Ám ảnh “rác âm thanh”

Có mặt ở ngã tư Bạch Mai – Thanh Nhàn– Lê Thanh Nghị (Hà Nội), xung quanh là tiếng nhạc rất to phát ra từ chiếc loa cỡ đại của một cửa hàng phụ kiện điện thoại. Cùng với đó, tiếng còi xe, tiếng động cơ từ hàng dài các phương tiện xe máy, ô tô càng khiến nơi đây vô cùng ồn ã.

Phóng viên có cuộc trò chuyện với chị Kim Anh, đang bán vé số trên vỉa hè sát với cửa hàng bán phụ kiện điện thoại tại ngã tư Lê Thanh Nghị - Bạch Mai.

PV: Chào chị, chị làm việc ở đây lâu chưa?

Lâu rồi, vì nhà chị ở khu này.

PV: Em nghe thấy tiếng nhạc từ loa ở cửa hàng kia to quá. Họ có thường xuyên bật nhạc thế này không chị?

Ngày nào cũng mở thế. Cứ bật như thế này suốt thôi. Có nghĩa là cả ngày đến đêm luôn. Lúc nào người ta nghỉ hàng người ta mới thôi.

PV: Vậy chị cảm thấy thế nào?

Ầm ĩ, mà điếc tai lắm, ầm ĩ đau cả đầu.

PV: Ngày nào em cũng đi qua ngã tư này. Em để ý là có vẻ mấy hôm trước họ bật loa nhỏ hơn, em nghĩ là họ được nhắc nhở nên rút kinh nghiệm rồi. Hôm nay lại ầm ĩ quá chị ạ.

Không phải bật nhỏ đi mà là mấy hôm trước ở nhà văn hóa người ta tổ chức biểu diễn xiếc nên người ta cũng quảng cáo thì nó át đi thôi. Chứ còn chả nhỏ lúc nào cả. Lúc nào cũng thế. Lúc nào cũng điếc tai.

PV: Thế chị có bao giờ góp ý với họ không?

Mình ngồi ngoài vỉa hè thành ra nghĩ việc ai người nấy làm nên chị cũng chả bao giờ để ý đến. Biết là điếc tai vậy thôi thì phải chịu.

PV: Chị có nghĩ đến việc nhờ sự can thiệp của chính quyền địa phương để giải quyết tình trạng này không?

Cũng không nghĩ đến việc ấy đâu em ạ. Vì thực ra là chị cũng chỉ ngồi đây mấy tiếng. Ngày trước thì chị bán cả buổi tối nhưng bây giờ thì thôi. Với cũng nghĩ việc ai người nấy làm nên chị cũng kệ. Đúng là điếc tai ầm ĩ.

PV: Vâng cảm ơn chị.

Sau đây tôi sẽ trò chuyện nhanh với một số người dân trên đường.

PV: Cháu chào bà, bà ngồi đây hóng gió nhưng cũng phải nghe tiếng loa ầm ĩ thế này. Bà thấy thế nào ạ?

Đau đầu lắm. Ra đây ngồi lâu, đau đầu lắm, phải đi về. Bà ở trong ngõ Văn Chỉ. Sống ở trong ngõ nhưng mà vẫn nghe rõ lắm. Ngồi một lúc rồi đi về thôi chứ không ngồi lâu.

PV: Vậy bà có nhờ chính quyền địa phương hay tổ dân phố nhắc nhở thì sao ạ?

Chả bao giờ góp ý. Việc của người ta, người ta mở, góp ý sao được. Mình chỉ biết thế thôi, nhức đầu thì mình đi về thôi.

PV: Vâng cháu cảm ơn bà.

Phía kia là một học sinh đang tới. Tôi sẽ hỏi thêm em ấy.

PV: Chào em, chị đang khảo sát môi trường giao thông ở đây. Em thấy tiếng loa ở đây thế nào?

Em thấy khá ồn ào, không nghe thấy gì ạ. Ngày nào em cũng đi bộ qua đây thấy lúc nào cũng mở. Rất đau tai. Đi qua đây em không tập trung được xe cộ. Chắc là lúc nào đấy sẽ có một cơ quan chức năng nào đến nhắc nhở thôi ạ.

PV: Cảm ơn em!

Cuộc trò chuyện trên phố ngày hôm nay diễn ra không dễ dàng bởi thật khó để nghe được tiếng người đối diện hay nói át được tiếng nhạc xập xình.

Thế nhưng, đa phần người dân đều chấp nhận tình cảnh bị bủa vây bởi tiếng ồn từ những chiếc loa công suất lớn ngoài vỉa hè như thế này, thậm chí không nghĩ đến việc có thể góp ý hay phản ánh với cơ quan chức năng bởi ngại va chạm. Và cũng bởi vậy mà các cửa hàng vẫn vô tư bật nhạc hết công suất gây ô nhiễm tiếng ồn ở mức báo động trong khu vực nội đô, nội thị, ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống, sinh hoạt và đi lại của người dân.

Thiết nghĩ, để xây dựng bộ mặt đô thị ngày càng văn nh, hiện đại, đồng thời bảo vệ sức khỏe người dân, đã đến lúc các cơ quan chức năng của thành phố, UBND các quận cần đẩy mạnh thanh tra, giám sát, xử lý triệt để các trường hợp sử dụng loa phóng thanh gây ô nhiễm tiếng ồn, cùng với đó, phải thường xuyên nâng cao ý thức về nếp sống văn hóa cho người dân, cho các chủ cửa hàng kinh doanh. Bên cạnh đó, người đi đường, người tiêu dùng cũng hoàn toàn có thể sử dụng quyền của mình để tẩy chay những nguồn gây ô nhiễm tiếng ồn.