Trong báo cáo mới công bố, HSBC đánh giá Việt Nam đã trở thành một cứ điểm sản xuất lớn và hội nhập sâu rộng vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Xuất khẩu đã tăng bình quân hơn 13% mỗi năm từ năm 2007 đến nay, chiếm lĩnh chủ yếu là các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).
Dù Việt Nam có nhiều lợi thế thu hút vốn FDI, tuy nhiên cần khắc phục thêm các yếu tố về công nghệ, cơ sở hạ tầng trong những năm tới.
HSBC cũng dự báo tốc độ tăng lạm phát sẽ xuống thấp đáng kể trong nửa cuối năm 2024, kéo lạm phát bình quân nằm trong khoảng 3,6% cho cả năm 2024.
Trong khi tăng trưởng GDP cả năm 2024 dự báo ở mức 6,5% - mức nhanh nhất trong ASEAN.
Tương tự, là những diễn biến tích cực từ mặt bằng tỷ giá: Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, đã có lúc VND mất giá gần 5% so với USD, nhưng đến đầu tháng 8 này chỉ còn là 3,85%.
Đây là kết quả do đồng USD đã yếu đi và hiệu quả từ việc Ngân hàng Nhà nước sử dụng dự trữ ngoại hối.
Với các DN xuất khẩu có thể giảm nguồn thu, nhưng sự hạ nhiệt của tỷ giá đã giúp gia tăng sản xuất trong nước và góp phần kiểm soát lạm phát.
Nhắc tới đà giảm, thì mặt bằng lãi suất được dự báo sẽ tiếp tục giảm để khuyến khích vay mua nhà ở xã hội:
Cụ thể, NHNN đã có tờ trình Chính Phủ đề xuất mở rộng quy mô gói 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội lên 140.000 tỷ đồng. Lãi suất cho vay người mua nhà giảm 1-3%.
Ngoài ra, theo quy định, người mua nhà sẽ được vay ưu đãi trong 5 năm. Nhưng NHNN sẽ đề nghị các NHTM tiếp tục hỗ trợ vay trong thời gian dài hơn, giúp người vay yên tâm trả nợ.
Cũng liên quan đến lĩnh vực BĐS: Ghi nhận tại TPHCM, đa số hồ sơ xin chuyển mục đích sử dụng đất của người dân nộp từ ngày 1/8 (thời điểm Luật Đất đai 2024 có hiệu lực) đến nay đang bị kẹt ở khâu đóng tiền thuế.
Các cơ quan thuế của thành phố vẫn tiếp nhận hồ sơ nhưng chưa thể tính tiền sử dụng đất phải nộp vì đang chờ hướng dẫn cách tính thuế mới.
Đại diện Cục thuế TP HCM, cho biết hiện cơ quan này vẫn tiếp nhận hồ sơ phát sinh sau 1/8 nhưng để xử lý vẫn đang xin ý kiến của UBND thành phố về việc xác định giá đất, sau khi có Nghị định mới về đất đai.
Với thị trường giao dịch hàng hóa, đóng cửa ngày 8/8, thị trường hàng hoá nguyên liệu diễn biến phân hoá. Tuy nhiên, lực mua mạnh trên thị trường kim loại và năng lượng đã giúp chỉ số MXV-Index tăng 0,16% lên 2.100 điểm.
Đi ngược với xu hướng chung của thị trường, sắc đỏ phủ kín bảng giá các mặt hàng nông sản niêm yết trên Sở Chicago. Giá đậu tương nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp sau khi giảm hơn 1%, xuống 370,47 USD/tấn.
Triển vọng thương mại tích cực từ Brazil là yếu tố đã thúc đẩy lực bán trên thị trường trong phiên hôm qua. Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Ngũ cốc Brazil đã nâng dự báo lượng đậu tương được vận chuyển ra thị trường quốc tế trong tháng 8 từ nước này lên 7,84 triệu tấn, tăng nhẹ so với mức 7,57 triệu tấn cùng kỳ năm ngoái. Nếu con số này được xác nhận, điều này sẽ giúp nguồn cung trên thị trường nới lỏng hơn.
Thị trường chứng khoán
Với TTCK Mỹ, Các chỉ số cổ phiếu Mỹ khởi sắc trở lại, Nasdaq +2,86%; S&P 500 +2,3% và DJIA +1,76%.
Còn ở trong nước, VNIndex vẫn đang giao dịch bên dưới đường trung bình EMA 200 tại 1.220,53. Các chỉ báo kỹ thuật RSI và ADX duy trì trạng thái yếu.
Theo SSI Reseach, chỉ số VNIndex sẽ tiếp tục điều chỉnh ngắn hạn với biên độ dao động trong vùng 1.197 - 1.211.