Thị trường hàng hóa hình thành xu hướng giảm giá trong nửa đầu tháng 7

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), chỉ trong vòng ba tuần đầu tháng 7, thị trường hàng hóa đã ghi nhận nhiều phiên biến động mạnh với các đợt điều chỉnh tăng, giảm, đi ngang đan xen. Tuy nhiên nhìn chung, xu hướng giảm giá đã hình thành rõ ràng trong giai đoạn nửa đầu tháng 7.

 

Đóng cửa tuần giao dịch 15-21/7, chỉ số MXV-Index đã quay về mức thấp nhất kể từ đầu tháng 3/2024, xuống 2.170 điểm sau khi giảm 4,01% so với tuần trước. Đồng thời, so với thời điểm đầu tháng, chỉ số giá này sụt giảm 4,19%. Đáng chú ý là thị trường kim loại. Chỉ số MXV-Index kim loại đã nối dài đà giảm suốt một tuần qua.


Đóng cửa tuần (21/7), chỉ số giá hàng hoá này thấp hơn gần 6% so với tuần trước và gần 4% so với đầu tháng. Trong đó, nổi bật là nhóm kim loại quý, giá bạc đã giảm gần 6% so với tuần trước về 29,2 USD/ounce, mức thấp nhất ba tuần gần đây. Đồng thời, giá bạch kim giảm 3,89% xuống 973,9 USD/ounce, thấp nhất một tháng.

MXV cho biết, nguyên nhân chính tạo sức ép lên thị trường kim loại quý đến từ hoạt động chốt lời tại vùng giá cao của giới đầu tư, cũng như sự mạnh lên của đồng USD. 

Đánh giá xu hướng giá hàng hóa trong tuần qua, ông Dương Đức Quang - Phó Tổng giám đốc MXV cho biết: "Thị trường hàng hóa ba tuần đầu tháng 7 vừa đi qua nhịp điều chỉnh giảm sau một giai đoạn tăng nóng trước đó. Tuy nhiên, tôi cho rằng xu hướng giá trong tuần cuối tháng 7 sẽ vẫn chịu sức ép theo chuyển động cung cầu của thị trường. Bên cạnh đó, những biến số về tăng trưởng kinh tế tại một số cường quốc trên thế giới, hay sức nóng địa chính trị và sự thay đổi thời tiết cũng là những yếu tố tác động mạnh mẽ lên diễn biến thị trường trong thời gian tới".

Thị trường nguyên liệu công nghiệp cũng thu hút nhiều chú ý từ giới phân tích và đầu tư khi nhiều mặt hàng chủ chốt chịu áp lực bán mạnh, kéo chỉ số MXV-Index nhóm hàng này xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng với mức giảm 4,89%. Sau 2 tuần tăng liên tiếp, giá ca cao giảm 7,6%, khi nguồn cung có dấu hiệu cải thiện nhưng nhu cầu tiêu thụ đi xuống. 

Bên cạnh đó, trên thị trường cà phê, giá cà phê Robusta giảm nhẹ 1,88% từ mức đỉnh lịch sử, giao dịch tại 4.530 USD/tấn. Đồng thời, giá cà phê Arabica giảm 4,24% sau 3 tuần tăng liên tiếp trước đó. Áp lực từ tỷ giá USD/BRL là nguyên nhân chính đã tạo sức ép lên giá hai mặt hàng cà phê. Cùng với đó, giá thu mua cà phê trong nước đã đồng loạt điều chỉnh giảm gần 2.000 đồng/kg so với đầu tuần trước, xuống mức 126.000 – 126.600 đồng/kg.

Nhà đầu tư Hoàng Trường tại Hà Nội cho biết thêm: "Trong tuần qua, giá hầu hết các loại hàng hóa đều suy yếu do áp lực bán mạnh từ thị trường. Cá nhân tôi có thể sẽ đóng bớt các vị thế bán đối với các hợp đồng nhóm nông sản trong tuần này để giảm thiểu rủi ro và tối đa hóa lợi nhuận vì hoạt động chốt lời ồ ạt có thể khiến giá tăng trở lại".

Có thể thấy, chỉ số giá năng lượng cũng giảm gần 4% so với tuần trước và giảm 6% so với đầu tháng 7. Trong đó, khí tự nhiên là tâm điểm thu hút sự quan tâm của giới phân tích và đầu tư bởi mức sụt sâu 8,63%, giao dịch tại 2,13 USD/triệu đơn vị nhiệt Anh, chạm mức thấp nhất kể từ đầu tháng 5. Ngoài ra, giá dầu WTI và dầu Brent cũng đã đánh mất khoảng gần 3% so với tuần trước. Áp lực tăng trưởng từ Trung Quốc, nền kinh tế đứng thứ hai thế giới là yếu tố đã tạo sức ép lên thị trường dầu thô thế giới trong tuần qua.


Cùng chung xu hướng, trên thị trường nông sản, chỉ số MXV-Index Nông sản cũng sụt giảm 4,63% so với đầu tháng. Giá các mặt hàng nông sản quan trọng như đậu tương, ngô vẫn đang chịu nhiều sức ép chủ yếu đến từ triển vọng mùa vụ tích cực tại các quốc gia Nam Mỹ.

Dự báo xu hướng giá hàng hóa trong thời gian tới, bà Nguyễn Thị Thu Hương, Giám đốc Điều hành Công ty TNHH Đầu tư Quốc tế Hữu Nghị, Thành viên kinh doanh của MXV nhận định: "Đối với nguyên liệu công nghiệp, cho tới nay thời tiết vẫn là một trong những yếu tố chủ chốt ảnh hưởng lên diễn biến lên giá. Thị trường hướng sự chú ý đến lo ngại La Nina thay thế El Nino vào cuối năm nay, nó có thể khiến mưa bão và lũ lụt xuất hiện thường xuyên tại khu vực Tây Nguyên. Cho nên, theo tôi, giá cà phê trong quý III vẫn sẽ neo ở mức cao so với cùng kỳ các năm trước do nguồn cung nhìn chung vẫn eo hẹp. Tuy nhiên, giá khó có thể vượt mốc đỉnh lịch sử gần 135.000 đồng/kg đã được ghi nhận vào hồi cuối tháng 4".

Nhà đầu tư Hoàng Trường tại Hà Nội chia sẻ thêm về kinh nghiệm cá nhân khi tham gia thị trường hàng hóa: "Việc theo dõi tình hình kinh tế vĩ mô, biến động cung cầu của các loại hàng hóa là vô cùng quan trọng để có thể có thể đưa ra quyết định đầu tư đúng đắn trong giai đoạn hiện tại. Tôi cho rằng để tránh các rủi ro khi đặt lệnh, các nhà đầu tư cũng cần tuân thủ tuyệt đối các quy định từ MXV hay Công ty Thành viên để đảm bảo an toàn ký quỹ".

Theo các chuyên gia, biến động mạnh của thị trường cũng đặt ra nhiều cơ hội cho nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Lựa chọn danh mục đầu tư hợp lý, giao dịch hiệu quả để bảo toàn vốn và gia tăng lợi nhuận là mục tiêu mọi nhà giao dịch Việt Nam hướng tới./.