Các công nghệ như: chiếu xạ thực phẩm, kiểm dịch quả tươi xuất khẩu; tạo, chọn giống đột biến phóng xạ; Khử trùng y tế, sản xuất dược chất phóng xạ phục vụ chẩn đoán ung thư.
Kể từ khi thành lập từ 1986, trải qua hơn 36 năm, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội không ngừng lớn mạnh và trở thành một trong những cơ sở hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ bức xạ, tạo tiền đề phát triển ngành công nghiệp chiếu xạ ở Việt Nam.
Ông Đặng Quang Thiệu, Giám đốc Trung tâm Chiếu xạ Hà Nội, cho biết, một trong những ứng dụng thực tiễn chính của đơn vị là chiếu xạ thực phẩm và hoa quả, xử lý kiểm dịch, kéo dài thời gian bảo quản, tiêu diệt các vi sinh vật gây bệnh, phục vụ các yêu cầu khắt khe khi hàng hóa được đưa đi xuất khẩu tới các thị trường “khó tính”.
Với việc chiếu xạ tại Hà Nội (công suất tối đa có thể lên tới 20-30 tấn vải,nhãn/ngày), các doanh nghiệp xuất khẩu tại khu vực phía Bắc sẽ tiết kiệm được từ 15-16 triệu đồng/tấn do rút ngắn được thời gian, giảm được chi phí vận chuyển vào các trung tâm phía Nam để chiếu xạ.
Dây chuyền chiếu xạ gamma tại Trung tâm chiếu xạ Hà Nội cũng có thể ứng dụng thanh tiệt trùng phế thải (rơm rạ, bã mía, bùn than) làm cơ chất trồng nấm ăn hoặc sản xuất phân bón sinh học; tiệt trùng dụng cụ, vật phẩm y tế như bông băng, bơm kim tiêm, chỉ khâu, gang tay, mặt nạ, trang phục phẫu thuật; bảo quản sản phẩm phi thực phẩm như đông nam dược, thực phẩm chức năng và nguyên liệu thô.
Ông Nguyễn Quang Anh, Trưởng phòng Hóa phóng xạ, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội chia sẻ, đơn vị còn đang sở hữu Thiết bị gia tốc Cyclotron 13 MeV và hệ tổng hợp dược chất phóng xạ FDG để nghiên cứu đồng vị 18F phục vụ chẩn đoán hình ảnh y tế, trong đó có chẩn đoán ung thư. Hiện ở Hà Nội, chỉ có 3 đơn vị có thể sản xuất được dược chất phóng xạ này (chỉ dùng trong vòng 2 tiếng đồng hồ sau khi sản xuất).
Đây là những thiết bị đắt tiền và hiện đại. Dù được chuyển giao cho Trung tâm gần 10 năm, các nhà khoa học vẫn đang tiếp tục nghiên cứu, làm chủ, nội địa hóa công nghệ. Theo ông Nguyễn Quang Anh, hướng nghiên cứu của Trung tâm chiếu xạ Hà Nội đang theo đuổi cũng là xu hướng của thế giới là sản xuất các sản phẩm “2 trong 1” vừa chẩn đoán vừa điều trị.
Trao đổi với phóng viên, Tiến sĩ Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) cho biết, bên cạnh các dược chất phóng xạ có thể dùng được ngay, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội cũng đang nghiên cứu các sản phẩm mới khác, ngày càng đáp ứng được nhiều nhu cầu của xã hội.
Để hiện thực hóa các công trình khoa học cấp Bộ đang triển khai dựa trên các thiết bị hiện đại tại Trung tâm, Tiến sĩ Trần Chí Thành cho rằng, cần sự phối hợp, đồng thuận giữa các bộ, ngành với nhau, để đẩy nhanh các thủ tục giấy phép, quy trình lâm sàng, thử nghiệm, đảm bảo an toàn khi đưa dược chất phóng xạ vào người bệnh.
Được biết, dược chất phóng xạ FDG 18 do Trung tâm chiếu xạ Hà Nội nghiên cứu đã được Bộ Y tế cấp phép lưu hành để chẩn đoán ung thư. Nhưng có một vướng mắc là quy trình mua nguyên vật liệu để sản xuất sản phẩm này đang gặp khó khăn và có thể mất nhiều thời gian để sản phẩm đến tay các bệnh viện và bệnh nhân.
Tại Việt Nam, mỗi năm phát hiện thêm 180 nghìn bệnh nhân ung thư, đa số ở giai đoạn muộn. Nếu ứng dụng dược phẩm phóng xạ có thể chẩn đoán và phát hiện sớm, xác suất chữa được bệnh sẽ rất cao (hiện ở Việt Nam chỉ khoảng 30-40%, thấp hơn so với thế giới là 60-70%). Khi có nhiều đơn vị cung ứng sản phẩm này, có thể hạ giá thành cho người bệnh (BHYT chưa chi trả), đáp ứng tốt được nhu cầu lớn của xã hội.
Theo Tiến sĩ Trần Chí Thành, Trung tâm chiếu xạ Hà Nội sẽ tiếp tục phát triển các chương trình hợp tác hợp tác trong và ngoài nước gồm hợp tác vùng về chiếu xạ thực phẩm, hợp tác song phương về công nghệ bức xạ với các viện nghiên cứu chuyên ngành của Hàn Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ, cũng như tiếp tục đẩy mạnh việc triển khai ứng dụng công nghệ bức xạ, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Việt Nam.