Sau hơn 2 tháng triển khai, chính sách này đã mang lại những thay đổi cho thị trường ô tô Việt Nam như thế nào? Và để cạnh tranh với các dòng xe nhập khẩu sau khi kết thúc chính sách giảm này, các doanh nghiệp cần làm gì?
Sau 2 tháng rưỡi áp dụng chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước, doanh số bán xe ghi nhận mức tăng trưởng mạnh. Đặc biệt trong tháng 10 vừa qua, doanh số bán xe ô tô đã tăng 53% so với cùng kỳ năm ngoái và là mức tăng trưởng cao nhất từ đầu năm đến nay.
Tuy nhiên, đến ngày 30.11 tới là thời hạn kết thúc chính sách giảm giảm 50% lệ phí trước bạ đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước. Do đó, hiện, nhiều showroom cũng tung thêm các chính sách ưu đãi giảm giá cho các dòng xe sản xuất, lắp ráp trong nước bên cạnh chinh sách giảm 50% lệ phí trước bạ.
Tận dụng cơ hội này, nhiều khách hàng như anh Trần Văn Huy, sinh sống tại Hà Nội đã nhanh tay xuống tiền mua xe trước thời điểm 30/11: "Vừa rồi tôi cũng tìm hiểu về chính sách hỗ trợ phí trước bạ 50%, nghe bảo là đến tháng 11 là hết thì trong tháng 10 vừa rồi gia đình tôi đã mua được 1 chiếc. Cũng may là quyết định mua trong tháng 10 để được hỗ trợ phí trước bạ 50%. Nếu để qua tháng 11 hết hỗ trợ thì số tiền cũng tăng lên đáng kể nên gia đình cũng đi đến thống nhất quyết định là mua".
Để thu hút khách hàng, các đại lý tập trung vào các ưu đãi như: Tặng bảo hiểm thân vỏ, với giá trị từ 10-20 triệu đồng. Hỗ trợ một phần phí trước bạ, giảm trực tiếp từ 10-30 triệu đồng. Tăng thời gian bảo hành xe lên 5-7 năm. Những chương trình này không chỉ nhằm tận dụng nốt thời gian còn lại của chính sách mà còn giúp các hãng xe duy trì đà tăng trưởng khi bước vào tháng 12 – giai đoạn cao điểm tiêu dùng cuối năm.
Theo báo cáo bán hàng của một số hãng xe, tổng lượng xe bán ra của các dòng xe dân dụng đã tăng tới 30-40% chỉ trong vòng 2 tháng. Đây được xem là cú huých lớn cho thị trường ô tô nội địa. Tuy nhiên, anh Nguyễn Hải Linh, đại diện một showroom ở Hà Nội nhận định: "Thuế trước bạ của nhà nước giảm dành cho xe lắp ráp sẽ kết thúc vào tháng 11 này, những dòng xe nhập khẩu phải chịu sự cạnh tranh của sự giảm giá của xe lắp ráp. ( 3’11) Nhưng sang tháng thì các dòng xe nhập khẩu bớt sự cạnh tranh bởi xe lắp ráp".
Cũng theo các chuyên gia, khi chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ kết thúc, các nhà sản xuất ô tô trong nước sẽ phải đối mặt với thách thức lớn trong việc cạnh tranh với xe nhập khẩu.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính - Ngân hàng trường Đại học Nguyễn Trãi chỉ ra 3 khó khăn chính mà các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước sẽ phải đối mặt: "Khi nhà nước cho dừng chính sách này thì đương nhiên là nó sẽ ảnh hưởng. Thứ nhất là giảm sự cạnh tranh về giá cho xe nội địa ở trong nước. Thứ 2 là các sự cạnh tranh đối với các dòng xe nhập khẩu, đặc biệt là các xe nhập khẩu trong khu vực Asean, khi thuế suất họ nhập khẩu vào bằng 0.
Đây cũng là sức ép cạnh tranh khá là lớn. Tiếp theo là khiến cho số lượng tồn kho sau thời điểm ấy sẽ ở mức rất cao vì không thể nào có sức cạnh tranh như trước được. Do vậy đây cũng là khó khăn rất lớn cho các nhà sản xuất. Khi chính sách này dừng thì cũng khiến cho chi phí sản xuất trong nước sẽ tăng lên".
Chính sách giảm 50% lệ phí trước bạ đã mang lại hiệu quả tích cực, giúp thị trường ô tô nội địa sôi động hơn trong những tháng qua. Tuy nhiên, khi chính sách này kết thúc, ngành ô tô Việt Nam sẽ cần nhiều giải pháp đồng bộ hơn để duy trì đà tăng trưởng.
Một số giải pháp căn cơ từ phía nhà nước được ông Nguyễn Quang Huy đề xuất: "Để có chính sách hỗ trợ cho xe ở trong nước thì chúng ta phải có những giải pháp căn cơ. Ví dụ như ưu đãi về thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng, thuế xuất nhập khẩu đối với các dây chuyền máy móc thiết bị ở trình độ cao nhập về. Giảm ễn thuế đối với các linh kiện trong nước mà chúng ta nâng cao tỉ lệ lượng hóa được.
Đồng thời định hướng đến lãi suất cho vay dành cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp xe trong nước. Chúng ta cũng định hướng các doanh nghiệp sản xuất sang xe xanh, có hướng thân thiện với môi trường như xe điện hoặc dòng xe Hybrid".
Trong ngắn hạn, những chiến lược bán hàng linh hoạt và các chương trình khuyến mãi sẽ giúp các doanh nghiệp duy trì doanh số. Nhưng về lâu dài, việc đầu tư vào chất lượng sản phẩm và xây dựng sức cạnh tranh bền vững sẽ là chìa khóa để ô tô sản xuất trong nước khẳng định vị thế trước áp lực từ xe nhập khẩu./.