Giá hàng hóa nguyên liệu bắt đầu tín hiệu hồi phục

Số liệu từ Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa ngày giao dịch hôm qua 23/8, lực mua áp đảo trên thị trường hàng hóa nguyên liệu thế giới, kéo chỉ số MXV-Index đảo chiều tăng 0,76% lên 2.254 điểm, kết thúc 2 phiên suy yếu liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt mức 5.500 tỷ đồng.

Thị trường kim loại tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt xu hướng toàn thị trường, với 10 trên 10 mặt hàng đồng loạt chốt ngày trong sắc xanh. Bên cạnh đó, các mặt hàng nông sản và nguyên liệu công nghiệp nhìn chung đều đón nhận lực mua tích cực. 

Giá bạc tăng hơn 4%, sắc xanh phủ kín bảng giá kim loại

Đối với nhóm kim loại quý, giá bạc dẫn dắt đà tăng của nhóm khi bật tăng 4,02% lên 24,39 USD/ounce. Đây cũng là phiên đánh dấu mức tăng mạnh nhất của giá bạc trong vòng 6 tuần. Giá bạch kim lấy lại mốc 900 USD/ounce sau khi tăng 1,37%. MXV cho biết, sự sụt giảm của lợi suất trái phiếu Mỹ và đồng USD suy yếu đã hỗ trợ cho dòng tiền quay trở lại thị trường kim loại quý.

Dữ liệu của S&P Global công bố hôm qua cho thấy hoạt động kinh doanh tại Mỹ đã có dấu hiệu chậm lại trong tháng 8, do nhu cầu không đạt được như kỳ vọng. Cụ thể, chỉ số quản lý thu mua (PMI) sản xuất sơ bộ của Mỹ chỉ đạt 47 điểm trong tháng 8, thấp hơn 2,3 điểm so với dự báo của các chuyên gia kinh tế. Bên cạnh đó, chỉ số PMI dịch vụ chỉ đạt 51 điểm trong tháng 8, không đạt được mức 52,3 điểm theo kỳ vọng của giới phân tích và là mức thấp nhất kể từ tháng 2/2023.

Dữ liệu cho thấy nền kinh tế Mỹ bắt đầu có dấu hiệu suy yếu do bị đè nặng bởi áp lực lãi suất cao. Nền kinh tế hạ nhiệt đồng nghĩa với áp lực lạm phát giảm bớt, điều này làm gia tăng kỳ vọng về chính sách mềm mỏng hơn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Đồng USD suy yếu ngay sau khi dữ liệu PMI được công bố. Chỉ số Dollar Index giảm 0,14% xuống 103,42 điểm. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm giảm 13 điểm cơ bản từ mức cao nhất trong gần 16 năm đạt được trong phiên trước.

Điều này lập tức làm giảm chi phí giao dịch kim loại nói chung, đồng thời thúc đẩy vai trò trú ẩn an toàn của kim loại quý, từ đó hỗ trợ cho giá.

Đối với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng tăng 1,37% lên mức cao nhất trong hơn 2 tuần, do được hỗ trợ kép bởi sự suy yếu của đồng USD và triển vọng tiêu thụ khởi sắc hơn trong mùa xây dựng cao điểm giai đoạn cuối năm của Trung Quốc. Hơn nữa, lĩnh vực sản xuất ô tô và thiết bị gia dụng tăng trưởng tốt tại Trung Quốc cũng là yếu tố giúp củng cố sức mua trên thị trường đồng. 

Trong khi đó, giá quặng sắt nối dài đà tăng sang phiên thứ 7 liên tiếp khi tăng 2,32% lên 113,23 USD/tấn. Nhu cầu tiêu thụ được kỳ vọng dần tăng lên khi Trung Quốc đang chuyển sang những tháng vàng cho hoạt động xây dựng. Điều này có thể giúp nâng cao tốc độ hoạt động sản xuất và thu hẹp kho dự trữ quặng sắt trong thời gian tới. Bên cạnh đó, tồn kho quặng sắt của Trung Quốc đang ở mức thấp có thể thúc đẩy nhu cầu nhập khẩu tăng cao trong thời gian tới. Tính đến tuần kết thúc ngày 18/08, tồn kho quặng sắt tại Trung Quốc chỉ còn 11,7 triệu tấn, giảm 14,5% so với mức 13,4 triệu tấn trong tuần đầu tiên của năm nay.

Mặt khác, triển vọng tiêu thụ quặng sắt làm đầu vào cho sản xuất thép tăng cao tại Nhật Bản, quốc gia sản xuất thép lớn thứ ba thế giới, cũng là yếu tố hỗ trợ cho giá quặng sắt duy trì được đà tăng.

Cụ thể, Liên đoàn Sắt thép Nhật Bản cho biết sản lượng thép thô của Nhật Bản đạt 7,39 triệu tấn trong tháng 7, tăng 0,9% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,8% so với tháng 6. Đây là lần tăng lần đầu tiên sau 19 tháng nhờ sự phục hồi trong hoạt động sản xuất ô tô.

Ngoài ra, Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản (METI) dự báo rằng sản lượng thép thô của Nhật Bản sẽ tăng 2,2% trong quý III so với một năm trước đó, nhờ sản xuất ô tô tăng trưởng tốt hơn và xuất khẩu cao hơn. 

Giá cà phê, đường bật tăng mạnh

Kết thúc ngày giao dịch 23/8, sắc xanh trở lại áp đảo trên bảng giá các mặt hàng nhóm nguyên liệu công nghiệp. 

Giá Arabica bất ngờ bật tăng gần 3% so với tham chiếu do đồng Real của Brazil giảm sâu. Chênh lệch tỷ giá USD/Real thu hẹp, đã phần nào hạn chế nhu cầu bán hàng của nông dân Brazil. Trước đó, giới chuyên gia cũng cảnh báo, giá Arabica ở mức thấp như hiện tại có thể khiến nông dân không mặn mà với việc bán hàng vụ mới. 

Trong khi đó, xuất khẩu cà phê vẫn được đẩy mạnh bởi nông dân tại Uganda, quốc gia cung ứng cà phê nói chung lớn thứ 4 thế giới. Nước này đã xuất khẩu 645.832 bao cà phê loại 60kg trong tháng 07 vừa qua, tăng 12% so với lượng cà phê vận chuyển ra nước ngoài trong cùng kỳ năm trước, Cơ quan Phát triển Cà phê Uganda (UCDA) cho biết. 

Giá Robusta cũng ghi nhận mức tăng hơn 1% trong phiên hôm qua nhờ lực kéo từ giá Arabica cũng như lo ngại về vấn đề tồn kho Robusta trên Sở ICE đang ở mức thấp nhất từng ghi nhận kể từ năm 2016.

Sáng nay, trên thị trường nội địa, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ tiếp tục nối dài đà phục hồi. Sau điều chỉnh tăng 500 đồng/kg, cà phê trong nước hiện được thu mua trong khoảng giá 64.300 – 65.200 đồng/kg.

Trong một diễn biến đáng chú ý khác, giá đường 11 cũng chứng kiến phiên tăng ấn tượng khi đóng cửa giá cao hơn khoảng 2% so với tham chiếu. Ấn Độ dự kiến cấm xuất khẩu đường sau 7 năm khiến thị trường gia tăng lo ngại vấn đề thiếu hụt nguồn cung trong niên vụ 2023/24. 

Trước đó, thị trường cũng đứng trước lo ngại vấn đề thiếu hụt nguồn cung đường trên phạm vi toàn cầu khi các hãng phân tích lớn đều dự đoán cán cung cung – cầu đường niên vụ 2023/24 sẽ thâm hụt do sự sụt giảm sản lượng tại các quốc gia sản xuất lớn như Ấn Độ, Thái Lan,…