Động lực tăng trưởng mới là gì và cần được kích hoạt ra sao để có được tăng trưởng như kỳ vọng?
Các chuyên gia cho rằng nếu giả thiết kinh tế thế giới còn bất định, và Việt Nam duy trì nỗ lực chính sách tương tự như đề ra trong nửa đầu năm 2024, thì mức tăng trưởng GDP năm 2024 dự báo đạt 6,55%. Còn nếu kinh tế thế giới chuyển biến tích cực hơn, GDP có thể đạt mức tăng 6,95%. Tuy nhiên, muốn đạt kịch bản tăng trưởng cao, cần thúc đẩy được các động lực mới cho tăng trưởng.
Chuyên gia kinh tế, PGS.TS. Lê Xuân Bá phân tích: "Nhiều báo cáo nói động lực tăng trưởng nhấn mạnh 2 yếu tố là Đầu tư và xuất khẩu nhưng có giới hạn nhất định, thời kỳ mới không dựa vào năng suất lao động và đổi mới sáng tạo thì rất khó. Vì đầu tư ICOR cao thì khó, xuất khẩu nước ngoài trì trệ không mua hàng thì chịu. Cần nhấn mạnh điều này".
Bên cạnh việc tiếp tục đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, xuất khẩu, tiêu dùng), thì Chính phủ cũng kỳ vọng việc thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, các ngành, lĩnh vực mới nổi như chip bán dẫn, hydrogen... sẽ hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế.
Đặc biệt, việc số hoá nền kinh tế sẽ tạo ra được sự thông thoáng trong thủ tục hành chính cũng như tiếp cận cơ chế chính sách dễ dàng, tiết kiệm được chi phí trong hoạt động sản xuất kinh doanh.
Nhìn vào những thành tựu của kinh tế số trong những năm gần đây, chuyên gia kinh tế - PGS. TS Đinh Trọng Thịnh nêu quan điểm: "Kinh tế số đang trở thành 1 trong những động lực cơ bản để thúc đẩy nền kinh tế của các quốc gia trên thế giới. Việt Nam là 1 trong 5 quốc gia có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới hiện nay về kinh tế số. Do đó việc chúng ta tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế số và cố gắng thực hiện từ nay tới năm 2025 nâng mức đóng góp kinh tế số vào nền kinh tế quốc dân lên mức mà chương trình của Chính phủ và Quốc hội đề ra là 30% trở thành 1 trong những vấn đề quan trọng với nền kinh tế nước ta".
Điểm tích cực là năng suất lao động có một số dấu hiệu cải thiện. GDP bình quân lao động có việc làm trong 6 tháng đầu năm 2024 đã tăng khoảng 10,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tính chung 6 tháng đầu năm 2024, tỷ lệ lao động không sử dụng hết tiềm năng là 4,3%, giảm 0,1 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm trước.
Một số doanh nghiệp đã bắt đầu ứng dụng trí tuệ nhân tạo - AI để cải thiện hiệu quả và năng suất lao động, như trong lĩnh vực thương mại điện tử, đồ họa chuyên nghiệp...
Tuy nhiên, mức độ sẵn sàng cho AI và chuyển đổi kỹ năng, tăng kỹ năng cho người lao động trong bối cảnh chuyển đổi số vẫn là thách thức đặt ra.
PGS. TS. Bùi Quang Tuấn, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh: "Phải có thể chế thí điểm, đột phá trong những lĩnh vực đóng góp động lực tăng trưởng mới của nền kinh tế. Rà soát động lực tăng trưởng về kinh tế xanh, kinh tế số, thì thêm là Đô thị kiểu mới, đô thị thông nh là động lực tăng trưởng mới, là các cực tăng trưởng mới của các vùng và của quốc gia".
Việc khơi thông động lực tăng trưởng mới được kỳ vọng có nhiều triển vọng trong năm nay, bởi trong bối cảnh khó khăn của năm 2023, Việt Nam đã đạt mức tăng trưởng 5,05%, thuộc nhóm tăng trưởng cao trong khu vực và thế giới, nâng quy mô nền kinh tế lên khoảng 430 tỉ USD.
Cùng với việc tập trung vào ứng dụng công nghệ, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số thì chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn là một trong những mục tiêu tăng trưởng trong bối cảnh chuyển dịch năng lượng và sản xuất xanh.
Do đó, theo chuyên gia kinh tế - PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, đây cũng là một trong những động lực mới cần được kích hoạt: "Chúng ta phải đẩy mạnh quá trình xanh hoá nền kinh tế bằng việc phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trên cơ sở sử dụng một cách có hiệu quả các nguyên nhiên vật liệu, năng lượng và thực hiện hoạt động kinh tế một cách tiết kiệm nhất các tài nguyên thiên nhiên và tái tạo tốt nhất tài nguyên nhằm đảm bảo an toàn môi trường nhưng cũng đảm bảo hiệu quả của hoạt động sản xuất kinh doanh".
Các chuyên gia cũng lưu ý, quy mô tài chính xanh còn khá khiêm tốn. Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, trong 5 năm, từ 2017 đến 2023, dư nợ cấp tín dụng xanh có mức tăng bình quân hơn 22%/năm. Đến hết năm 2023, có 47 tổ chức tín dụng phát sinh dư nợ tín dụng xanh đạt gần 621 nghìn tỷ đồng, tăng 24% so với cuối năm 2022, nhưng mới chiếm 4,5% tổng dư nợ toàn nền kinh tế.
Ông Nguyễn Anh Dương, Trưởng ban Ban Nghiên cứu tổng hợp, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: "Quy mô tài chính xanh còn khiêm tốn, mặc dù đã có cả ở kênh cổ phiếu, trái phiếu và tín dụng nhưng quy mô còn khiêm tốn và chưa có tiêu chí chính thức, đánh giá theo tiêu chuẩn nào, có thể ảnh hưởng đến tiến trình thực hiện. Đồng thời, rủi ro liên quan đến cấp vốn dự án xanh, phải có ưu đãi tài chính nhưng đến nay chưa được tháo gỡ".
Để có thể đạt mục tiêu tăng trưởng tích cực, các chuyên gia khuyến nghị cần cải thiện năng lực đổi mới sáng tạo, thích ứng với các xu hướng lớn như chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Cùng với, đó, cần hoàn thiện khung pháp lý cho các mô hình kinh tế mới, như: kinh tế tuần hoàn, kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế sáng tạo./.