Vài năm trở lại đây, ĐBSCL ghi nhận tỷ trọng xuất khẩu nông sản tăng vọt đáng kể. Ngoài gạo thì những cái tên mới nổi mang về triệu đô có thể kể đến, như: sầu riêng, củ sen, xoài tượng, thanh nhãn, khoai lang.
Điểm nổi bật là những loại nông sản này trước đây vốn xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch thì nay đã có loại được đi bằng đường chính ngạch. Muốn đi đường chính ngạch là điều không dễ, đòi hỏi nông dân phải đáp ứng được những điều kiện khắt khe.
Tuy nhiên, sản lượng vẫn chưa tương xứng với tiềm năng vốn có. ĐBSCL cần phải tăng sản lượng nông sản xuất khẩu thông qua việc xây dựng vùng nguyên liêu rộng lớn.
An Giang là địa phương đứng số 2 ĐBSCL về diện tích trồng xoài, đa dạng các loại, như: xoài keo, ba màu, cát Hòa Lộc, tượng da xanh. Xoài An Giang thơm ngon và được các cấp chính quyền địa phương xúc tiến, quảng bá, nỗ lực đàm phán trong 10 năm.
Cuối cùng, đầu năm 2024, địa phương này đã xuất 2 lô đầu tiên sang Úc, Hoa Kỳ và Hàn Quốc với tổng số lượng hàng chục tấn. Ngoài điều kiện tuân thủ tốt quy trình canh tác an toàn, đảm bảo trái xoài không nhiễm dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và hoạt chất cấm thì cái mà An Giang phải làm cho được đó là duy trì vững diện tích chuyên trồng xoài xuất khẩu.
Từ 10.000 hecta, nay diện tích trồng xoài toàn tỉnh An Giang đã nở ra 12.000 hecta. Trong đó diện tích sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP hơn 200 hecta, sản lượng khoảng 1.900 tấn/năm. Toàn tỉnh đã được cấp mã code đạt tiêu chuẩn xuất khẩu là trên 20 mã, với tổng diện tích gần 300 hecta. “Nhìn xa trông rộng”, bên cạnh duy trì vùng nguyên liệu, An Giang cũng cam kết tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhà máy chế biến, liên kết tiêu thụ xoài theo hướng bền vững, hạn chế rủi ro khi lệ thuộc vào một mình thị trường Trung Quốc.
Ông Nguyễn Đình Mười, đại diện Công ty XNK Vina T&T - đơn vị liên kết với nông dân sản xuất xoài xuất khẩu của tỉnh An Giang bày tỏ tin tưởng:
“Chúng tôi đánh giá rất là cao về trái xoài của tỉnh An Giang. Chúng tôi cũng mong muốn kết nối với An Giang mang tính bền vững, lâu dài hơn nữa trong tương lai. Chúng tôi sẽ tiếp tục kết nối với nông dân để có những hợp đồng liên kết mở rộng vùng trồng. Mỗi nước nhập khẩu đều có những rào cản kỹ thuật khác nhau, chúng tôi phải tuân thủ rào cản của họ. Cho nên, khi bà con nông dân tham ra chương trình này cần phải tuân thủ kỹ thuật. Hiện nay, chúng tôi cũng đang có định hướng mở rộng thêm thị trường, tiếp tục đưa trái xoài sang nhiều nước hơn”.
Còn Đồng Tháp thì chọn sen làm ngành hàng thực hiện Đề án Tái cơ cấu nông nghiệp. Ngày 7/5 vừa qua, Tháp Mười xuất khẩu lô củ sen cấp đông chính ngạch sang thị trường Nhật Bản với số lượng 15 tấn, giá trị đơn hàng gần 1 tỷ đồng. Dự kiến trong năm 2024, sẽ có khoảng 8 container với giá trị đơn hàng gần 7 tỷ đồng sẽ được xuất khẩu cho các đối tác tại Nhật Bản. Nhu cầu từ thị trường đối với sản phẩm củ sen vẫn còn rất lớn mà theo doanh nghiệp đánh là 2 - 3 triệu tấn /năm.
Ngoài ra, các sản phẩm được chế biến từ hạt sen, như: hạt sen đóng hộp, hạt sen đông lạnh, hạt sen sấy... cũng được xuất khẩu mạnh sang các thị trường Singapore, Đài Loan, Hà Lan. Từ nhu cầu này, vùng nguyên liệu 1.800 hecta đang được Đồng Tháp ứng dụng giống sen chuyên biệt phục vụ cho các nhu cầu khác nhau, như: Hoa trang trí, lấy hạt, lấy ngó, lấy lá, sản phẩm cao cấp, chiết suất từ sen. Các mô hình đều được trồng gắn với truy xuất nguồn gốc sản phẩm cấp mã số vùng.
Ông Nguyễn Phước Thiện - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết: “Trước đây có vài loại sen nhưng ta làm rất nhiều thứ nhưng có những loài sen không phù hợp với sản phẩm đầu ra. Tới đây, chúng tôi sẽ làm bộ sưu tập các loại sen và rà soát, đánh giá những vùng nào có thể tích hợp với sen hoặc liên kết với hợp tác xã, doanh nghiệp theo nhu cầu hoặc là hình mẫu sau đó sẽ nhân rộng, phát triển sen”.
Câu chuyện xuất khẩu nông sản của từng địa phương luôn chứa đựng nhiều bước thủ tục và nỗ lực mời gọi đầu tư. Điều này cho thấy, không dễ dàng để nông sản sân nhà bước chân vào thị trường khó tính. Đã xuất khẩu một lần cũng không đồng nghĩa với tính bền vững lâu dài. Mà gốc rễ chính là vùng nguyên liệu ổn định và chất lượng để đủ cung ứng cho thị trường khắt khe.
Theo Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT), xuất khẩu nông sản vùng ĐBSCL chiếm tỷ lệ 70% sản lượng nông sản xuất khẩu cả nước. Tuy nhiên, ở khu vực này cũng đang bộc lộ rõ những hạn chế khi diện tích canh tác manh mún, nhỏ lẻ, nhất là đối với diện tích cây ăn trái.
Ông Lê Thanh Tùng, Phó Cục trưởng Cục trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, việc tập trung phát triển thành vùng chuyên canh, xây dựng mã số vùng trồng chính là việc mà bộ, ngành và địa phương phương đang nỗ lực thực hiện để hình thành vùng nguyên liệu, đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu:
“Ở đây chúng ta có nhiều nông hộ tham gia hợp tác xã, rồi hợp tác xã liên kết với doanh nghiệp, có những hợp tác xã người ta xuất khẩu trực tiếp luôn cũng là cách mà phát triển cây ăn trái ở phía Nam. Việc liên kết phải giữ được chất lượng theo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm và thâm canh vừa phải là một xu hướng hiện đại và nó sẽ phát triển được sản phẩm ở trong nước cũng như là xuất khẩu”.
Bên cạnh đó, liên kết giữa người dân với HTX và doanh nghiệp chưa nhiều, một số nơi chưa đủ độ tin cậy nên khó khăn trong xây dựng vùng nguyên liệu để xuất khẩu. Điều này có thể dẫn chứng ở mùa sầu riên 2024, thị trường ĐBSCL chứng kiến tình trạng “tranh mua – tranh bán”, thương lái thu mua trái non, xử lý hóa chất để chín trái, sau đó đem đi tiêu thụ.
Nhà vườn chạy theo lợi nhuận, tranh thủ lúc hàng khan hiếm, ép vựa mua trái non. Kết quả là nhiều lô hàng xuất khẩu bị trả về do kém chất lượng. Ngoài ra, trong quá trình mua bán, gian thương xuất hiện làm nhiễu loạn thị thường bằng cách tự đẩy giá tăng cao rồi làm hợp đồng viết tay với nông dân. Khi đến ngày thu hoạch, thương lái sẽ cắt trái khoảng 5% diện tích, sau đó chèn ép nông dân để hạ giá từ 20 đến 30%, nếu người dân không bán thì thương lái bỏ vườn.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết sẽ sớm tham mưu Chính phủ những chế tài quản lý khâu xuất khẩu: “Cần nâng cao nhận thức, tư duy sản xuất với những cách làm ăn đàng hoàng chân chính, bảo đảm lợi ích được chia sẻ giữa người dân và doanh nghiệp. Khi lợi ích hài hòa sự liên kết mới chắc chắn hơn, không như hiện nay chưa có những chế tài cụ thể để xử lý. Bộ NN&PTNT sẽ đề xuất, tham mưu Chính phủ lồng ghép vào những cụm văn bản quy phạm pháp luật để hạn chế những tình trạng vi phạm trong thời gian tới”.
Cuối cùng, khâu then chốt trong việc duy trì và mở rộng vùng nguyên liệu vẫn là nông dân. Theo khuyến cáo của ngành chuyên môn các địa phương, nông dân không nên phá bỏ các cây trồng khác để mở rộng thêm diện tích các loại cây “nóng” theo xu thế thị trường mà nên tập trung đầu tư sản xuất nâng cao sản lượng trái.
Bên cạnh đó, địa phương phải giải quyết được đầu ra nông sản cho nông dân. Nhiều năm qua, câu chuyện ùn tắc nông sản tại các cửa khẩu, được mất mùa được giá, trồng rồi chặt… vẫn chưa bao giờ nguội, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến phát triển bền vững của nhiều ngành hàng. Quy hoạch vùng nguyên liệu đạt chuẩn xuất khẩu, sản xuất theo tín hiệu thị trường là việc cần làm sớm để tạo dựng con đường nông sản chính ngạch.