Mojave desert in the sun
Mojave desert in the dark

Tiếp cận giao thông là nguyện ước - Nguyện ước về con đường hy vọng của người khuyết tật; con đường đầu tiên giúp họ hòa nhập cộng đồng, sử dụng các dịch vụ y tế, giáo dục và tìm kiếm việc làm. Tuy nhiên, những bất cập về cơ sở hạ tầng đang là rào cản đối với người khuyết tật trên con đường hiện thực hóa nguyện ước của mình.

Một nữ vận động viên khuyết tật, một cựu nhà báo khiếm thị và một Thạc sỹ ngồi xe lăn. 3 câu chuyện chân thực về đời sống mưu sinh của những người khuyết tật ở Hà Nội và TP.HCM sẽ kể cho độc giả về những khó khăn, trở ngại và những ước nguyện về con đường hy vọng…

Thông qua trải nghiệm xem - nghe - đọc, tác phẩm “Những nguyện ước về con đường hy vọng” sẽ chạm tới cảm xúc và sự thấu hiểu của khán thính giả; từ đó, chúng ta thêm yêu thương, đồng cảm và hết lòng giúp đỡ người khuyết tật - những người đang nỗ lực vì chính bản thân họ và vì xã hội.

"Nữ hoàng" vận động viên

Bắt hoài không được xe buýt …

Hồ Thị Thu Mai, sinh năm 1991, quê ở Bình Phước, bị tật ở chân từ nhỏ phải sử dụng nạng để đi lại. Em là 1 trong số 7 triệu người khuyết tật (NKT) ở Việt Nam.

Trong suốt 4 năm theo học Đại học Nguyễn Tất Thành, ngành công nghệ thông tin, Mai được “làm quen” và gắn bó với xe buýt. Lúc tìm thuê nhà trọ, Mai phải tìm những phòng trọ gần với điểm đỗ xe buýt nhất để rút ngắn quãng đường đi bộ ra trạm xe buýt mỗi ngày.

"Đi bắt xe buýt nó cũng cực lắm, có nhiều tuyến xe buýt họ rước, nhiều tuyến xe bus bỏ luôn. Nhiều khi muốn khóc. Nhiều hôm em bị muộn giờ học rồi nhưng họ cố tình thả khách xuống cách xa trạm xe buýt vài mét, rồi chạy xe luôn. Mình đâu có cách nào để chạy ra. Nhiều khi đi học về, bắt hoài không có chiếc xe nào thành ra phải đi bộ!”, Mai nhớ lại.

Nhà chờ xe buýt không bố trí không gian cho người khuyết tật

Phương tiện giao thông công cộng hỗ trợ đắc lực cho người khuyết tật tham gia giao thông và hòa nhập cộng đồng nhưng tại nhiều trạm xe buýt, chưa bố trí hạ tầng tiếp cận cho người khuyết tật.

Số lượng xe buýt sàn thấp, có đường dốc cho xe lăn còn ít, cản trở phần nào người khuyết tật tiếp cận các dịch vụ y tế, tìm kiếm việc làm và tham gia các hoạt động giải trí.

Trạm xe buýt thiếu làn đường tiếp cận hỗ trợ NKT, đặc biệt người đi xe lăn

Mai phải đứng trên xe buýt hơn 10km mà không được nhường ghế

Hai lần chết hụt ...

Vào thời điểm dịch covid lan rộng tại Tp.HCM, tai họa bất ngờ ập đến. Tháng 9/2021, cùng một lúc Mai nhận tin dữ: ung thư buồng trứng, suy gan, suy thận và nhiễm trùng máu, hoại tử khớp háng.

Trong 6 tháng, Mai liên tiếp thực hiện 3 cuộc phẫu thuật lớn nhỏ tại 3 bệnh viện lớn ở Tp.HCM để cắt bỏ những khối u, khối áp xe trong cơ thể và vật lộn với căn bệnh nhiễm trùng máu.

Không dưới 2 lần, các bác sĩ thông báo gia đình chuẩn bị hậu sự...

Sức sống mãnh liệt đã giúp cô gái bé nhỏ vượt qua tử thần một cách ngoạn mục. Duy chỉ một điều, hoại tử xương gây phá hủy và biến dạng khớp, khiến Mai không thể đi lại như trước đây, mà phụ thuộc hoàn toàn vào xe lăn.

- “Em nằm bệnh viện Từ Dũ hơn một tháng, khi tỷ lệ nhiễm trùng giảm, bệnh viện cho xuất viện, để tiếp tục qua bệnh viện Chợ Rẫy xử lý cái chân. Nhưng chi phí thay phần khớp háng nhân tạo khoảng 50-70 triệu, em chưa có đủ tiền.”, Mai bùi ngùi tâm sự.

Trong thời gian nằm viện, dù được Hội bảo trợ người khuyết tật ở quê, Hội người khuyết tật nơi em tham gia hoạt động thể thao, cùng thầy giáo, bạn bè giúp đỡ phần nào về kinh phí, nhưng gia đình Mai vẫn phải gánh thêm khoản nợ không nhỏ.

Sức khỏe suy giảm nghiêm trọng, mất việc làm, nhưng không làm cô gái này nhụt chí. Ngay khi sức khỏe ổn định, gom góp số tiền còn lại, Mai tìm mua một chiếc xe ba bánh chạy điện, để bắt đầu công việc mưu sinh bằng nghề bán vé số.

Trừ những hôm ốm nằm bẹp, cứ đúng 8h sáng hàng ngày, bà con lối xóm lại nghe tiếng xe 3 bánh điện lách cách rời phòng trọ nghèo đi đến từng hộ gia đình trong ấp để bán vé số.

3 cuộc phẫu thuật liên tiếp trong 6 tháng không “quật ngã” được cô gái kiên cường. Ảnh: NVCC

Mỗi ngày, Mai nhận 280 tờ vé số để đi bán từ một “đầu mối”- cũng là một người khuyết tật được cử đi lấy vé số cách hơn chục km. Ngày nào may mắn, toàn bộ số vé được bán, Mai sẽ kiếm được 280 nghìn đồng. Trừ tiền ăn uống, phòng trọ, em có thể tiết kiệm được trên dưới 100 nghìn để dành cho cuộc phẫu thuật sắp tới. Nhưng nếu không may bị ốm, hay chiếc xe ba bánh giở chứng, cả bạc triệu lại “ đội nón” ra đi.

Áp lực hơn cả với Mai là quãng đường “đi làm” hàng ngày là dòng xe cộ đông đúc, là những con đường gập ghềnh nhiều “ổ voi, ổ gà”, những vỉa hè không có đường tiếp cận dành cho xe lăn.

Mai tâm sự, em sợ nhất những ngày trời mưa, tham gia giao thông nguy hiểm, vé số không bán được, phải “ôm” hàng, lỗ có khi lên tới hàng triệu đồng. "Trời mưa, các hố voi bị nước ngập không nhìn thấy đường, xe đi vào dễ bị lật, té ra đường là xe đằng sau đi tới cán. Áp lực tâm lý dữ lắm nhưng lúc đó chỉ cầu trời, khấn phật đi qua được đoạn đường này”, Mai nói.

Người ta không nhận trông xe mình cũng không ép người ta được. Mình phụ thuộc vào người ta, mình phải cam chịu. Xã hội có người này người kia, nhiều người vẫn thương tụi em lắm!

Có lần đi khám bệnh ở Bệnh viện chấn thương chỉnh hình, đường Trần Hưng Đạo, quận 5, Tp.HCM, 3-4 bãi gửi xe gần đó không nhận trông xe 3 bánh vì… quá mất diện tích. Cực chẳng đã, em đành bỏ xe dưới lòng đường để vào viện khám bệnh.

Háo hức được ra thủ đô Hà Nội

Cuối mỗi giờ chiều là khoảng thời gian vui nhất trong ngày của Mai. Em được giao lưu và tập luyện thể thao với các bạn cùng hoàn cảnh.

Tuần 3 buổi, mỗi buổi 2 tiếng, Mai tập luyện bộ môn ném lao, ném đĩa và đẩy tạ để chuẩn bị cho Hội thao Người khuyết tật hàng năm.

Mỗi năm, Hội thao Người khuyết tật được tổ chức ở một địa phương nên nhờ đó Mai cùng các bạn được đi đây đó, được trải nghiệm “những lần đầu tiên” đi tàu hỏa và đi máy bay.

“Đợt ra Đà Nẵng, đi bằng tàu lửa mê lắm. Những đứa nào mà tự đi thì rất cực! Nhà ga, toa tàu cao lắm, rất khó để lên. Thầy Phúc (huấn luyện viên đội tuyển thể thao người khuyết tật) phải bế từng đứa lên tàu”. Mai nói.

Có lẽ, hạnh phúc lớn nhất đối với Mai và một số vận động viên khuyết tật là lần đầu tiên em được ra thủ đô Hà Nội vào năm 2022. Hồi hộp chuẩn bị cho kỳ thi đấu thì ít, Mai dành cả tuần háo hức tìm hiểu thông tin về những địa danh thắng cảnh đẹp của thủ đô.

Thành tích của Mai đạt được trong các Hội thao Người Khuyết tật gồm 6 Huy chương Vàng và hàng chục huy chương Bạc.

Tham dự Giải vô địch quốc gia môn Điền kinh người khuyết tật năm 2023 tổ chức tại Tp.HCM mới đây, dù chỉ được hai Giải Bạc nhưng em không thấy buồn vì sau vài lần phẫu thuật, các khớp bị hư nên không còn ném chuẩn xác nữa.

Hồ Thị Thu Mai nhận huy chương trong giải thi đấu thể thao dành cho người khuyết tật 2023

Mai và các bạn đồng hành sau cuộc thi Para Games 2023. Ảnh: NVCC

Sau 2 lần chết hụt. Được sống đã là niềm Hạnh phúc lớn. Biết ơn và tận hưởng những gì đang có là động lực giúp em vượt qua những khó khăn, vất vả thường ngày.

Mai bảo, sau 2 lần chạm đến làn ranh giới giữa sự sống và cái chết, mỗi sáng thức dậy vẫn thấy mình còn thở được đã là vui lắm rồi! Em biết ơn vì mình vẫn được sống, vẫn được đi bán vé số hàng ngày, được gặp bạn bè, thầy cô. Một ngày nào đó, em sẽ tiết kiệm đủ tiền để thực hiện cuộc phẫu thuật còn lại. Nếu may mắn, em sẽ có thể đi lại được và không còn phụ thuộc hoàn toàn vào chiếc xe lăn.

Cánh cửa này đóng lại nhưng cánh cửa khác lại mở ra. Mai tin, nếu em suy nghĩ tích cực, điều kì diệu sẽ đến, bởi ngoài kia, vẫn có rất nhiều người tốt bụng, những tấm lòng yêu thương sẵn sàng dang tay giúp đỡ những người khuyết tật như em khi mưu sinh, hòa nhập cộng đồng.