Là một doanh nghiệp có 149 năm lịch sử và đồng hành với lộ trình thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam suốt thời gian qua, ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (SATRACO) thuộc SABECO cho biết với 26 nhà máy và 9.000 lao động trên toàn quốc, hệ thống người lao động và ngành dịch vụ phụ trợ trong chuỗi cung ứng của Sabeco rất lớn. Các loại thuế ảnh hưởng đến sản xuất tiêu dùng, tiêu thụ chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới đội ngũ này.
Ông Giang cho rằng đề xuất tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với rượu bia trong dự thảo luật lần này chắc chắn sẽ tác động đến cung cầu và sản lượng tiêu thụ. Với đề xuất tăng nhanh trong một thời gian rất ngắn, bản thân Sabeco khá lo lắng bởi các khó khăn sau COVID-19 sức mua suy giảm, việc thực thi áp dụng Nghị định 100 cũng ảnh hưởng phần nào tới tiêu dùng, thậm chí tới thói quen uống đồ uống có cồn của người Việt.
"Việc đề xuất tăng thuế liên tục trong những năm tiếp theo tới năm 2030 và tăng đến mức 90 hoặc 100% thì thực sự là cú tăng shock cho doanh nghiệp. Hơn nữa chúng tôi đang không nhìn thấy một triển vọng phục hồi nhanh chóng và sáng sủa cho những năm sắp tới nếu đứng tại thời điểm này. Do đó, việc tăng thuế có thể sẽ làm cho doanh nghiệp thực sự khó khăn và đối diện với các rủi ro về đóng cửa, phá sản, đặc biệt với các nhà máy nhỏ. Cái việc đóng cửa phá sản đấy sẽ dẫn đến một lãng phí rất lớn cho nền kinh tế, một tổn thất rất lớn với người lao động, công ăn việc làm và an sinh xã hội", ông Nguyễn Hoàng Giang - Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Bia Sài Gòn (SATRACO) thuộc SABECO cho biết.
Còn thị trường của Công ty TNHH Nhà máy Bia Heineken Việt Nam lần đầu tiên sau nhiều thập kỷ đã sụt giảm hai con số trong năm 2023. Bà Trần Ngọc Ánh, Giám đốc Ngoại vụ Cấp cao, Heineken Việt Nam thông tin thêm là năm 2023, Heineken đã tạo ra trực tiếp 3.355 việc làm và trong toàn bộ chuỗi cung ứng tạo ra 172 nghìn việc làm, trong đó có 54 nghìn việc làm tạo ra bởi khu vực nhà hàng, khách sạn.
Như vậy là cứ một công việc trực tiếp ở Heineken sẽ tạo ra 51 công việc trong chuỗi cung ứng. Năm 2023, Heineken đã đóng góp 0,5% vào tổng GDP quốc gia và nộp thuế đạt 33 nghìn tỷ đồng, tương ứng 2,1% tổng số thuế phải nộp trên toàn quốc.
Tuy nhiên, bà Trần Ngọc Ánh cho biết con số này đã giảm rất nhiều so với năm 2022: "Khi sản lượng sụt giảm khoảng 26% thì tổng giá trị gia tăng mà Heineken đóng góp đã giảm 28% và số thuế nộp cho ngân sách nhà nước thực tế đã giảm 37% so với trước đó. Điều đấy cho thấy là việc tăng thuế sẽ dẫn đến tính nhạy cảm của việc tăng thuế đối với sự sụt giảm sản lượng cũng như với số nộp ngân sách nhà nước"
Các doanh nghiệp và chuyên gia cho rằng việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt trong dự thảo không chỉ tác động đến ngành đồ uống có cồn mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới các doanh nghiệp và ngành hàng liên qua như du lịch, nhà hàng, khách sạn và bán lẻ - những ngành hàng đang trong quá trình hồi phục.
Bà Trịnh Thị Vân Giang – đại diện Tiểu ban rượu vang và rượu mạnh thuộc Eurocham (thuộc Phòng Thương mại Châu Âu tại Việt Nam EuroCham) phân tích thêm: "Việc tăng thuế buộc các doanh nghiệp phải cắt giảm rất nhiều chi phí hoạt động trong khi ngành rượu vang, rượu mạnh đã và đang đóng góp rất nhiều vào nền kinh tế Việt Nam.
Ngoài những khó khăn trên thì các doanh nghiệp trong ngành hàng rượu vang và rượu mạnh thì chúng tôi còn phải đối mặt với những đề xuất và quy định trong thời gian tới. Ví dụ như tăng thuế giá trị gia tăng, thuế tối thiểu toàn cầu cũng như những quy định về trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất trong khi mặt hàng đồ uống có cồn như giảm thuế VAT chúng tôi không được hưởng hỗ trợ như ngành hàng khác".
Còn ông Trần Hậu Cường, giám đốc công ty CP rượu và nước giải khát Hà Nội HALICO là doanh nghiệp sản xuất kinh doanh rượu lâu đời ở Việt Nam đã 126 năm, trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử nhưng giai đoạn này với doanh nghiệp đánh giá là giai đoạn khó khăn nhất.
Ngoài những khó khăn đã nêu ở trên, ông chia sẻ khó khăn lớn nhất của Công ty từ trước tới nay là sự cạnh tranh không công bằng với rượu bất hợp pháp.
"Đối với việc tăng thuế theo dự thảo thì theo ý kiến của chúng tôi là việc tăng thuế hoàn toàn không mang lại tác dụng giảm lượng tiêu dùng cũng như bảo vệ sức khoẻ người tiêu dùng. Bởi vì theo kinh nghiệm của chúng tôi những năm trước đây là khi mà thuế TTĐB tăng từ 30 lên 35%, lên 40% rồi hiện tại là 65% thì cứ mỗi lần tăng thuế như vậy theo quan sát của chúng tôi thì người tiêu dùng càng có xu hướng chuyển sang rượu bất hợp pháp, rượu nhái, rượu kém chất lượng", ông Trần Hùng Cường cho biết.
Đồng tình với quan điểm này, TS Cấn Văn Lực – Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV kiêm Giám đốc Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính quốc gia cho rằng, ngành đồ uống có cồn đối mặt với vấn nạn riêng là buôn lậu hàng giả, hàng kém chất lượng và hàng trôi nổi rất phức tạp.
Còn phân tích theo số liệu thống kê, ông chỉ ra những khó khăn của ngành trong những năm qua như sau: "Về kết quả kinh doanh của toàn ngành đồ uống ta thấy rất rõ là có mấy vấn đề như thế này là quy mô của ngành theo thống kê ta thấy rất rõ doanh thu của ngành đâu đó 27 tỷ USD, trong đó phân khúc đồ uống không cồn là chiếm khoảng 38%; còn đồ uống có cồn chiếm khoảng 62%. Và ngành này theo báo cáo của Tổng cục thống kê và bên thuế cho rằng đang đóng góp 60 ngàn tỷ cho thu ngân sách hàng năm.
Tuy nhiên rõ ràng trong 4 năm vừa qua rất khó khăn, lợi nhuận chúng tôi tính sơ bộ bình quân giảm khoảng 6-12% trong 3 năm vừa qua, nếu tính bình quân chắc giảm khoảng 10% mỗi năm, đặc biệt là 6 tháng đầu năm nay tồn kho tăng lên khoảng 30%, đặc biệt giá cổ phiếu của ngành tiếp tục giảm"
Bản thân doanh nghiệp sản xuất đồ uống có cồn đang đối mặt với nhiều khó khăn thực tại mà chưa nhìn thấy “nút cởi”. Họ đồng tình với việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng này. Nhưng tăng bao nhiêu và thời gian ra sao để tránh tạo cú sốc cho doanh nghiệp là dấu hỏi lớn?
Và kinh nghiệm các quốc gia trên thế giới sau khi tăng là gì? Có quốc gia nào đã phải bãi bỏ tăng thuế cao với mặt hàng này? Sẽ có câu trả lời ở phần 2.