Đề xuất sàn giao dịch bitcoin, tiền số tại Việt Nam

Việt Nam sẽ mở các trung tâm tài chính quốc tế đặt tại Đà Nẵng và Tp.HCM, trong đó thử nghiệm có kiểm soát sàn giao dịch tài sản ảo, tiền mã hóa.

Đây là đề xuất của Bộ Kế hoạch và đầu tư trong nỗ lực phòng, chống rửa tiền; kiểm tra và chứng nhận bảo mật, an ninh mạng liên quan các loại tài sản số và tổ chức cung ứng dịch vụ này. Xung quanh nội dung đề xuất, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh.

PV: Thưa ông, ông đánh giá thế nào về việc mở trung tâm tài chính quốc tế tại Đà Nẵng và Tp.HCM?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Tôi cho rằng đây là chuyển biến tốt. Với quyết tâm như thế, chúng ta sẽ xây dựng, chuẩn bị được các điều kiện để phát triển trung tâm tài chính quốc tế, đáp ứng yêu cầu giao dịch thị trường Việt Nam với thế giới, thu hút các nhà đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Từ đó, giúp Việt Nam hội nhập sâu hơn với nền kinh tế thế giới.

Tất nhiên, các điều kiện đó chúng ta phải phát triển nhiều hơn nữa. Muốn có trung tâm tài chính quốc tế, phải có người mua, người bán, hàng hóa, cơ sở hạ tầng, chuyên viên tài chính quốc tế phục vụ giao thương quốc tế. Trong đó cũng nhiều vấn đề, ví dụ việc chuyển hóa tiền tệ từ tiền Việt Nam sang các ngoại tệ một cách đơn giản, nhanh chóng, có nghĩa là tự do hóa tiền tệ. Rồi chính ta quản lý theo thông lệ quốc tế từ chuyển tiền, phát triển thị trường chứng khoán, chứng khoán phái sinh…

Rõ ràng, Chính phủ quyết tâm, từ đó, các chuyên gia phát triển thị trường tài chính quốc tế phân tích để tham mưu Chính phủ chuẩn bị các hạ tầng về công nghệ, giao thông vận tải nữa.

PV: Việt Nam là quốc gia top đầu thế giới về sở hữu tài sản số, nhưng nhiều tổ chức, doanh nghiệp phải đăng ký ở nước khác rồi về hoạt động tại Việt Nam bởi thiếu khung pháp lý về tiền số, tài sản số. Việc thử nghiệm sàn giao dịch tiền số có nghĩa thế nào với nước ta?

Ông Đinh Trọng Thịnh: Việt Nam là một trong những quốc gia có lượng người nắm giữ, tham gia thị trường crypto hàng đầu thế giới (từ top 1 đến top 3). Trong khi đó, chúng ta không có công cụ quản lý, không thu được thuế, mà người mua bán giao dịch cũng dở dở ương ương.

Bảo phạm luật không thì phạm luật đấy, bảo không thì cũng không. Không vì chưa có quy định cụ thể. Còn có thì vì sao, khi chuyển từ tiền Việt sang ngoại tệ phải được các cơ quan pháp luật cho phép, nếu chuyển không đúng thì vi phạm. Vì tham gia thị trường crypto kiểu gì cũng phải chuyển tiền Việt sang ngoại tệ. Rất khó cho cá nhân, doanh nghiệp.

Bây giờ mới đề cập, thì thực tế tiền số, tài sản số vẫn đang phát triển mạnh mẽ nhưng tự do, chẳng ai quản cả. Chúng ta phát triển trung tâm tài chính thì phải có cơ chế quản lý được crypto. Nghiên cứu đưa đồng Bitcoin nói riêng và các đồng tiền ảo nói chung rất quan trọng, cần thiết.

Tôi ủng hộ theo phương hướng xem tiền ảo như tài sản ảo để tính toán, thu thuế. Nó giống chứng khoán phái sinh mà chúng ta đang có trên thị trường phái sinh, gồm hợp đồng quyền chọn, hợp đồng kỳ hạn tương lai. Tất nhiên, cái đấy nói với nhau thôi, nhưng thành văn bản phải nghiên cứu cụ thể. Tất nhiên, đối với tiền ảo, gần như cả thế giới không công nhận, trừ 1 quốc gia chỉ cho phép đổi ra thôi, họ không công nhận chính thức là tiền tệ.

PV: Cảm ơn chia sẻ của ông.

Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét, thông qua dự thảo nghị quyết về đề xuất thử nghiệm sàn giao dịch bitcoin, tiền số tại trung tâm tài chính quốc tế tại kỳ họp thứ 9 vào giữa năm nay.