Đồng USD phục hồi gây áp lực lên giá kim loại
Thị trường kim loại rực đỏ trong ngày hôm qua khi hầu hết các mặt hàng kim loại đều giảm giá từ 1- 2%. Đối với kim loại quý, đồng USD mạnh lên đã gây áp lực lên giá bạc và giá bạch kim. Đóng cửa, giá bạch kim quay đầu giảm 2,01% trong khi giá bạc suy yếu 1,65%, chấm dứt chuỗi tăng 5 phiên liên tiếp.
Ngày 22/8, tại Hội nghị kinh tế Jackson Hole, các nhà hoạch định chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã đưa ra quan điểm ủng hộ việc cắt giảm lãi suất vào tháng tới, với lý do áp lực lạm phát Mỹ hiện đã hạ nhiệt mạnh mẽ và thị trường lao động đang yếu đi. Tuy nhiên, có một số quan chức lại ủng hộ cách tiếp cận thận trọng và chậm rãi, đi ngược với kỳ vọng của thị trường.
Điều này đã làm giảm bớt niềm tin trên thị trường về việc FED sẽ hạ lãi suất vào tháng tới, kết hợp với dữ liệu PMI dịch vụ tích cực hơn dự báo, đồng USD đã được kéo phục hồi trở lại trong phiên hôm qua. Chỉ số Dollar Index phục hồi từ mức đáy 8 tháng với mức tăng 0,46% lên 101,51 điểm, kết thúc chuỗi 5 phiên liên tiếp giảm điểm.
Đối với kim loại cơ bản, đồng USD tăng giá cũng là yếu tố gây sức ép lên giá các mặt hàng trong nhóm. Tuy vậy, giá kẽm LME lại đi ngược chiều cả nhóm khi tăng 0,26% lên 2.858 USD/tấn, do tình trạng dư thừa nguồn cung trên thị trường đã thu hẹp đáng kể.
Cụ thể, theo báo cáo cung - cầu tháng 8 của Nhóm nghiên cứu Chì và Kẽm Quốc tế (ILZSG), thặng dư thị trường kẽm toàn cầu đã giảm xuống còn 8.700 tấn vào tháng 6, giảm từ mức dư thừa 44.000 tấn được điều chỉnh tăng của tháng 5. Trong 6 tháng đầu năm nay, thị trường kẽm toàn cầu dư 228.000 tấn, giảm mạnh so với mức 452.000 tấn cùng kỳ năm ngoái.
Ngoài ra, rủi ro nguồn cung gián đoạn tại Trung Quốc, nơi cung cấp hơn một nửa lượng kẽm tinh chế cho thế giới, cũng giúp thúc đẩy lực mua kẽm trên thị trường. Theo Bloomberg, các nhà máy luyện kẽm của nước này đang thảo luận về kế hoạch cắt giảm sản lượng do tình trạng khan hiếm nguồn cung quặng. Theo đó, sản lượng kẽm của nước này dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong tháng này sau khi giảm xuống mức thấp nhất một năm vào tháng 7.
Giá đậu tương lao dốc hơn 2% do triển vọng mùa vụ bội thu của Mỹ
Giá đậu tương hợp đồng tháng 11 quay đầu lao dốc hơn 2% trong phiên giao dịch ngày 22/8, kết thúc chuỗi ba phiên khởi sắc liên tiếp trước. Mặc dù hoạt động xuất khẩu của Mỹ vẫn đang gặt hái kết quả tích cực, nhưng triển vọng về một vụ mùa bội thu trong năm nay đã khiến phe bán áp đảo hoàn toàn.
Cuộc khảo sát mùa vụ Crop Tour 2024 tại Midwest - vùng trồng đậu tương trọng điểm của Mỹ đã kết thúc ngày thứ ba với kết quả khả quan. Cụ thể, số lượng quả đậu tương trên diện tích 3x3 foot vuông tại Illinois đạt trung bình 1.419, cao hơn mức 1.270 của năm ngoái và 1.266 trung bình ba năm. Ngoài ra, số lượng quả đậu tương trên diện tích 3x3 foot vuông tại nhiều khu vực của bang Iowa hầu như đều cao hơn số liệu năm ngoái và mức trung bình 3 năm. Đây là hai bang sản xuất đậu tương lớn nhất của Mỹ, do đó kết quả trên mở ra triển vọng tích cực về nguồn cung hạt có dầu năm nay từ nước này, và đã gây áp lực lớn lên giá.
Thêm vào đó, trong Báo cáo bán hàng hàng ngày (Daily Export Sales) hôm qua, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) cho biết các nhà xuất khẩu đã bán đơn hàng 198.000 tấn đậu tương niên vụ 2024-2025 cho Trung Quốc. Đây cũng là phiên thứ tư liên tiếp xuất hiện các đơn hàng đậu tương khối lượng lớn được bán cho quốc gia châu Á này. Bên cạnh đó theo dữ liệu từ Báo cáo bán hàng xuất khẩu (Export Sales) hôm qua, Mỹ đã bán 1,68 triệu tấn đậu tương niên vụ 2024-2025 trong tuần kết thúc ngày 15/8, tăng 25% so với một tuần trước đó và vượt ngoài khoảng dự đoán của thị trường. Những số liệu này cho thấy nhu cầu đối với đậu tương Mỹ đang tăng cao, phần nào đã thu hẹp đà giảm của giá.
Sắc đỏ cũng bao trùm bảng giá hai mặt hàng thành phẩm của đậu tương trong phiên hôm qua. Giá khô đậu tương hợp đồng tháng 12 giảm 1,49% về mốc 335 USD/tấn. Trong khi đó, giá dầu đậu tương hợp đồng tháng 12 kết thúc chuỗi 4 phiên tăng liên tiếp trước đó với mức giảm 1,52%.