Tin trong nước và quốc tế
# Trả lời tại hội trường Quốc hội trong phiên chất vấn hôm nay, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định đến nay không ghi nhận trường hợp sở hữu chéo trong lĩnh vực ngân hàng trên hồ sơ, sổ sách.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng đề nghị NHNN tăng thanh, kiểm tra; các ngân hàng cần nâng cao năng lực hệ thống kiểm soát nội bộ, để tự phát hiện sai phạm trong việc sở hữu chéo cổ phần.
# Dự kiến DN dệt may tiếp tục gặp khó khăn trong quý 2 khi lượng tồn kho cao tại các thị trường trọng điểm khó có thể giải quyết được hết dẫn đến khả năng phục hồi đơn hàng thấp.
Khả quan hơn là 5 tháng qua, XK gạo đạt 2 tỷ USD, tăng 49% so với cùng kỳ năm ngoái, mức tăng trưởng cao nhất cùng kỳ 10 năm.
# Liên quan đến thị trường BĐS, tại kỳ họp đang diễn ra, các Đại biểu Quốc hội đề xuất, cần thành lập quỹ NƠXH để các DN đóng góp, từ đó phát triển nhà ở xã hội cho người lao động.
Còn theo dự báo của Hội Môi giới BĐS, nếu thị trường tiếp tục khó khăn, chỉ có khoảng 23% DN BĐS không thể duy trì hoạt động đến hết quý III và chỉ khoảng 43% DN trụ được đến hết năm nay.
# Thị trường các mặt hàng máy phát điện, quạt tích điện đang “nóng” theo thời tiết, tại nhiều cửa hàng khách mua tăng gấp 3-4 lần, lượng hàng có nơi không đủ đáp ứng.
Không chỉ vậy, mặt hàng thực phẩm ăn uống, nước giải khát có tác dụng giải nhiệt cũng được tiêu thụ mạnh. Đáng nói có những mặt hàng giá tăng cao gấp đôi ngày thường nhưng vẫn hút khách.
# Nga dự kiến GDP tăng 1% trong năm nay, cùng với đó, thu nhập thực tế của người dân nước này cũng dự kiến tăng.
Còn Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) vừa cảnh báo áp lực giá cả ở khu vực Eurozone vẫn ở mức cao, do sức mua của người tiêu dùng tăng trở lại sau một thời gian suy giảm vì lạm phát.
# Theo Reuters, một loạt chỉ số kinh tế của Trung Quốc yếu cho thấy triển vọng nhu cầu nhập khẩu các mặt hàng chính của nước này có thể giảm sút trong thời gian tới.
Còn tại Hồng Kông, các tòa nhà văn phòng đang ế ẩm kỷ lục khi có tới 1,2km2 diện tích bị bỏ trống, bởi các nghiệp phương Tây giảm thuê.
Triển vọng lạm phát, tỷ giá và GDP quý 2 nhìn từ số liệu vĩ mô tháng 5 (Phần 2)
Chuyển động thị trường hôm qua đã phác hoạ bức tranh kinh tế 5 tháng đầu năm qua những phân tích số liệu vĩ mô. Chính phủ đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy tăng trưởng bằng các chính sách tài khoá và tiền tệ. Nhưng khi nào các chính sách mới thẩm thấu được vào thực tiễn và đâu là động lực tăng trưởng cho quý 2?
Doanh nghiệp là lực lượng đóng góp lớn nhất vào GDP. Thời gian qua cộng đồng doanh nghiệp trong nước đã bị tác động mạnh tiêu cực bởi bối cảnh kinh tế quốc tế. Chính phủ cũng đã sớm có những giải pháp hỗ trợ trực tiếp, ví dụ như là giãn, hoãn thuế phí hay là giảm lãi suất ngân hàng.
Bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp và phổ biến thông tin thống kê cho biết thêm: "Trong bối cảnh rất khó khăn, thể hiện đây là kết quả rất nỗ lực của Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương để đẩy mạnh vốn đầu tư công để nhằm tạo động lực cho tăng trưởng năm nay, và cũng rất nhiều lần đã giảm lãi suất ngân hàng trong khi các nước cũng còn đang là thắt chặt chính sách tiền tệ".
Theo các chuyên gia, các chính sách của Chính phủ là những yếu tố đầu vào tích cực. Còn để thẩm thấu thực sự vào đời sống và cộng đồng doanh nghiệp thì cần phải có thời gian. Bởi thực tế những vấn đề không có đơn hàng, cắt giảm nhân công lao động, cắt giảm giờ làm,… đang là thực tiễn của các doanh nghiệp sản xuất.
Do đó, ông Nguyễn Minh Tuấn, CEO AFA Capital nhận định: "Tôi nghĩ những biện pháp ngắn hạn như chính sách tiền tệ hay tài khoá cũng không thể một sớm một chiều xử lý được vấn đề này. Tại vì nhu cầu của thế giới là 1 phần rất quan trọng và thứ 2 là sản xuất xanh, nếu không có cách tiếp cận đúng đắn dài hơi và có hệ thống thì rất khó để thu hút lại nguồn vốn để tập trung vào sản xuất ở Việt Nam".
Còn theo ông Trần Ngọc Báu, CEO Wigroup, để thẩm thấu được các chính sách như giảm lãi suất, giảm thuế VAT phải từ 6-9 tháng mới rõ nét trong nền kinh tế. Tuy nhiên, nếu nhìn tích cực thì giải ngân đầu tư công sẽ tập trung vào những tháng cuối năm, và sự đồng pha trong tăng trưởng đầu tư công và chính sách phát triển đầu tư công đã tốt hơn giai đoạn 10 năm trước rất nhiều:
Ông Trần Ngọc Báu chia sẻ: "Quý 1 chúng ta đạt mức 3,8 mấy %. Nhưng quý 2 này với số liệu nhả về từ khu vực sản xuất, tiêu dùng trong hai tháng đầu quý và nhìn viễn cảnh tháng 6 này thì đâu đó chúng ta có thể cảm nhận quý 2 này tăng trưởng thực tế không khả quan, có thể dưới 5%. Cả năm nay để đạt được GDP 6% thì hai quý cuối năm phải đạt tăng trưởng trên 7% thì đây là sự thách thức rất lớn. Bởi vì mục tiêu của chúng ta là GDP 6,5%".
Do đó, theo đại biểu Quốc hội Đoàn TP.HCM Trần Hoàng Ngân, các thành viên Chính phủ làm việc với các địa phương để kịp thời tháo gỡ những vướng mắc khó khăn trong giải ngân vốn đầu tư công: "Ba động lực tăng trưởng hay người ta gọi là cỗ xe tam mã, thì chúng ta chỉ còn một cỗ xe thứ ba, đó là cỗ xe về đầu tư và chỉ có đầu tư công thì mới có thể thúc đẩy được quá trình tăng trưởng, cũng như giải quyết được việc làm, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, đảm bảo được hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ".
Về lĩnh vực XNK, bên cạnh những mặt tích cực về ổn định vĩ mô, tăng dự trữ ngoại hối thì việc xuất siêu gần 10 tỷ USD từ đầu năm cũng cho thấy những khó khăn trong hoạt động sản xuất khi có tới 90% lượng hàng hoá NK là nguyên liệu đầu vào cho sản xuất.
Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục XNK, Bộ Công Thương nhận định: "Chính các doanh nghiệp Việt cần nhanh chóng khẩn trương nhìn nhận vấn đề này và có sự thay đổi trong 1-2 năm tới, càng ngắn càng tốt, để chúng ta bắt kịp xu hướng, thì qua đó chúng ta mới có thể hy vọng là chúng ta giành lại được đơn hàng sau khi khủng hoảng đi qua".
Đầu tư công vẫn là động lực tăng trưởng lớn nhất. Tuy nhiên, cũng phải thấy rõ, nếu các động lực không được triển khai đúng kỳ vọng, hệ lụy sẽ rất khó lường với nền kinh tế. Dòng tiền tiếp tục bị kẹt lại ngân hàng, vốn không đến đúng nơi cần, doanh nghiệp tiếp tục co cụm cầm chừng, người dân thiếu việc làm, giảm thu nhập và hạn chế chi tiêu… Và rất khó để đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6,5% do Quốc hội đặt ra từ đầu năm.
Thông tin chứng khoán
# Chỉ số VN-Index giảm hơn 8 điểm, tương đương 0,74%, xuống 1.101,32 điểm.
# Đáng chú ý, phiên hôm nay ghi nhận cổ phiếu giảm mạnh ở các nhóm ngành: ngân hàng, chứng khoán, BĐS. Nhóm sản xuất phân hóa đều hơn nhưng sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế.
# Theo SSI Reseach, thanh khoản khớp lệnh ở mức rất cao với 1,2 tỷ cổ phiếu, tương đương giá trị khớp lệnh 21.111 tỷ đồng.