Sản xuất Thuận Thiên (Bài 2): Nuôi cá trên ruộng, làm chơi ăn thiệt

Mỗi năm, ĐBSCL sẽ có khoảng 4 tháng nước nổi, nước từ thượng nguồn tràn về, mang theo phù sa bồi đắp cho ruộng đồng. Đây là thời điểm để những người nông dân tăng thu nhập nhờ mô hình nuôi cá trên ruộng lúa

Nếu như trước đây, tại các vùng trũng như huyện Phụng Hiệp, Vị Thủy, Long Mỹ của tỉnh Hậu Giang, mỗi khi đến mùa nước nổi, nông dân sản xuất vụ lúa Thu Đông kém hiệu quả nên thường bỏ đồng trống thì mấy năm gần đây, bà con bắt đầu tận dụng diện tích ruộng ngập nước để nuôi cá và mang lại hiệu quả cao.

Ông Trịnh Văn Sang, Trưởng ấp 3, xã Hòa Mỹ, huyện Phụng Hiệp, tỉnh Hậu Giang cho biết khi con nước mấp mé bờ, bà con nông dân không sạ lúa vụ ba mà tập trung nuôi cá ruộng: Không có sạ vụ ba nên bà con tập trung nuôi cá ruộng đó. Cá mè, cá chép rồi một số cá tự nhiên nó vô nữa đó. Bà con lúc này cũng đang xuống nhiều nè. Trong ruộng sen cũng có, có một số lúc này cắt lúa Hè Thu rồi nè, bắt đầu cho nước sạch lại cái bắt đầu người ta thả tới Đông Xuân người ta bơm bắt.

Vừa thả nuôi 50kg cá chép và cá mè trắng giống cho 20 công đất ruộng, gia đình bà Năm Nhiệm, ngụ tỉnh Hậu Giang cho hay gia đình bà bắt đầu thử nghiệm mô hình này từ mấy năm trước. Khoảng đầu tháng 7 đến cuối tháng 8 là thời điểm mọi người bắt đầu thả cá giống. Các loại thường được thả nuôi là cá chép, rô phi, mè hoa, mè vinh và một số ít cá tạp tự vào sinh sống. Nuôi cá ruộng không cần tốn công chăm sóc, thức ăn cho cá thì có sẵn trong ruộng, người dân chỉ đầu tư con giống ban đầu, lưới bao xung quanh ruộng rồi để cá lớn bình thường.

Bà Năm Nhiệm cho biết thêm: Cỡ 20 tháng 6, bước đầu tháng 7 là lúc đó thả được rồi đó. Mình đổ mình không có cho ăn nhưng mà mình rào lưới. Hồi lúc nhỏ rãi cho ăn chừng chừng rồi lớn một chút thì bỏ.

Sau 3 - 4 tháng thả nuôi là có thể thu hoạch cá ruộng. (Thanh Phê)

Theo bà con nông dân, lưới cước dùng để bao ruộng nuôi cá có thể tận dụng tới 3 hay 4 vụ sau mới cần thay mới nên tính ra chi phí đầu tư mỗi vụ không cao. Suốt quá trình nuôi, bà con chỉ cần đi kiểm tra bờ bao, lưới cước để gia cố lại đề phòng cá thoát ra bên ngoài. Ông Quách Văn Tươi, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang, một hộ nuôi cá ruộng nhiều năm nay mỗi khi nước nổi cho biết trung bình một công đất ruộng, bà con sẽ thả nuôi từ 2-3kg cá giống.

Sau khoảng 4 tháng, nông dân sẽ tiến hành thu hoạch và năng suất bình quân đạt từ 50-60kg cá thương phẩm/công. Ông Quách Văn Tươi cho biết: Nước nổi lên thì tận dụng được có thời gian ở không, phụ hợ thêm, cũng đỡ.

Ngoài kiếm thêm thu nhập, nuôi cá ruộng còn giúp diệt được phần nào mầm mống sâu bệnh cho lúa ở những vụ sau. Trong quá trình nuôi, cá để lại một lớp phân hữu cơ giàu dinh dưỡng, giúp vụ lúa tiếp theo giảm chi phí về phân bón. Ruộng nuôi cá có rất nhiều bùn nên vụ lúa tiếp sau vụ cá thường trúng hơn. Chính vì vậy, mà hầu như nhà nào cũng nuôi cá ruộng chứ ít ai bỏ ruộng không.

Phó Chủ tịch UBND huyện Long Mỹ Lê Hồng Việt, chia sẻ: Sản xuất lúa 1 đến 2 vụ thôi, tối đa là 2 vụ, từ những trường hợp đặc biệt mình 3 vụ thôi. Có khoảng thời gian 3 đến 4 tháng mùa nước nỗi đó tận dụng cái này để bà con có nguồn thu nhập thường xuyên trên các cánh đồng của họ để cho họ có thêm nguồn thu nhập trang trải cuộc sống gia đình, con cái học hành.

Nông dân Hậu Giang kéo cá ruộng mùa nước nổi. (Thanh Phê)

 Từ những cánh đồng bỏ không mùa nước nổi, giờ bà con đã tận dụng để vừa có kinh tế vừa thuận với quy luật tự nhiên. Thành công này cho thấy, sản xuất theo hướng thuận theo tự nhiên sẽ là hướng đi bền vững, lâu dài giúp ngành nông nghiệp thích ứng tốt với biến đổi khí hậu.