Trong năm 2025, dù có nhiều yếu tố tác động đến lạm phát nhưng theo dự đoán của các chuyên gia kinh tế, lạm phát năm nay vẫn sẽ nằm trong tầm kiểm soát và tăng trưởng dự kiến sẽ tăng.
Năm 2024, thị trường hàng hóa thế giới có nhiều biến động do ảnh hưởng bởi các yếu tố chính trị, kinh tế, xã hội của các quốc gia. Kinh tế, thương mại toàn cầu phục hồi chậm, thiếu vững chắc. Tuy nhiên, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát ở mức phù hợp để hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế. Năm 2024, CPI trung bình chỉ tăng 3,63% so với năm trước, đây cũng là năm thứ 10 liên tiếp Việt Nam thành công trong việc kiểm soát lạm phát ở mức dưới 4%.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong cho rằng, kết quả kiểm soát lạm phát năm 2024 là một bước tiến quan trọng, tạo tiền đề để Việt Nam tiếp tục duy trì sự ổn định và tăng trưởng kinh tế trong năm 2025 và những năm tiếp theo:
"Năm 2024, một trong những điểm nhấn của kinh tế Việt Nam đó là lạm phát được kiểm soát trong khuôn khổ mục tiêu đặt ra của Quốc hội. Thứ hai, lạm phát của chúng ta có một đặc điểm là lạm phát cơ bản thấp hơn lạm phát trung bình, cho thấy sức ảnh hưởng của các chỉ số liên quan tới giá cả thiết yếu cao và mạnh so với các nước. Ngân hàng Nhà nước đã kiểm soát khá tốt cung tiền. Thứ ba, các biện pháp chống lạm phát, chúng ta vẫn thực hiện các biện pháp đồng bộ, trong đó, chúng ta vẫn tiếp tục cố gắng duy trì được mức lãi suất dương".
Còn theo NHNN, kinh tế Việt Nam năm 2024 có nhiều điểm sáng, nhiều doanh nghiệp năm 2021, 2022 đóng cửa thì đến năm 2024 đã hoạt động trở lại. Thị trường vàng có những lúc biến động tác động đến Việt Nam, nhưng tác động phần nào cũng đỡ hơn những năm trước.
FDI vẫn đổ vào Việt Nam, diễn biến trên thị trường ngoại tệ tích cực với chính sách tỉ giá của Việt Nam, kết quả tăng trưởng GDP cả năm là 7,08%, kiểm soát lạm phát 3,6%. Trong năm 2024, lãi suất huy động tăng bình quân 0,71%. Lãi suất cho vay bình quân giảm gần 1%. Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết:
"Đến thời điểm ngày 31/12/2024 tín dụng đã tăng 15,08%, như vậy mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 15% cơ bản đã hoàn thành, như vậy so với dư nợ năm 2023, số tiền đã đầu tư thêm vào nền kinh tế là 2,1 triệu tỷ đồng, đây là con số tăng thêm, chưa kể doanh số cho vay khoảng 23 triệu tỷ, điều này cho thấy một khối lượng rất lớn đã được đầu tư vào nền kinh tế, vào lĩnh vực trọng tâm theo tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của Chính phủ".
Cũng theo NHNN, tỷ giá có những lúc tăng nóng nhưng so với các nước trong khu vực vẫn ở ngưỡng thấp hơn. Đến cuối năm, tổng hợp lại sau các biến động, tỉ giá đồng VND biến động 5,03% so với đồng USD, mức biến động này ổn định và thấp hơn biến động của đồng nội tệ nhiều nước khác trong khu vực. Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN đánh giá:
"Với sự điều hành rất chặt chẽ vủa NHNN, phối hợp đồng bộ với các công cụ chính sách tiền tệ như chúng tôi bơm hút đồng Việt Nam, phối hợp nhịp nhàng, không để các TCTD khó khăn về thanh khoản, mặt khác điều hòa, hút được lượng tiền dư thừa, giảm bớt sự chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền. Đồng USD mất giá 5,03% là mức thấp so với các nước ASEAN, nếu so với các nước xuất khẩu lớn, đặc biệt là Mỹ thì đồng Việt Nam mất giá khá ít".
Năm 2024, cung tiền được kiểm soát ở mức 9,42% thấp hơn nhiều mức trung bình của giai đoạn 2014-2023. Đây là yếu tố giúp kiểm soát lạm phát trong năm 2025. Tuy nhiên, lãi suất thực tiếp tục dương, nhưng đang thấp hơn mức trung bình của giai đoạn 2014-2024, đồng thời tốc độ tăng giá USD cũng cao hơn mức trung bình của giai đoạn 2014-2024.
Những yếu tố này có thể gây áp lực lên giá cả trong thời gian tới. Bên cạnh các yếu tố về tiền tệ, tỷ giá, lạm phát trong năm 2025 còn phụ thuộc vào các yếu tố khác như tăng trưởng kinh tế thế giới và giá dầu, giá nguyên vật liệu đầu vào. Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng:
"Năm 2025, nếu nền kinh tế thế giới tăng trưởng bình thường, kinh tế Việt Nam có thể tăng trưởng 6,8 - 7,3% thì lạm phát có thể là từ 3,2-3,5%. Phương án 2 là nếu như là kinh tế Mỹ tăng trưởng tốt, kinh tế thế giới tăng trưởng tốt, các doanh nghiệp Việt Nam tận dụng được cơ hội phát triển, đáp ứng được các yêu cầu của thị trường thì kinh tế có thể đạt 7,3 - 7,8%, lạm phát có thể tăng trưởng khoảng 3,5 - 3,8%.
Phương án 3 là quyết tâm của Chính phủ là tăng trưởng 8% hoặc 2 con số thì rõ ràng lượng tiền bơm ra sẽ phải nhiều hơn và việc mua bán nguyên nhiên vật liệu, thu hút các nguyên nhiên, vật liệu thì giá cả sẽ cao hơn. Như vậy rõ ràng là tăng trưởng 8% hoặc 2 con số sẽ đòi hỏi lạm phát cao hơn, đâu đó khoảng 3,8 - 4,1%".
Tại họp báo thường kỳ của Chính phủ diễn ra mới đây, đề cập đến những cơ sở để nền kinh tế có thể đạt được mục tiêu 8% trong năm 2025, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Đức Tâm cho rằng, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn, nhưng kinh tế năm 2025 được thừa hưởng, tiếp nối đà tăng trưởng cao của năm 2024:
"Chúng tôi xác định năm 2025 phải thực hiện kích cầu tiêu dùng trong nước, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng, không chỉ có Việt Nam triển khai thực hiện mà nhiều nước trên thế giới triển khai thực hiện. Trong đó liên quan đến thu hút khách du lịch trong và ngoài nước, năm 2025, phấn đấu thu hút 120 - 130 triệu lượt khách trong nước và 20 triệu lượt khách quốc tế".
Theo dự báo của các tổ chức quốc tế, kinh tế thế giới trong năm 2025 vẫn tăng trưởng ổn định với mức 3,2%, tương đương năm 2024, còn giá dầu và giá các hàng hóa cơ bản đầu vào, tính trung bình, có xu hướng giảm nhẹ.
Tuy nhiên, tỷ giá và lãi suất sẽ là các yếu tố còn nhiều bất định và tác động đến giá cả ở Việt Nam. Do đó theo Viện Kinh tế - tài chính, có 3 kịch bản về lạm phát phụ thuộc vào từng mức độ tăng trưởng kinh tế của năm 2025.