Âm vang nói thơ Nam bộ

Len lỏi vào đời sống người dân miền Tây Nam Bộ từ đầu thế kỷ XX là những giai điệu âm vang của các làn điệu nói thơ đượm hồn dân tộc.

Chính từ giây phút ấy trong lịch sử trở đi trăm năm sau, những câu từ da diết của nói thơ đã vang vọng khắp cả vùng châu thổ Cửu Long khiến nức lòng bao thế hệ. 

Nên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao mẫu từ

Các nghệ nhân Long An trình diễn nói thơ Vân Tiên - Ảnh baocantho

Người dân vùng sông nước khi ấy rộn ràng truyền tai nhau những làn điệu nói thơ rồi có khi thách đố, xướng xô trong lúc làm đồng, cấy hái. Trở ra bến sông, bến đò để giao thương, người ta cũng dễ dàng nghe được những vần thơ, điệu hát văng vẳng trên sông nước mênh mông từ những người cầm chèo. Trở về nhà lại nghe tiếng nói thơ giao đãi bên chén rượu tâm tình, tiếng chú tiếng anh của những cuộc gặp gỡ, giao lưu. Tình làng nghĩa xóm, nét đẹp văn hóa nơi đây cứ như thế mà lớn lên, sâu đậm như cách nói thơ đi vào văn hóa, vào tiềm thức của người dân vùng Cửu Long.

Nói thơ là một loại hình diễn xướng dân gian độc đáo của người dân vùng đất Nam Bộ. Theo các nhà nghiên cứu, nói thơ là sự giao thoa giữa đọc thơ và ngâm thơ. Trên hành trình đi tìm lại ký ức của những điệu nói thơ độc đáo, chúng tôi đến thăm một mảnh đất đặc biệt - nơi nổi tiếng với giai điệu vui tươi, rộn rã của một loại hình nói thơ, mang tên nói thơ Bạc Liêu.

Nói đặc biệt bởi vì điệu nói thơ Bạc Liêu dù “sinh sau đẻ muộn hơn” những loại hình dân ca khác ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long nhưng nhờ nét vui tươi, hóm hỉnh mà không kém phần sâu sắc, ý vị trong ca từ nên được xem như là một vũ khí đấu tranh trên mặt trận tư tưởng, cổ vũ tinh thần cho các chiến sĩ trong hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc.  "Cha đẻ" của loại hình nghệ thuật này chính là nghệ nhân Thái Đắc Hàng. Điệu Nói thơ Bạc Liêu đã được nghệ nhân chế tác vào năm 1946 tại ấp Bàu Tròn, xã Tân Hưng Đông, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Bạc Liêu (cũ). Giai đoạn đó, thể loại Hò chèo ghe Bạc Liêu tạm lắng, còn vọng cổ thì được cho là không phù hợp với thời cuộc lúc bấy giờ. Nghệ nhân Thái Đắc Hàng ôm cây đờn măng-đô-lin nắn nót biên soạn giai điệu mới lấy âm hưởng của vọng cổ và từ đó cho ra đời điệu Nói thơ điệu nghệ đặc sắc.

Nghệ sĩ Thái Thị Ánh Vân – con gái nghệ nhân Thái Đắc Hàng cho biết: "Hồi đó người ta cấm tuyệt đối không cho ca vọng cổ, Ba của cô thì là thuộc đội văn nghệ của địa phương, ông tiếc nuối lắm, rồi từ trong bài ca vọng cổ ông mới lấy cảm hứng để viết nên điệu Nói thơ Bạc Liêu này. Nhạc thì của ông, nhưng lời thơ thì của người khác sáng tác. Dựa vào lời thơ đó, ông cụ mới hòa tấu".

Người yêu nói thơ và tha thiết với loại hình dân gian này đều biết nói thơ Bạc Liêu được nghệ nhân Thái Đắc Hàng phát triển từ những điệu nói thơ đã có từ trước ở Nam bộ là nói thơ Vân Tiên - điệu nói thơ nổi tiếng bắt nguồn ở Bến Tre. Nói thơ Vân Tiên nguyên là một cách diễn xướng rất đặc trưng truyện thơ Lục Vân Tiên, dài 2.082 câu, do nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu sáng tác. Từ ấy, đối với những tác phẩm truyện thơ dân gian có nội dung xây dựng đạo lý mẫu mực, lý tưởng phấn đấu, hoặc kích động lòng yêu nước, nhân dân thường dùng lối diễn xướng này.

Theo nhà nghiên cứu Lưỡng Tinh Châu, nói thơ Vân Tiên là một loại diễn xướng đặc biệt, không phải chỉ có ngâm thơ như thường thường thấy mà là nửa ngâm, nửa nói; có đoạn, có thứ, có lớp lan. Có thể hình dung nói thơ Vân Tiên gần với hát nói, mang tính chất ngâm lợi với các lối diễn xướng có ca vần, biểu đạt một cách tự nhiên, hấp dẫn. Sau này, các vần thơ lục bát đều có thể được diễn xướng theo giai điệu này.

TS. Phạm Văn Luân - Giảng viên khoa Quản lý Văn hóa, Trường ĐH Văn hóa TP. Hồ Chí Minh, người đã dày công nghiên cứu nói thơ Nam Bộ trong nhiều năm qua chia sẻ: "Về kỹ thuật nói thơ thì theo nghệ nhân Nguyễn Thị Tiết ở TP Bến Tre thì cho rằng cái giai điệu thường bắt đầu ở cái âm khu cao của đầu điệp khúc rồi lên xuống ở giữa âm thu trung, âm thu trầm và chậm dần để đến kết thúc mỗi cái địa khúc khác với hiện tượng cưỡng âm ở Lý với cái 6 thanh điệu của tiếng Việt trong thơ. Trong nói thơ Văn Tiên đó thì bao giờ cũng được tôn trọng các cái dấu hỏi ngã nặng đều được luyến láy rõ. Lời thì nói thơ Văn Tiên nó không sử dụng cái tiếng đệm lót thì hạn hữu lắm mới thấy những tiếng như “mà” dặm vào, hoặc là cái tuyến đưa hơi như “ơ, ớ”.

Nói thơ là thể loại âm nhạc dân gian đặc sắc

Trong công trình nghiên cứu của TS. Mai Mỹ Duyên - Hội viên Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, Hội viên Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam - có đề cập: nói thơ Vân Tiên và nói thơ Bạc Liêu khác nhau rõ rệt ở ba điểm. Trước tiên, nói thơ Vân Tiên không nắm rõ tác giả là ai, chỉ biết rằng được phát triển từ quá trình truyền bá tri thức của cụ Đồ Chiểu với tác phẩm Lục Vân Tiên. Còn tác giả nói thơ Bạc Liêu là ông Thái Đắc Hàng. Thứ hai, nói thơ Bạc Liêu thì có nhạc cụ đệm mà nhạc cụ trước đây thì chủ yếu là cái đàn măng-đô-lin để cho những người đi kháng chiến, như vậy sẽ tiện hơn trong quá trình chiến đấu. Còn nói thơ Vân Tiên đơn giản hơn với cách xướng xô hào sảng không nhạc mà có người lĩnh xướng. Giải thích thêm về sự khác biệt giữa nói thơ Vân Tiên và nói thơ Bạc Liêu,

TS. Mai Mỹ Duyên chia sẻ: "Nói thơ Bạc Liêu bởi vì nó có tiếng nhạc đệm cho nên nó có những cái đoạn gọi là nhạc nó lái, nhạc đệm hơi vô. Ví dụ như bắt đầu vô là câu hồi nãy đi…

Mặt trời vàng ba bốn phía cũng vàng, bao nhiêu con sóng dợn, em yêu mến… xóm làng bấy nhiêu

thì câu đổ xuống là bắt đầu cũng giống như vô vọng cổ…

Một thương tiếng vịt kêu chiều… âm nhạc sẽ đánh chỗ này: Tằng tắng tằng…

Bâng khuâng mà nhớ mẹ…"

Riêng về nói thơ Vân Tiên, căn cứ vào thang âm, điệu thức thì nói thơ này sử dụng điệu thức nam ai, hơi ai; được diễn đạt theo nhịp điệu không buông rơi, đều đặn như hát bài chòi; không kéo dài thời gian như hò; không thôi thúc như nói vè. Nói thơ Vân Tiên điềm tĩnh, truyền đạt đến người nghe chắc rõ từng tiếng, nhịp điệu không rời rạc cùng âm điệu rung ngân đều đặn.

Đặc điểm thứ ba đó là nói thơ Vân Tiên lại có không gian thực hành rộng mở, đa dạng hơn. Men theo dòng ký ức, người ta dễ dàng bắt gặp nói thơ Vân Tiên được vang lên ở góc chợ, ở ngoài đồng ruộng, trong mùa thu hoạch hay ở cả đám cưới, đám giỗ hay thậm chí là ru con ngủ… dễ dàng được mọi người xô xướng mà không cầu kỳ, đệm nhạc. Chính vì vậy mà nói thơ Vân Tiên nhanh chóng lan tỏa khắp Lục tỉnh Nam kỳ lúc bấy giờ.

Trong ký ức của TS. Mai Mỹ Duyên còn sót lại những hồi ức đầy thương nhớ về loại hình diễn xướng dân gian này: "Trước năm 1975, lúc đó cô còn nhỏ học tiểu học được ba cô dắt về quê Bến Tre lên phà Rạch Miễu thì có những ông lão ngồi ăn xin, ngửa cái nón lá, ngồi ở góc phà để nói thơ Vân Tiên. Và ông nói thơ Vân Tiên nhưng ổng cũng đồng thời dựa vào đó ổng sáng chế ra những bài về kiểu thơ lục bát nói về đạo lý, nói về tình người, nhân tình thế thái. Ai đi ngang đó nghe thì cho ông vài đồng bạc cắc vậy đó. Sau này cô không gặp hình ảnh này nữa nhưng mà rất cảm thấy rất luyến nhớ".

Với những giá trị cần được lưu truyền, nói thơ Bạc Liêu và nói thơ Vân Tiên đã được ngành Văn hóa tỉnh Bạc Liêu và Bến Tre trình hồ sơ khoa học đề nghị Bộ VH-TT&DL đưa vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Các hoạt động bảo tồn và phát huy giá trị cũng đã, đang được chú trọng, triển khai như đưa vào giảng dạy hay chuyển thể sang tiếng nước ngoài như Trung, Nhật, Hàn để quảng bá với du khách quốc tế, để những giá trị văn hóa, nhân sinh của các thể nói thơ Nam Bộ mãi âm vang trên khắp đất trời phương Nam.

Mười phần thương đủ mười thương nhớ bông mà bí luộc dưa hường nấu canh.

Nhớ thương gởi trọn quê mình, bao nhiêu con sóng dợn trên sông nước quê mình, em trọn nghĩa bấy nhiêu.