Một trong những điểm đang gây tranh luận nhiều nhất đó là quy định hạn chế giao dịch với nhà đầu tư cá nhân.
Cụ thể, khoản 2 điều 1 dự thảo luật sửa đổi quy định, nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp không được đầu tư trái phiếu phát hành riêng lẻ nếu không đáp ứng được các điều kiện: tham gia đầu tư chứng khoán tối thiểu 2 năm, có tần suất giao dịch tối thiểu 10 lần/quý trong 4 quý gần nhất, danh mục chứng khoán tối thiểu 2 tỷ đồng và có thu nhập tối thiểu 1 tỷ đồng/năm trong 2 năm gần nhất.
Nhiều nhà đầu tư cho rằng, quy định này là quá chặt chẽ, khiến họ khó có thể đáp ứng được để tham gia thị trường:
"Thực sự với các quy định này sẽ rất khó để tham gia vào thị trường trái phiếu riêng lẻ. Các quy định quá chặt chẽ sẽ khiến nhà đầu tư nhỏ lẻ bị hạn chế quyền tiếp cận các cơ hội đầu tư hấp dẫn trong thị trường TPDN riêng lẻ".
"Tôi cho rằng, các quy định này đang siết thị trường chứ không phải “khơi thông”.
Dưới góc độ pháp lý, luật sư Phạm Thành Tài, Công ty Luật Phạm Danh nêu quan điểm: "Quy định này là quá chặt chẽ, không phù hợp. Việc đặt ra yêu cầu quá cao sẽ tạo sự phân biệt với nhà đầu tư, đặc biệt là những nhà đầu tư nhỏ lẻ. Đồng thời, gây khó khăn cho các nhà đầu tư cá nhân. Trong trường hợp này, đương nhiên là ít phát sinh giao dịch thường xuyên và do đó, họ sẽ không đáp ứng được điều kiện nhà đầu tư chuyên nghiệp theo quy định để tham gia thị trường".
Mặc dù đồng tình với việc tạo ra “hàng rào” bảo vệ nhà đầu tư không chuyên trước các rủi ro lớn từ trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ song theo ông Nguyễn Quang Huy - CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi, việc đặt ra những yêu cầu quá cao có thể tạo ra sự phân biệt giữa các nhà đầu tư, đặc biệt là nhà đầu tư nhỏ lẻ.
Lấy ví dụ, ông Huy phân tích, thu nhập bình quân của người dân Việt Nam trong năm 2023 là 4.284 USD/người nên yêu cầu nhà đầu tư phải có thu nhập 1 tỷ/năm khiến nhiều người dân không thể tiếp cận cơ hội đầu tư TPDN. Từ đó sẽ thu hẹp đáng kể nhóm nhà đầu tư cá nhân, chỉ để lại những người có kinh nghiệm và thu nhập cao:
"Số người có đủ thu nhâp 1 tỷ mà đáp ứng nhà đầu tư chuyên nghiệp là ít. Do vậy, đây là quyết định loại bỏ đi nhiều nhà đầu tư tiềm năng có thể tham gia thị trường trái phiếu riêng lẻ. Những người này sẽ có những thiệt thòi nhất định, là thay vì được đầu tư vào những trái phiếu riêng lẻ tốt thì lại đi đầu tư vào những kênh khiến thị trường mất đi tính thanh khoản.
Và rủi ro của thị trường trái phiếu tập trung vào những nhà đầu tư tổ chức và nhà đầu tư chuyên nghiệp. Đồng thời, không phân tán được rủi ro cho số đông. Đây là cái mà chúng ta hết sức cần cân nhắc giữa chỉ tiêu định lượng và định tính khi chúng ta tạo ra hàng rào bảo vệ cho nhà đầu tư và giúp thị trường phát triển bền vững".
Đối với nhà đầu tư nhỏ lẻ, theo ông Huy, họ thường mong muốn tìm kiếm những kênh đầu tư có lợi suất cao hơn ngân hàng và TPDN riêng lẻ là một lựa chọn phổ biến. Nhưng với quy định mới, khả năng tham gia của họ bị hạn chế nghiêm trọng, dẫn đến việc mất đi một cơ hội đầu tư có khả năng sinh lợi cao hơn. Điều này cũng có thể đẩy họ vào các kênh đầu tư không chính thức hoặc có rủi ro cao hơn khi thiếu sự bảo vệ từ quy định pháp luật.
Và quy định này sẽ làm giảm tính thanh khoản của thị trường TPDN riêng lẻ, vốn đã có đặc thù thanh khoản thấp hơn so với trái phiếu công ty đại chúng. Điều này có thể khiến các doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc huy động vốn qua kênh này.
Còn theo ông Đỗ Bảo Ngọc, Phó Tổng Giám đốc Công ty Chứng khoán Kiến thiết Việt Nam, dù bảo vệ nhà đầu tư song cề mặt dài hạn, các quy định này sẽ “kìm hãm” sự phát triển thị trường trái phiếu: "Trong ngắn hạn, nó có thể bảo vệ nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường trái phiếu còn nhiều lỗ hổng và các đợt phát hành trái phiêú còn kém về chất lượng và huy động vốn vì nhiều mục đích khác. Từ đó, có thể bảo vệ các nhà đầu tư. Tuy nhiên, về dài hạn thì không phát triển thị trường trái phiếu bởi chúng ta vẫn có mục tiêu phát triển trái phiếu nh bạch".
Từ đó, để bảo vệ nhà đầu tư cũng như đảm bảo sự phát triển của thị trường chứng khoán, ông Nguyễn Quang Huy cho rằng, thay vì tăng cường các quy định, chúng ta nên tập trung vào việc nâng cao nhận thức của nhà đầu tư và tăng cường công tác giám sát để hạn chế các hành vi vi phạm pháp luật:
"Tôi nghĩ rằng, chúng ta nên đưa ra các quy định kết hợp có yếu tố nâng cao năng lực nhà đầu tư. Ví dụ các nhà đầu tư tham gia trái phiếu riêng lẻ, thì phải yêu cầu họ tham gia khoá học, đào tạo nâng cao năng lực hiểu biết và đầu tư của họ trên thị trường. Khi mà họ có đủ năng lực rồi và tự có phương pháp quản trị rủi ro riêng thì họ sẽ biết thế nào là những trái phiếu tốt, chất lượng. Như thế tốt hơn là chúng ta chỉ quy định cứng nhắc chỉ về số lượng, tần suất".
Bên cạnh bổ sung thêm điều kiện về nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp, dự thảo sửa đổi luật Chứng khoán cũng yêu cầu tổ chức phát hành trái phiếu ra công chúng phải có tài sản đảm bảo hoặc bảo lãnh của ngân hàng khi xin cấp phép phát hành, ngoại trừ trường hợp tổ chức tín dụng chào bán trái phiếu là nợ thứ cấp thỏa mãn các điều kiện để được tính vào vốn cấp 2 và có đại diện người sở hữu trái phiếu theo quy định.
Các yêu cầu này có thực sự bảo vệ nhà đầu tư? Nội dung này sẽ được VOV Giao thông đề cập trong bài tiếp theo