo nuôi con, và còn rất hề hước trong các câu thoại của mình. Chắc hẳn với công việc sáng tạo nội dung cho những clip hài, cụm từ “10 điểm không có nhưng” không quá xa lạ với bạn. Bạn hiểu về cụm từ này như thế nào?

Nghĩa Bùi: Theo em nghĩ là từ đó dành một lời khen mà mọi người sẽ tóm gọn lại dành tình cảm cũng như lời khen không thể diễn tả được. Đó là từ khen tóm gọn nhất, truyền tải đầy đủ ý nghĩa nhất mà giới trẻ bây giờ sẽ nói với nhau

PV: Với ý nghĩa tích cực của cụm từ này, bạn nghĩ trend “10 điểm không có nhưng” sẽ có thể sử dụng trong những hoàn cảnh nào?

Nghĩa Bùi: Ở công ty em các chị U30, U40 vẫn dùng những từ đó. Từ đó rất đơn giản, thứ 2 là cũng dễ hiểu, ở độ tuổi nào nghe cũng thấy dễ hiểu. Ví dụ ngày xưa khen thì phải ô bạn này giỏi quá, bạn này đặc sắc quá. Nhưng bây giờ sẽ là “10 điểm không có nhưng” tức là sẽ không có 1 thiếu sót nào cả. Thì hầu như ở lứa tuổi nào dù già hay trẻ, thanh niên hay lớn tuổi đều hiểu rất rõ ý nghĩa của câu này.

PV: Cảm ơn Nghĩa Bùi với những chia sẻ rất trend trong Từ điển thị dân hôm nay!