Khu vực nằm cặp sông cái Ngan Dừa thuộc xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang từng khiến nhiều người ngao ngán bởi là nơi nằm ngoài đê bao ngăn mặn Long Mỹ - Vị Thanh nên mùa khô thì nhiễm nước mặn, mùa mưa thì ngập, phèn khiến việc sản xuất lúa gặp nhiều khó khăn, mùa màng thất bát.
Thế nhưng, đó đã là chuyện quá khứ. Từ ngày bà con vùng này nghỉ trồng lúa Hè Thu chuyển sang nuôi tôm quảng canh, “một vụ lúa, một vụ tôm” thì đời sống đã có nhiều khởi sắc.
Là một trong những hộ đang nuôi tôm quảng canh tại xã Lương Nghĩa, anh Đoàn Tuấn Anh cho biết, gia đình đã mạnh dạn chuyển đổi 1,8ha ruộng lúa sang nuôi tôm từ năm ngoái khi nước mặn về. Theo anh, năm nay, xâm nhập mặn về sớm với nồng độ cao hơn mọi năm, nên việc nuôi tôm gặp nhiều thuận lợi: Ở đây nếu như mà không nuôi tôm thì cái vụ lúa này thì làm thất lắm.
Tại vì mới mưa xuống, đất mình nó phèn, khi mình làm đầu vụ thì lúa nó không phát triển, tới khi lúa mình gần trổ quá tốt cái nó bị bệnh gãy cổ, lúa không trúng được. Ví dụ như mình thả đạt thì lấy vốn cho toàn vụ rồi, từ đó về xổ được bao nhiêu thì mình lời bao nhiêu.
Theo lời anh Tuấn Anh, thông thường, 1 ha tôm nuôi 3 tháng đến 4 tháng là có thể thu hoạch với năng suất từ 300 kg đến 400kg. Một số hộ chỉ thu hoạch tôm lớn, cỡ 25 - 30 con/kg, số tôm nhỏ thì thả lại ao nuôi tiếp để thu hoạch dần. Nhiều hộ thu hoạch xong thì tiếp tục mua giống về thả nuôi, thay vì phải đợi đến mùa xâm nhập mặn năm sau.
Rời ruộng tôm của anh Tuấn Anh, chúng tôi theo chân anh Trần Bảo Bình tham quan ruộng nuôi tôm rộng 1,8ha của gia đình anh. Nhìn ruộng nước mênh mông, ít ai nghĩ cách đây ít tháng, nó từng là ruộng lúa. Anh Bình nhanh tay quăng một mẻ lưới để giới thiệu về tôm nuôi. Vừa kéo lưới, anh vừa cho hay, trước đây, hễ tới mùa nước mặn, một số bà con đậy bọng dự trữ nước để sạ lúa, trong khi một số hộ khác thì bơm nước vô nuôi cá, thả cá chép, cá hường,... nhưng không hiệu quả.
Giờ đây, khi chuyển sang nuôi tôm thì kinh tế ổn định cao gấp từ 2-3 lần so với trồng lúa. Năm nay là năm thứ 2, gia đình anh chuyển từ trồng lúa Hè Thu sang nuôi tôm. Vụ trước, anh thả nuôi tôm càng và tôm sú. Riêng năm nay, anh thả thêm tôm thẻ để tăng thu nhập.
Theo lời anh Bình, do nuôi trong môi trường tự nhiên nên anh không phải lo nghĩ chuyện chi phí thức ăn và cũng không dùng thức ăn công nghiệp. Sau khi thu hoạch tôm trở lại trồng lúa thì chi phí sản xuất cũng giảm rõ rệt: Thứ nhất là ít phân, phân thì phân nửa so với lúc trước mình làm vụ Đông Xuân. Thuốc thì cũng xịt ít, lúc trước 7-8 cử, giờ rút ngắn lại còn 4 cử tại vì khi mình sử dụng hạ phèn để nuôi tôm, phân tôm lúc xử lý nên cũng có nhiều chất hữu cơ dưới nền đất sẵn nên lúa phát triển tốt.
Cách đó không xa, ruộng nuôi tôm 4ha của gia đình chị Nguyễn Thị Bé Dúng cũng đang chuẩn bị thu hoạch. Vụ này, giá tôm trung bình 170.000 đồng/kg cho thu nhập khá: Hồi lúc trước là chưa có nuôi mà sau này nhiều người, người ta nuôi có lãi quá cái ùn ùn nuôi theo. Hồi đợt rồi em nuôi thì như đợt rồi bầy thẻ 80 triệu nhưng mà lãi nói chung là 50/50. Hiện tại giờ chưa tới mùa lúa, em thả cho xen vô một bầy nữa.
Thống kê của ngành chức năng, toàn xã Lương Nghĩa hiện có khoảng 170 hộ nuôi tôm, tương đương 140ha. Ngoài tôm sú, các hộ còn thẻ xen tôm thẻ, tôm càng và cua. Với giá bán tôm như hiện nay trung bình khoảng 170.000 đồng/kg, sau mỗi vụ thu hoạch, trừ hết chi phí, bà còn bỏ túi vài chục triệu đồng là chuyện không khó.
Theo ông Bành Đức Tín, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông và Dịch vụ Nông nghiệp tỉnh Hậu Giang, để việc phát triển nuôi tôm quảng canh của bà con đạt hiệu quả cần hướng đến sự bền vững, lâu dài: Chất lượng sản phẩm bà con cũng hết sức chú ý để an toàn sinh học cho người tiêu dùng. Thứ hai đối với mô hình này là đề nghị bà con mình quan tâm đó là nó phải mang tính bền vững. Chúng ta biết cỡ nào là vừa, cứ thâm canh, tăng vụ dần dần sẽ ảnh hưởng hiệu quả và dễ bị ảnh hưởng dịch bệnh.
Lãnh đạo huyện Long Mỹ cho hay, hướng tới, huyện sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình này ra các vùng lân cận để tiếp tục phát triển góp phần tạo ra thu nhập thường xuyên cũng như nâng cao thu nhập cho người nông dân vùng chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn.
Để biết rõ hơn về định hướng phát triển mô hình nuôi tôm quảng canh của huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang, mời quý thính giả cùng theo dõi phần trao đổi của PV chương trình với ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Nghĩa, huyện Long Mỹ, tỉnh Hậu Giang.
PV: Tình hình nuôi tôm quảng canh tại địa phương hiện như thế nào, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Ngọc: Hiện nay, đối với toàn xã, khu vực ngoài đê bao thì khoảng 170 hộ nuôi tôm, tương đương 140ha. Trước đây thì bà con chỉ sản xuất một vụ lúa thôi, không có nuôi tôm. Hiện nay, từ năm 2023 tới nay thì mình đã chuyển đổi hướng dẫn bà con chuyển đổi từ mô hình một vụ tôm một vụ lúa. Tôm thì hiện nay bà con trong ruộng nuôi là lồng ghép trú, càng và thẻ.
PV: Theo ông, hiệu quả mô hình này như thế nào so với sản xuất lúa?
\Ông Nguyễn Văn Ngọc: Hiện nay, bước đầu, mô hình nuôi tôm quảng canh rất hiệu quả. Bà con, đặc biệt là năm 2024 này thì sản lượng tôm đạt rất là tốt. So với lúa Hè Thu thì thu nhập từ con tôm tốt gấp đôi lần thu nhập của vụ lúa Hè Thu.
PV: Với hiệu quả bước đầu như vậy thì định hướng sắp tới của địa phương ra sao, thưa ông?
Ông Nguyễn Văn Ngọc: Định hướng của địa phương sắp tới đây sẽ vận động bà con, tuyên truyền cho bà con mở rộng cái khu vực ngoài đê bị ảnh hưởng xâm nhập mặn để tiếp tục phát triển mô hình nuôi tôm kết hợp với một vụ lúa, một vụ tôm.
Và đồng thời cũng nhờ các chuyên gia, chỗ ngành nông nghiệp hỗ trợ cho địa phương chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như hướng dẫn bà con thực hiện mô hình cho nó đạt hiệu quả.
PV: Cảm ơn ông với những chia sẻ vừa rồi.