Giá dầu đảo chiều giảm mạnh, kim loại đón nhận lực mua tích cực

Theo Sở Giao dịch Hàng hóa Việt Nam (MXV), đóng cửa hôm qua 28/9, sắc đỏ trở lại và chiếm ưu thế trên bảng giá hàng hoá nguyên liệu thế giới, kéo chỉ số MXV-Index giảm 1,37% xuống 2.256 điểm.

Tuy nhiên, dòng tiền đến thị trường vẫn gia tăng thể hiện qua mức tăng hơn 6% của giá trị giao dịch toàn Sở, đạt gần 3.600 tỷ đồng.

Giá dầu giảm do sức ép vĩ mô và nhà đầu tư chốt lời

Chốt ngày 28/9, giá dầu quay đầu giảm sau khi chạm mức cao nhất trong vòng hơn một năm. Một phần là từ sức ép các yếu tố vĩ mô, đặc biệt là việc Chính phủ Mỹ đối mặt với áp lực đóng cửa đã đẩy lực bán. Ngoài ra, các nhà đầu tư cũng thực hiện các giao dịch chốt lời sau khi giá dầu tăng vọt trong phiên hôm trước.

Cụ thể, giá dầu WTI kỳ hạn tháng 11 giảm 2,1% xuống 91,71 USD/thùng. Dầu Brent kỳ hạn tháng 12 giảm 1,34% xuống 93,10 USD/thùng.

Cố vấn kinh tế Nhà trắng Jared Bernstein phát biểu tại một sự kiện tại Viện Chính sách Kinh tế ngày 27/9 cho rằng nền kinh tế Mỹ đang phải đối mặt với một số rủi ro về việc Chính phủ có thể đóng cửa, khủng hoảng vay vợ sinh viên, lãi suất cao hơn và cuộc đình công của liên đoàn công nhân ô tô.

Trước đó, Chủ tịch Hạ viện Mỹ thuộc Đảng Cộng hòa Kevin McCarthy đã bác bỏ dự luật tài trợ tạm thời được tiến hành tại Thượng viện. Điều này dẫn đến nhiều khả năng Chính phủ Mỹ phải đóng cửa lần thứ 4 trong vòng một thập kỷ, vào ngày 1/10.

Rủi ro vĩ mô tiềm ẩn đã ảnh hưởng tới tâm lý của các nhà đầu tư, từ đó thúc đẩy lực bán trên thị trường.

Tối qua, Mỹ cũng đã công bố dữ liệu chính thức về tăng trưởng GDP quý II với mức tăng 2,1% so với quý I, cao hơn mức 2% trong báo cáo sơ bộ tháng trước. Ngoài ra, số đơn xin trợ cấp thất nghiệp hàng tuần tăng ít hơn dự báo trong tuần trước. 

Nhìn chung, nền kinh tế Mỹ vẫn đang cho thấy tiềm lực tương đối tốt, điều này tạo thêm không gian cho Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thắt chặt tiền tệ. Về dài hạn, nền kinh tế và nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ cũng gặp nhiều áp lực.

Ngoài ra, việc giá dầu WTI chạm mốc 95 USD/thùng cũng thúc đẩy nhiều nhà đầu tư đóng vị thế mua, làm gia tăng sức ép bán và kéo giá dầu suy yếu.

Công ty tư vấn Rapidan Energy Group cho biết Saudi Arabia có thể bắt đầu nới lỏng việc cắt giảm sản lượng sớm hơn so với dự kiến của các đối tượng tham gia trên thị trường dầu mỏ. Bob McNally, chủ tịch của công ty tư vấn này cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Bloomberg rằng, Saudi Arabia có thể sẽ không muốn cố tình thắt chặt thị trường quá mức, bởi vì nếu giá tăng đột biến thì nhu cầu sẽ sụt giảm và sẽ ảnh hưởng lớn đến thu nhập của chính quốc gia này.

Đồng USD suy yếu hỗ trợ nhóm kim loại phục hồi

Khép lại ngày giao dịch 28/9, sắc xanh đỏ đan xen trên bảng giá thị trường kim loại. Trong nhóm kim loại quý, giá vàng nối dài đà giảm sang phiên thứ tư liên tiếp khi giảm 0,54%, đóng cửa tại mức 1.864,56 USD/ounce, trong khi giá bạc và giá bạch kim đồng loạt phục hồi trong sắc xanh. Cụ thể,giá bạc nhích nhẹ 0,07% lên 22,74 USD/ounce và giá bạch kim đóng cửa tại 905,3 USD/ounce sau khi tăng 2,12%, xóa bỏ hoàn mức giảm của hai phiên trước đó.

Trong phiên hôm qua, một số dữ liệu kinh tế Mỹ tiêu cực hơn so với dự báo cùng với bình luận mang tính “ôn hòa” của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) bang Chicago Goolsbee đã khiến cho đồng USD suy yếu và gián tiếp hỗ trợ giá bạc, bạch kim phục hồi.

Cụ thể, dữ liệu từ Cục Thống kê Kinh tế Mỹ (BEA) chỉ ra tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) quý II/2023 của Mỹ đạt 2,1% (QoQ), thấp hơn so với mức 2,2% được điều chỉnh tăng trong quý trước. Ngoài ra, doanh số bán nhà chờ bán của Mỹ trong tháng 8 đã giảm 7,1% so với tháng trước, giảm mạnh hơn đáng kể so với dự báo giảm 1% của giới phân tích và đây cũng là mức giảm lớn nhất trong vòng 11 tháng.

Trong khi đó, Chủ tịch Fed bang Chicago Goolsbee cảnh báo rằng nguy cơ các nhà hoạch định chính sách tăng lãi suất nhiều vì quá chú trọng vào việc phải cắt giảm việc làm để kiềm chế lạm phát. 

Những điều này đã kéo đồng USD suy yếu với chỉ số Dollar Index chốt phiên giảm 0,41% xuống 106,22 điểm, chấm dứt chuỗi tăng 7 phiên liên tiếp. Đồng USD suy yếu đã hỗ trợ lực mua bạc và bạch kim tăng lên, do chi phí đầu tư trở nên bớt đắt đỏ hơn.

Với nhóm kim loại cơ bản, giá đồng COMEX phục hồi 1,97%, trong khi giá quặng sắt tăng 1,29%, chốt phiên tại 118,05 USD/tấn. Đây cũng là phiên ghi nhận mức tăng mạnh nhất của giá đồng trong vòng hơn 2 tuần. 

Sau khi giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 4 tháng vào phiên trước đó, giá đồng đã phục hồi trong phiên hôm qua khi các nhà đầu tư đồng loạt đóng vị thế trước kì nghỉ lễ dài ngày ở Trung Quốc. Trung Quốc sẽ bắt đầu kỳ nghỉ lễ kéo dài 10 ngày (tính cả thứ Bảy, Chủ nhật) vào ngày 29/9.

Bên cạnh đó, tin tức lạc quan về nền kinh tế Trung Quốc cũng hỗ trợ cho cả giá đồng và quặng sắt. Cụ thể, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết vào ngày 28/9 rằng họ đang nhận ra một số dấu hiệu ổn định trong nền kinh tế Trung Quốc.

Do đó nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có thể tăng trưởng với tốc độ nhanh hơn trong trung hạn nếu thực hiện các bước cải cách nền kinh tế để tái cân bằng tăng trưởng đầu tư sang tiêu dùng. IMF tin rằng Trung Quốc có thể đạt mức tăng trưởng khoảng 5% trong năm nay.

Với thị trường quặng sắt, hoạt động sản xuất thép tăng cao tại Trung Quốc đã hỗ trợ lực mua quặng sắt làm đầu vào sản xuất thép. Cụ thể, dữ liệu từ công ty tư vấn Mysteel cho thấy sản lượng kim loại nóng hàng ngày trong số 247 nhà máy thép được khảo sát đã tăng 0,1% lên 2,49 triệu tấn trong tuần tính đến ngày 28/9, mức cao nhất kể từ tháng 10/2020.

Từ ngày 2/10/2023, các mặt hàng thép bao gồm thép thanh vằn FOB Thổ Nhĩ Kỳ, thép phế liệu CRF Thổ Nhĩ Kỳ và thép cuộn cán nóng FOB Trung Quốc thuộc Sàn Giao dịch kim loại London (LME) sẽ được niêm yết tại MXV.

Điều này sẽ giúp nhà đầu tư đa dạng danh mục đầu tư, mở rộng sản phẩm giao dịch, đồng thời, tạo cơ hội cho các cá nhân, doanh nghiệp mua hàng thực có thể tự chủ động hơn về nguồn cung và không bị phụ thuộc quá nhiều vào đơn vị cung ứng.