Dù chỉ chiếm 46% diện tích và sản lượng tôm cả nước nhưng Cà Mau lại được mệnh danh là “vua tôm” vì sản lượng và tỷ trọng xuất khẩu luôn ở mức cao. Đồng thời, địa phương xuất hiện những mô hình tạo ra con tôm sinh thái đạt tiêu chuẩn xuất khẩu đến bất kỳ thị trường nào trên thế giới. Năng lực là vậy, nhưng Cà Mau có sản lượng và chất lượng con giống chỉ đáp ứng được 50% so với nhu cầu. Từ thực tế này, Cà Mau đang nỗ lực tìm hướng đi bền vững cho ngành nuôi tôm từ khâu con giống đến chăm sóc và thu hoạch đạt chất lượng.
Đi từ trung tâm TP. Cà Mau theo quốc lộ 1A xuôi về mốc tọa độ GPS-0001 cực Nam Tổ quốc, người ta nhìn thấy cả một bầu trời là màu xanh bát ngát từ những cánh rừng mắm, rừng đước hai bên đường. Nơi đó, trên là tán rừng, dưới là cá tôm được thả nuôi theo mô hình sinh thái.
Ông Nguyễn Văn Tiền đi dở lú bắt những con tôm rừng chắc thịt và giới thiệu đây là “tôm rừng chính hiệu”, “chính hiệu” của ông Tiền là tôm được nuôi theo một quy trình, có thời gian phơi đầm, rải vôi, khử khuẩn. Con giống được khoanh ươm rồi thả ra môi trường tự nhiên nên lớn nhanh hơn.
Ông Nguyễn Văn Tiền – ngụ xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển, tỉnh Cà Mau cho biết: “Khi thả giống, tôi không thả dưới đáy mương mà thả trên phần trảng sẽ ít hao hụt hơn. Sau khi thả khoảng 14 ngày mới dỡ mành chủ, bung ra. Con tôm đã lớn, dài hơn 2 phân, đạt yêu cầu, bung ra vuông đi kiếm thức ăn”.
Huyện Ngọc Hiển có khoảng 21.000/57.000 hecta nuôi tôm dưới tán rừng được các tổ chức quốc tế công nhận chứng nhận sạch. Hiện đang có 9.000 hecta đang được xem xét công nhận và trở thành vùng nguyên liệu chất lượng để giúp các doanh nghiệp xuất khẩu đến những thị trường khó tính nhất trên thế giới. Thế nhưng, khác với ông Tiền, nhiều nông dân cũng đang trăn trở về con giống. Giá cả thì có rẻ hơn nơi khác nhưng chất lượng thì còn chưa cao, đặc biệt nuôi con giống sản xuất từ nội tỉnh thì quy trình khắc khe hơn, nếu không con tôm sẽ bị hao hụt đáng kể.
Anh Nguyễn Minh Tâm – ngụ xã Tân An Tây, huyện Ngọc Hiển cho biết: “Con giống ở đây bán 35 - 40 đồng/con, tôi nuôi trên 14 công đất thì bình quân thả 30 ngàn con, tổng tiền 1.200 ngàn đồng. Mỗi lần thu hoạch tôi bắt lại được 6.000 con tôm thịt bán được hơn 10 triệu. Nhưng công dưỡng rất tốn tiền và thời gian dài hơn. Tôi chấp nhận mua con giống mắc hơn nhưng tôi chắc chắn số tôm thu về sẽ ở khoảng 9.000 con”.
Lĩnh vực sản xuất tôm giống vẫn còn những khó khăn nhất định, đây là điểm yếu được Cà Mau nhìn nhận. Với diện tích 280.000 hecta nuôi tôm, nhu cầu tôm giống phục vụ cho các vùng nuôi của tỉnh hằng năm khoảng 40 tỷ con/năm. Nhưng năng lực tối đa của địa phương hiện nay chỉ mới sản xuất được 19 tỉ con/năm. Cuối năm 2023, tôm giống nhập tỉnh khoảng 20 tỷ con. Trong đó, số lượng tôm giống nhập tỉnh qua kiểm dịch là 6 tỷ con.
Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng thẳng thắn cho biết: “Hiện tại sản xuất con tôm giống ở Cà Mau chỉ đáp ứng được 50% nhu cầu của tỉnh, còn lại thì chúng tôi phải nhập từ nơi khác, như: Ninh Thuận, Bình Thuận, Khánh Hòa, Bạc Liêu. Địa phương cũng rất nỗ lực cung ứng con giống vùng nuôi nội tỉnh nhưng thực tế công tác này còn rất nhiều khó khăn”.
Khó khăn dẫn đến việc cung ứng nguồn tôm giống chưa đáp ứng số lượng của Cà Mau là do thiếu hệ thống xử lý nước thải, hệ thống quan trắc môi trường phục vụ sản xuất tôm giống. Nghề sản xuất tôm giống Cà Mau đã có khá lâu, nhưng vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, 70% cơ sở sản xuất quy mô nhỏ lẻ và công nghệ hạn chế.
Tình trạng trại sản xuất ngoài quy hoạch còn nhiều, các cơ sở sản xuất chưa đảm bảo điều kiện gây khó khăn trong công tác quản lý của cơ quan chức năng. Cơ sở thiếu vốn đầu tư nên sản xuất tôm giống chưa đạt chất lượng như mong muốn. Còn rất nhiều lô tôm giống chưa được kiểm dịch bày bán tràn lan tại các chợ, không đảm bảo chất lượng.
Từ thực tế này, Sở NN&PTNT 2 tỉnh, Ninh Thuận - Cà Mau vừa phối hợp tổ chức hội nghị xúc tiến, kết nối cung - cầu tôm giống Ninh Thuận tại Cà Mau. Nội dung chính của hội nghị là triển khai các nội dung hợp tác giữa Ninh Thuận - Cà Mau, Ninh Thuận sẽ cung ứng con giống cho người nuôi tôm Cà Mau. Ðây là hội nghị lần đầu tiên tổ chức nhằm đạt 2 mục tiêu: tôm giống Ninh Thuận về Cà Mau nhiều hơn và nông dân Cà Mau thả giống Ninh Thuận đạt chất lượng cao hơn.
Ông Châu Công Bằng – Phó giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Cà Mau khẳng định: “Bộ NN&PTNT đã chỉ đạo cho các địa phương trọng điểm nuôi tôm phải phối hợp chạt chẽm quản lý con giống từ lúc ươm tại trại và xuất trại phải đạt chất lượng theo yêu cầu. Điều này chúng tôi đã phối hợp chặt chẽ. Ninh Thuận là địa phương cung ứng cho Cà Mau số lượng con giống rất lớn, hơn 10 tỷ con/năm. Cho nên chúng tôi đang gắn kết cho doanh nghiệp sản xuất gắn với vùng nuôi, người sản xuất liên kết chặt với người nuôi. Vậy mới phát triển ngành tôm bền vững”.
Việt Nam là quốc gia cung cấp tôm thứ 2 trên thế giới, xuất khẩu đến trên 100 quốc gia. Riêng Cà Mau đã đóng góp hơn 1 tỷ USD về xuất khẩu tôm, chiếm 28% của cả nước và duy trì ở mức 1 tỷ USD trong 03 năm gần đây. Toàn tỉnh Cà Mau có 280.000 hecta nuôi tôm.
Người dân địa phương đang nuôi tôm với 5 loại hình chủ yếu: Nuôi tôm công nghiệp (bán thâm canh, thâm canh, siêu thâm canh), tôm – lúa, tôm – rừng, quảng canh cải tiến và quảng canh kết hợp. Ðến cuối năm 2023, sản lượng thuỷ sản đạt 231.500 tấn, năng suất tôm nuôi bình quân ước đạt 830,5 kg/hecta/năm, kim ngạnh xuất khẩu thuỷ sản đạt 1.064 triệu USD.
Cà Mau dự kiến tổng nguồn vốn đầu tư cho phát triển tôm đến năm 2030 là khoảng 20.000 tỷ đồng. Mục tiêu sẽ đạt tổng sản xuất lượng tôm nuôi đạt 350.000 tấn, giá trị kim ngạch xuất khẩu đạt 1,65 tỷ USD. Địa phương đang khuyến khích và mời gọi các doanh nghiệp đầu tư các vùng nuôi tôm siêu thâm canh. Và để hiện thực hóa khát vọng 1,65 tỷ USD từ tôm thì xuất phát điểm cần đầu tư bài bản ngay lúc này chính là con giống!