Đánh thuế bất động sản thế nào để tránh nạn đầu cơ, không đánh thuế oan?

Bộ Xây dựng vừa đề xuất chính sách đánh thuế với trường hợp sở hữu, sử dụng nhiều nhà đất nhằm hạn chế đầu cơ, mua đi bán lại trong thời gian ngắn để kiếm lời. Sau đó, Bộ Tài chính cho biết, sẽ nghiên cứu đề xuất này để giúp thị trường bất động sản minh bạch, bền vững.

Xung quanh nội dung đánh thuế bất động sản, PV VOV Giao thông có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đỉnh, chuyên gia pháp lý bất động sản. 

Đánh thuế bất động sản là nội dung được nghiên cứu hơn một thập kỷ nay tại nước ta, nhằm hạn chế nạn đầu cơ đất đai, bỏ hoang tài nguyên.

PV: Thưa ông, ông có quan điểm thế nào về đề xuất đánh thuế bất động sản?

Ông Nguyễn Đỉnh: Đương nhiên, đánh thuế bất động sản là biện pháp phải làm. Chúng ta nghiên cứu cách đây hơn 10 năm, nhưng chưa làm được. Trong Nghị quyết 18 của Ban chấp hành Trung ương năm 2022 về đổi mới chính sách đất đai, đã có nội dung một lần nữa đề cập đánh thuế với người sử dụng nhiều diện tích đất, nhiều nhà, sử dụng không hiệu quả dưới hình thức đầu cơ, bỏ hoang. Điều này chắc chắn cần làm.

Căn cứ chính trị này cần được thể chế hóa bằng pháp luật. Hiện Chính phủ đang giao Bộ Tài chính nghiên cứu, xây dựng Luật Thuế bất động sản để áp dụng. Tôi cho rằng, việc đánh thuế này đương nhiên phải làm.

PV: Nhiều người đặt niềm tin vào việc đánh thuế bất động sản có thể giúp bình ổn giá bất động sản, ông có cùng góc nhìn?

Ông Nguyễn Đỉnh: Chúng ta đã có kinh nghiệm từ nhiều quốc gia. Thông qua các cơn sốt đất, các quốc gia đều đánh thuế bất động sản. Như Nhật Bản, trải qua nhiều đợt sốt đất, sốt bất động sản như chúng ta hiện nay, họ làm và phát huy hiệu quả rất cao.

Chúng ta cần xác định, bất động sản nếu giải quyết nhu cầu thực thì không đánh thuế, hoặc đánh thuế thấp. Nhưng với phân khúc đầu tư, đầu cơ, căn nhà thứ hai diện đó hoặc sau khi mua anh lập tức bán thì mức thuế phải cao để đánh vào hành vi người đầu tư, đầu cơ. Như vậy mới đảm bảo tính công bằng xã hội, kiềm chế được giá bất động sản, điều tiết được dòng tiền đi vào các hoạt động sản xuất kinh doanh, thương mại dịch vụ. Như vậy, nền kinh tế mới phát triển được.

Hiện nay, có rất nhiều người có tâm lý “không gì giàu bằng mua đất, cho nên, chúng ta vẫn đang có hiện tượng đầu tư, đầu cơ đất đai rất nhiều.

Theo chuyên gia pháp lý BĐS Nguyễn Đỉnh, Nhật Bản từng xảy ra sốt đất như Việt Nam hiện nay, và áp dụng đánh thuế bất động sản rất hiệu quả, kiềm chế giá nhà đất.

PV: Xin cảm ơn ông.

Liên quan một số ý kiến e ngại, sẽ có người bị đánh thuế bất động sản oan, nếu mua nhà để dành cho con cháu, hoặc nhà đất thứ hai trở lên phát sinh sử dụng thực tế, phóng viên nhận được ý kiến của chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh:

Ông Đinh Trọng Thịnh: Theo quan điểm của chúng tôi, chúng ta nên đánh thuế trên giá trị hoặc diện tích sử dụng của từng người. Từ đó, có thể có thuế với diện tích vượt định mức. Còn thực ra, có bất động sản thứ hai, thứ ba mà người ta đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả kinh tế, đảm bảo hoạt động kinh doanh thì không nên đánh thuế.

Mà chúng ta nên đánh thuế thật nặng vào những người có bất động sản để hoang hóa, chưa đưa vào sử dụng, tránh việc đầu cơ, tạo ra những khu vực tối của từng địa phương, khả năng phát sinh tệ nạn xã hội, làm xấu cảnh quan môi trường.