Nhà ở xã hội đến gần hơn với người dân nhờ chính sách mới (Phần 1)

Công tác phát triển nhà ở đến thời điểm này vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ. Các quy định trong Luật Nhà ở 2024 và Nghị định 100/2024 hướng dẫn Luật nhà ở về phát triển và quản lý nhà ở xã hội sẽ có thể tạo cú hích chính sách cho phát triển nhà ở xã hội?

Đề cập đến các thủ tục hành chính để xây và mua nhà ở xã hội, đại diện một số doanh nghiệp cho rằng, mức lãi suất cho vay bình thường của các Ngân hàng từ 8-9%. Trong khi đó, lãi suất của gói vay 120.000 tỷ đồng là khoảng gần 8%. Mức lãi suất này chênh lệch không lớn với mức lãi suất thông thường.

Đây cũng là một trong những lí do doanh nghiệp không mặn mà với việc vay vốn. Đó là chưa kể đến hàng loạt thủ tục, điều kiện để được vay rồi việc thanh tra, kiểm tra sau này rất phiền hà. 

Ông Trương Anh Tuấn, Chủ tịch HĐQT, Công ty Cổ phần Tập đoàn Hoàng Quân cho biết: "Chúng tôi nhận thức được rằng, để được Ngân hàng giải ngân thì phải có dự án được duyệt, bao gồm đất sạch, giấy phép xây dựng… là cả một quá trình. Vấn đề mà người dân và doanh nghiệp lo lắng là sau gói 120 nghìn tỷ này thì có còn gói tín dụng nào tử Chính phủ, từ Ngân hàng Nhà nước hay không, vì đây là chương trình xây dựng tới 1 triệu căn nhà ở xã hội và kéo dài đến 2030".

Công tác phát triển nhà ở đến thời điểm này vẫn còn nhiều khó khăn cần tháo gỡ - Ảnh nh họa Thanh Niên

Bên cạnh những “rào cản” từ pháp lý, thủ tục… thì hiện nay vốn tín dụng ưu đãi cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà cũng đang là bài toán cần lời giải. Chương trình tín dụng 120.000 tỷ đồng cho chủ đầu tư và người mua nhà của các dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, dự án cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ đã triển khai được một năm rưỡi, nhưng chưa hiệu quả. Gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hiện mới giải ngân được 1 nghìn 344 tỷ đồng, trong đó là 49 tỷ đồng cho người mua nhà ở xã hội.

Ông Nguyễn Xuân Bắc, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, Ngân hàng Nhà nước phân tích: "Quy định về điều kiện được mua nhà xã hội hiện nay đang có nhiều ý kiến phản ánh như điều kiện về cư trú, điều kiện về thu nhập không phải đóng thuế hiện đã không cò phù hợp trong bối cảnh giá nhà hiện nay đang tăng cao. Những khó khăn vướng mắc này theo chúng tôi đánh giá là có thể ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ của chương trình tín dụng 120 nghìn tỷ trong thời gian tới"

Theo tính toán của TS Nguyễn Minh Phong, nếu gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng được 4 ngân hàng quốc doanh triển khai thì mỗi năm, các Ngân hàng này sẽ phải dành 1.500 đến 2.000 tỷ đồng, đồng thời phải mất thêm chi phí để thực hiện. “Đầu mối” của việc cho vay là các Ngân hàng được chỉ định, cần có cơ chế linh hoạt thì mới khắc phục được những vướng mắc về thủ tục như nhiều gói từng triển khai trước đó:

"Phần mà các Ngân hàng thương mại chịu như vậy thì Nhà nước có hỗ trợ như thế nào để tạo đồng lực? Riêng về mức lãi suất thấp hơn mức cho vay thông thường từ 1,5-2% tôi cho rằng hơi thấp một chút. Chúng tôi cho rằng, nên cân nhắc nới thêm để gói hỗ trợ này có thể đến gần hơn với công nhân lao động và người thu nhập thấp có được chỗ ở ổn định", TS Nguyễn Minh Phong cho biết.

Còn theo chuyên gia kinh tế, TS Cấn Văn Lực, nếu chỉ trông chờ vào gói tín dụng này, thì khó đạt mục tiêu phát triển ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030: "Cần phải tăng tính hấp dẫn, tính thị trường đối với nhà ở xã hội. Tại sao nhiều dự án không bán được, vì người ta không thấy sự hấp dẫn, liên quan đến chất lượng, vị trí, giá cả của dự án đó. Vậy thì làm thế nào để nhà ở xã hội là tài sản có tính hấp dẫn của nó thì phải có khảo sát, đánh giá thực trạng đúng và trúng để xác định cung cầu cho phù hợp"

Tại Nghị quyết số 01, ngày 05/01/2024, Chính phủ chỉ đạo Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành đôn đốc các địa phương tập trung thực hiện mục tiêu hoàn thành 130.000 căn hộ nhà ở xã hội trong năm 2024. Tuy nhiên, mục tiêu này rất khó hoàn thành.

Bộ Xây dựng cho biết, một số địa phương có nhiều dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư trong giai đoạn vừa qua nhưng chưa quan tâm trong việc lựa chọn chủ đầu tư dự án để triển khai đầu tư xây dựng; Một số dự án nhà ở xã hội đã khởi công nhưng các doanh nghiệp không triển khai thi công hoặc thi công chậm tiến độ.

Ông Hoàng Hải, Cục trưởng Cục Phát triển nhà và thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng cho biết thêm: "Các quỹ đất chưa có chủ trương thì phải lập chủ trương rồi đến bước lựa chọn chủ đầu tư. Đối với quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở thương mại, theo quy định dành để xây dựng nhà ở xã hội thì nếu chủ đầu tư làm thì yêu cầu phải làm, nếu địa phương làm thì phải thu hồi để bàn giao ngay"

Để hỗ trợ người thu nhập thấp đến gần hơn với nhà ở xã hội, chính sách nhà ở xã hội đã được ra đời. Theo đó, Luật nhà ở 2023 và Nghị định 100/2024 có hiệu lực từ 01/8 đã được Chính phủ ban hành nới  nhiều quy định, tiêu chí đối với người có nhu cầu thuê, mua nhà ở xã hội.

Những điểm mới có giúp nhà ở xã hội liệu có đến gần hơn với người dân? Mời đón xem phần 2.