Tuy nhiên nhiều ý kiến cũng đề xuất mở rộng đối tượng và có những chính sách khuyến khích, để có thêm nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng.
Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Tài chính, doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 3 tỷ đồng sẽ được hưởng mức thuế suất 17%, còn mức thuế suất 15% sẽ áp dụng cho các doanh nghiệp có tổng doanh thu dưới 50 tỷ đồng.
Đề xuất giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 3%-5% này được nhiều doanh nghiệp đánh giá cao, bởi nó sẽ giúp họ dần khắc phục được những khó khăn và có thêm nguồn lực để phục hồi sản xuất kinh doanh.
"Nó giúp chúng tôi có thể đỡ gánh nặng tài chính để có thể đầu tư vào những công nghệ mới để công ty phát triển được tốt hơn".
"Sẽ có một lượng tiền để tái đầu tư hoặc cũng trả được lương cho anh em công nhân lao động được khá hơn hoặc là làm các chương trình thúc đẩy bán hàng tồn kho ra".
Thuế suất này không áp dụng với các doanh nghiệp là công ty con hoặc công ty có quan hệ liên kết mà doanh nghiệp trong quan hệ liên kết không thuộc đối tượng được hưởng chính sách trên. Do đó, đại diện doanh nghiệp cũng đề xuất nên bổ sung thêm các điều kiện, đơn cử như về lao động tại doanh nghiệp.
Ông Lại Hoàng Dương – Giám đốc công ty cổ phần Truyền thông và máy tính Thánh Gióng cho biết: "Các doanh nghiệp đang làm mảng kinh doanh đặc thù có thể chỉ một đơn hàng hoặc có thể chỉ cần nguồn lao động rất ít thôi thì người ta cũng đạt trên 50 tỷ thì người ta cũng được áp dụng vì vậy việc này ít tác động đến các doanh nghiệp nhiều lao động nhiều hơn. Kiến nghị như vậy cũng mong Bộ tài chính trình Quốc hội có thể bổ sung thêm điều này".
Mức thuế thu nhập doanh nghiệp của Việt Nam là 20% đang ở mức trung bình trong khu vực ASEAN. Cùng với việc giãn, hoãn nộp các loại thuế, thì việc giảm thuế thu nhập cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ nên được triển khai để khuyến khích số lượng doanh nghiệp mới thành lập nhiều hơn. Các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ cũng đang rất kỳ vọng được áp dụng thuế thu nhập doanh nghiệp ưu đãi riêng để duy trì, mở rộng sản xuất.
Bên cạnh đó, hỗ trợ về thuế thu nhập doanh nghiệp cũng là nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp khởi nghiệp, bởi lúc này các doanh nghiệp đang trong giai đoạn kiện toàn hệ thống sản xuất và tìm kiếm thị trường.
Ông Nguyễn Văn Thân – Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam phân tích: "Doanh nghiệp vừa mới làm đối tượng cần hỗ trợ người ta để họ có đà bật lên, lực lượng ấy mới là lực lượng quay lại đóng thuế cho nhà nước nhiều hơn. Và lực lượng ấy lại có công sức để kéo ông nhỏ và siêu nhỏ lên. Vừa mới là đối tượng trọng tâm nhất".
Doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ hiện chiếm gần 94% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động ở Việt Nam. Tuy nhiên, hiện chỉ khoảng 20% có lợi nhuận để đóng thuế thu nhập doanh nghiệp nên nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, Bộ Tài chính nên mở rộng thêm quy mô doanh thu để thêm nhiều doanh nghiệp được thụ hưởng.
Bà Phạm Thị Ngọc Thủy - Giám đốc Văn phòng Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân cho biết: "Liệu bao nhiêu doanh nghiệp trong số các doanh nghiệp nhỏ và vừa tiệm cận được chính chính sách này trong thực tiễn. Nếu chính sách ban hành ra trên lý thuế thì tốt nhưng doanh nghiệp tiệm cận được không mấy thì không phát huy được".
Đồng quan điểm, TS. Trần Đình Thiên - Nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng: "Nếu mà theo quy định như thế này thì doanh nghiệp trên 50 tỷ là hầu như không có giảm gì về thuế, có thể mình tăng quy mô doanh thu của doanh nghiệp lên không phải 50 tỷ mà đến 100 tỷ chẳng hạn là được hưởng ưu đãi đó, thì như vậy số doanh nghiệp hưởng thuế suất nhỏ đi nó tăng lên".
Do vậy, các chuyên gia cho rằng giảm thuế cho doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ là một chính sách tốt. Việc mở rộng thêm đối tượng được thụ hưởng ngoài tạo sự công bằng, còn thể hiện rõ được sự quan tâm của Chính phủ đối với sự phát triển của doanh nghiệp cũng như nền kinh tế./.