Chia sẻ tại toạ đàm Phát triển thương hiệu Việt Nam tại thị trường Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) diễn ra ngày 27/9, ông Ngô Chung Khanh, Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, sau hơn 4 năm có hiệu lực, CPTPP góp phần đem lại tăng trưởng xuất khẩu ấn tượng cho Việt Nam, là động lực mở đường cho hàng hóa Việt Nam sang các thị trường tiềm năng và mới mẻ.
Đáng chú ý, xuất khẩu hàng Việt sang thị trường Canada, Mexico có tăng trưởng ấn tượng tới 2 con số kể cả giai đoạn dịch COVID-19. Riêng thị trường Peru có năm tăng trưởng lên đến 3 con số.
Tuy nhiên, dù gia tăng về số lượng và giá trị xuất khẩu, hàng hóa gắn thương hiệu Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn khá khiêm tốn. Nhiều sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài.
Để khắc phục hạn chế, từng bước xây dựng thương hiệu hàng Việt tại thị trường CPTPP, ông Ngô Chung Khanh nhấn mạnh, việc xây dựng thương hiệu không phải cần có ngay tiềm lực mà quan trọng phải có sự sẵn sàng, tư duy, chiến lược, sự kết nối…
"Các doanh nghiệp nên phát triển theo hướng vừa sản xuất theo đơn hàng, thương hiệu của đối tác, vừa xây dựng thương hiệu riêng của mình", ông Ngô Chung Khanh nhận định.
Còn theo bà Trịnh Huyền Mai, Phó Trưởng phòng Chính sách xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương, hiện nay, các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hình thức xuất khẩu thông qua chuỗi cung ứng gia công xuất khẩu hoặc xuất khẩu ở dạng là nguyên thô, nguyên liệu để làm đầu vào cho các nhà sản xuất, nhà chế biến ở nước ngoài.
Doanh nghiệp Việt thường mua về, chế biến lại, bao bì đóng gói và xuất khẩu bằng thương hiệu của họ. Bởi vậy nên giá trị gia tăng cũng như thương hiệu riêng của Việt Nam còn rất khiêm tốn. Sản phẩm hàng hóa Việt Nam xuất khẩu sang thị trường CPTPP vẫn còn mang thương hiệu nước ngoài.
Bà Mai cho rằng, các doanh nghiệp nên chủ động gia tăng giá trị sản phẩm thông qua việc cải tiến thường xuyên chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa sản phẩm cho phù hợp với thị trường đích.
Bên cạnh đó, doanh nghiệp cần chủ động tìm hiểu và tích cực tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại do các bộ, ngành, hiệp hội triển khai và tận dụng được uy tín của thương hiệu quốc gia, thương hiệu ngành hàng, chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu tập thể của Việt Nam khi thâm nhập các thị trường mới.
Ngoài việc đầu tư về chiến lược thương hiệu thật bài bản, các kế hoạch truyền thông định kỳ, theo bà Trịnh Huyền Mai, doanh nghiệp cũng cần quan tâm đến việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm thương hiệu sản phẩm của mình ở thị trường nước ngoài.
Nhìn nhận ở góc độ doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Huyền, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu Quế Hồi Việt Nam (Vinasamex) chia sẻ, tại Hoa Kỳ và Canada, nếu như mọi người vào Amazon sẽ thấy rất nhiều các thương hiệu trà nổi tiếng Davidson, Teeccino… đều là khách hàng của Vinasamex.
Từ những bước ban đầu, Vinasamex đã quyết định xây dựng thêm hai thương hiệu nhỏ là Spice fest và Cinna kitchen với mục tiêu riêng. Với Spicefest, Vinasamex mong muốn sẽ mang tất cả những gia vị của Việt Nam đến từng căn bếp của người dân Hoa Kỳ để khi sử dụng những gia vị này, người ta sẽ luôn cảm thấy hạnh phúc và vui vẻ. Giống như trong nhà đang có lễ hội (Spice festival là lễ hội gia vị).
"Trong quá trình từng bước định vị và phát triển thương hiệu như vậy, Vinasamex cũng gặp rất nhiều khó khăn để đưa được sản phẩm vào các kệ siêu thị hay đưa lên sàn Amazon. Vinasamex đã nhận được sự hỗ trợ từ Cục Xúc tiến thương mại để doanh nghiệp có được một gian hàng trên Amazon. Điều này đòi hỏi sự kiên trì của doanh nghiệp", bà Huyền chia sẻ.