Cam Sành từ cây tiền tỉ đến “bỏ không xong, trồng thêm nợ”?

Cách đây chưa đầy 10 năm, cam sành được xem là loại cây chủ lực của 2 tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh vì cho lợi nhuận “khủng”. Tuy nhiên, 3 năm gần nhất, cam sành trở thành “gánh nặng” khi giá cả liên tục tuột dốc khiến nông dân điêu đứng...

Đến “vương quốc” cam sành Cầu Kè - Trà Vinh, nhìn những cánh đồng cam bạt ngàn xanh mướt nối tiếp nhau, mới cảm thấy thương không hết nỗi khổ của nông dân. Để có vườn cam tươi tốt, nông dân đã cầm cố hết tài sản để vay nợ… vậy mà vẫn chưa thu được đồng lời nào từ dãy ruộng mật, bờ xôi. Mỗi nhát cuốc như cứa sâu vào sự mất mát của anh Phạm Văn Đăng, ở xã Thông Hòa.

Cách đây nhiều năm, anh Đăng bỏ dừa trồng cam với ước mong tuổi già sẽ có của ăn của để, nhưng của đâu chưa thấy chỉ thấy đổ nợ liền 3 năm: “Mấy tháng nay giá cam giảm chỉ còn vài ngàn đồng/ký nhà vườn không có lãi, vì giá cam quá thấp so với khoản mà mình đầu tư. Giá vật tư thì cao, còn giá cam bán ra có lúc được 4.000-5.000 đồng/kg, rồi 3.000-4.000 đồng/kg. Thời điểm hiện tại cam loại 1 chỉ còn 2.000 đồng/kg mà thương lái không chịu mua nữa”.

Cùng cảnh ngộ với anh Đăng, ông Hồ Văn Hải ở xã Thạnh Phú trồng được 4.000 mét vuông cam, hiện trái đang chín rụng. Chi phí đầu tư trồng cam năm đầu bình quân là khoảng 600 triệu đồng/hecta và những năm tiếp theo còn khoảng 300 triệu đồng/hecta/năm. Với khoản đầu tư này, giá cam phải từ 7.000 đến 10.000 đồng/kg trở lên thì nông dân mới có lãi.

Hiện giá cam quá thấp, loại đẹp (loại 1) tại vườn chỉ còn 2.000 đồng/kg, nhiều vườn cam đã đến kỳ thu hoạch nhưng không có người mua, hoặc chỉ mua cầm chừng với giá rất thấp: “Hiện không có lãi, thậm chí 10.000đồng/kg cũng không có lãi. Nếu đất nhà thì có lãi chút đỉnh, còn đất thuê thì coi như trắng tay. Phân bón trước đây có thể mua thiếu, nhưng hiện họ không bán vì giá cam giảm họ sợ không có tiền trả”.

Thời điểm hiện tại cam loại 1 chỉ còn 2.000 đồng/kg.

Mạnh hơn ông Hải và anh Đăng về kinh nghiệm, ông Huỳnh Bá Nhanh - Tổ trưởng Tổ hợp tác cam sành ấp Rạch Nghệ, xã Thông Hòa cho biết đã “chinh chiến” với cây cam sành ngót 10 năm. Ông cho biết, trước năm 2021, giá cam sành thường luôn ở mức từ 18.000-30.000 đồng/kg, mỗi hecta cam nhà vườn thu lãi cả tỷ đồng. Tuy nhiên, từ đầu năm 2022, giá cam sành bắt đầu lao dốc, tết nguyên đán vừa qua giá cam chỉ ở mức 5.000 đồng/kg, rồi cứ giảm dần khiến nhà vườn lâm vào cảnh khó khăn, nợ nần: “Trước đây có nhiều hộ thoát nghèo, thậm chí một số hộ còn làm giàu từ cây cam sành. Nhưng những năm gần đây, giá cam sành giảm rất mạnh, các hộ trồng cam không còn thu lãi nữa”.

Hiện nay, chỉ riêng ở Trà Vinh đã có 4.700 hecta diện tích trồng cam sành, trong đó có trên 3.400 hecta đang cho trái, sản lượng đạt gần 180.000 tấn/năm. Diện tích trồng cam cứ tăng dần từng năm, chỉ riêng trong năm 2024, tỉnh này đã có thêm 500 hecta cam được trồng mới.

Còn tại Vĩnh Long thì đến cuối năm 2022 đã có trên 17.000 hecta trồng cam sành, tăng gần 3.000 hecta so với năm 2020. Trong đó, Trà Ôn là huyện có diện tích trồng cam sành tập trung nhiều nhất với gần 10.000 hecta, kế đến là huyện Tam Bình với hơn 3.300 hecta và huyện Vũng Liêm là hơn 2.800 hecta.

Cam sành Vĩnh Long và Trà Vinh “nổi tiếng” trái to, nhiều nước, vỏ mỏng, cộng với áp dụng kỹ thuật canh tác đạt năng suất từ 70-100 tấn/hecta nên trung bình nông dân thu lời từ 300-500 triệu/hecta/năm. Do lợi nhuận cao, người dân đã đổ xô trồng cam sành nên khiến tình trạng “cung vượt cầu”.

Lý do giá cam sành giảm sâu chưa từng có là vì các địa phương đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ, trong khi loại cam này chỉ tiêu thụ dạng tươi, vắt lấy nước tại thị trường các tỉnh phía Bắc và ền Trung nên sức mua của người tiêu dùng  có hạn. Nguyên nhân sâu xa của tình trạng “vỡ trận” cam sành được ngành nông nghiệp nhìn nhận là do công tác quy hoạch vùng sản xuất chưa được thực hiện nghiêm ở các địa phương.

Liên tiếp 3 năm nay, nhiều địa phương bắt đầu "chiến dịch" giải cứu cam nhưng cũng chẳng bán được bao nhiêu so với sản lượng hiện có gần 200 ngàn tấn.

Cam rớt giá, người khổ nhất là nông dân. Bởi vì cam sành bán dưới giá 10.000 đồng/kg thì nhà vườn đã lỗ. Trước thị trường cam sành “tuột dốc không phanh” đã dẫn đến chuyện nhiều nông hộ canh tác cam rơi vào cảnh trắng tay, nợ nần chồng chất, chi phí đầu tư cho vườn cam lớn hơn rất nhiều so với các loại cây trồng có múi khác.

Bà Đỗ Thị Phương Khánh, Chủ tịch HTX Cam sành Khánh Nhân, xã Loan Mỹ, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Chi phí sản xuất một hecta từ ngày trồng đến thu hoạch từ 1 - 1,2 tỷ đồng. Một hecta thu hoạch được từ 70 - 100 tấn. Giá bán ra từ 1.000 - 3.000 đồng/kg. Như vậy 01 hecta mình lỗ khoảng 700 triệu. Nhiều vườn mình bán khoảng 1.000 đồng/kg, nhằm vườn người ta bỏ trái không bán luôn vì bán lấy tiền mướn người thu hoạch không đủ chi phí”.

Ba năm qua, Sở Công Thương hai tỉnh Vĩnh Long và Trà Vinh đã liên tục quảng bá thương hiệu cam sành trên sàn thương mại điện tử, Shopee và ShopeeFood đã phối hợp cùng Foodmap.asia (Foodmap) triển khai chiến dịch “Giỏ cam yêu thương”. Tuy nhiên, với số lượng hàng trăm nghìn tấn thì chẳng có sàn thương mại nào giải cứu nỗi khi người dân cứ tiếp tục trồng.  “Bài học” từ cam sành cũng có một phần vai trò định hướng của ngành nông nghiệp.

Ông Nguyễn Văn Liêm - Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Long cho biết: “Chuyện cam sành rớt giá đã được ngành chuyên môn dự báo trước, đến một lúc nào đó khi mà ta phát triển nhiều quá thì điều này sẽ xảy ra. Ngành Nông Nghiệp chỉ có vai trò định hướng và tư vấn kỹ thuật, chọn giống cây trồng vật nuôi phù hợp cho giá trị kinh tế cao để người dân sản xuất. Còn lại, quyền quyết định là của người dân. Ai cũng muốn sản xuất thành công, hiệu quả, cuộc sống tốt hơn… nhưng đến khi vượt ngưỡng về nhu cầu thì giá cả thị trường nó sẽ thông báo. Coi như đây là một “lời cảnh báo” để chúng ta biết đã đến thời điểm cần dừng lại, cân nhắc đầu tư”.

Nhiều hộ tìm kiếm thuê cho được đất để trồng cam nhưng hiện nay muốn “tháo chạy” thì lại không xong. Trước nỗi khó khăn của nông dân trồng cam, hiện nay, ngoài nỗ lực kết nối cung cầu của ngành chức năng thì lời khuyên chỉ có một, đó là, không ồ ạt trồng để “được mùa mất giá”, rồi đốn chặt trong lỗ lã.